Xoa dịu đồng minh, Mỹ cam kết tiếp tục hiện diện quân sự tại Syria

Thu Hoài |

Theo các nhà phân tích, với con số ít ỏi 200 binh sĩ, Mỹ sẽ khó có thể làm hài lòng những đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong một bước đi được xem là nhằm xoa dịu các đồng minh, Chính phủ Mỹ ngày 21/2 cho biết sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria. Quyết định đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Theo Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sander, một nhóm nhỏ lực lượng gìn giữ hòa bình khoảng 200 người sẽ vẫn ở lại Syria trong một thời gian nữa sau khi Mỹ rút quân. Tuy nhiên, vấn đề số binh sĩ này sẽ ở lại trong thời gian bao lâu và được triển khai tại khu vực nào lại không hề được nhắc đến. Ước tính, Mỹ hiện triển khai khoảng 2.000 quân tại Syria và theo các nguồn tin, tiến trình rút quân dự kiến sẽ bắt đầu trong vài tuần tới.

Thông báo đưa ra trong bối cảnh, Mỹ, cùng các đồng minh Arab và người Kurd chuẩn bị tuyên bố về một chiến thắng hoàn toàn trước nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

Theo Tổng thống Donald Trump, Mỹ và các đồng minh đã chiến thắng trước IS và đã đến lúc phải trở về: “Như tôi đã nói trong Thông điệp liên bang, quân đội Mỹ, cùng với các đối tác trong liên minh của chúng tôi và Các Lực lượng Dân chủ Syria đã giải phóng gần như toàn bộ những vùng lãnh thổ bị IS chiếm giữ trước đây ở Syria và Iraq. Chúng tôi sẽ chính thức công bố chiến thắng một khi giành lại được 100% những vùng lãnh thổ trong vương quốc tự xưng của IS”.

Tuy nhiên, quan điểm này của Mỹ lại không nhận được sự đồng tình của các đồng minh phương Tây. Các nước châu Âu đã ngay lập tức chỉ trích quyết định của Mỹ, cho rằng Mỹ đã tự ý hành động mà không có sự tham vấn hay phối hợp từ trước.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đặt câu hỏi: Một quyết định rút quân bất ngờ và chóng vánh khỏi Syria liệu có phải là một quyết định đúng đắn đối với người Mỹ? Nhà lãnh đạo Đức đồng thời cho rằng, điều này chỉ góp phần dọn đường cho Nga và Iran gia tăng ảnh hưởng tại khu vực.

Không chỉ Đức, mà Pháp một đồng minh quan trọng khác cũng phản đối mạnh mẽ lập trường này của Mỹ.

Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian nói: “IS đã bị đánh đuổi ra khỏi những vùng lãnh thổ cuối cùng mà chúng còn chiếm giữ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là IS đã bị tiêu diệt hoàn toàn và chúng có thể rút về hoạt động bí mật. Hiện tại hòa bình lãnh thổ đã đạt được, song cuộc chiến của chúng ta vẫn phải được tiếp tục”.

Trên thực tế, việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria không chỉ khiến các đồng minh phương Tây trong liên quân quốc tế chống IS hoang mang, mà còn đặt dấu hỏi lớn cho số phận của liên minh giữa các tay súng người Kurd và Arab vốn được Mỹ ủng hộ để tham gia cuộc chiến chống IS.

Chính vì thế, cùng với tuyên bố rút quân, thời gian qua, chính quyền Mỹ cũng triển khai nhiều bước đi nhằm trấn an các đồng minh như cam kết tiếp tục theo đuổi các chiến dịch chống khủng bố, kêu gọi “một lực lượng quan sát viên” tại Đông Bắc Syria nhằm đảm bảo an ninh của các đồng minh người Kurd hay thiết lập vùng an toàn dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria...

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với con số ít ỏi 200 binh sĩ, Mỹ sẽ khó có thể làm hài lòng các đồng minh, các đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. /.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại