"Xin nhà trường đừng gọi tôi là phụ huynh": Quan điểm ngược đời của ông bố TPHCM gây bão, đọc lý giải mới thấy anh đã nhầm to rồi

Hiểu Đan |

Chỉ vì hiểu nhầm mà ông bố này đã có ý kiến gây tranh cãi.

"Tôi có vài chia sẻ với cha mẹ học sinh. Tôi không thích cách trường học gọi tôi là phụ huynh học sinh. Vì phụ là người không phải chính. Huynh là anh. Nên gọi phụ huynh là không phù hợp", một ông bố ở TP.HCM mới đây "đăng đàn" trong một hội nhóm gần 200 nghìn thành viên khiến dân tình tranh luận.

Ngoài vấn đề tên gọi, ông bố này còn phản ánh một số vấn đề như hỏi ý kiến cha mẹ học sinh nhưng bắt giơ tay biểu quyết mà không cho ghi ẩn danh; Con toàn học trên máy chiếu, vậy mua sách làm gì?; Quỹ phụ huynh học sinh và quỹ khuyến học là không bắt buộc. Nhưng nếu không đóng góp thì các em sẽ mất thi đua; Trong học phí đã có môn tiếng Anh rồi. Nhưng nhà trường lại ép học tiếng Anh với người nước ngoài vài trăm nghìn 1 tháng). Đối với những ai học về xã hội, khối C thì điều đó không cần thiết, gây lãng phí.

Quan điểm ông bố này đưa ra thu hút sự chú ý.

Phụ huynh có phải là "Anh... phụ"?

Trong đó, với ý kiến gọi cha mẹ học sinh là "phụ huynh", nhiều người chỉ ra, ông bố này đã có sự nhầm lẫn.

Theo từ điển Lê Văn Đức, phụ huynh được hiểu là cha anh, những người có trách nhiệm đối với trẻ vị thành niên: "Các bậc phụ-huynh nên chăm sóc con em". Tương tự, theo Từ điển mở - Hồ Ngọc Đức, phụ huynh chỉ người có trách nhiệm trong gia đình đối với việc giáo dục con em: Nhà trường mời phụ huynh học sinh đến họp để tổng kết năm học. Một số từ điển khác cũng cho cách lý giải tương tự.

Như vậy, chính cách hiểu sai nghĩa của tên gọi này đã dẫn tới phản ứng của ông bố nói trên. Nhiều người cho rằng, trường hợp vẫn không muốn danh xưng phụ huynh, anh có thể trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để mỗi khi có vấn đề, cô/thầy sẽ gọi anh là "bố của em A".

Với ý kiến học tiếng Anh với người nước ngoài, một số phụ huynh cho rằng hiện nay đang xã hội hóa tiếng Anh, biết thêm ngoại ngữ mở ra thêm cơ hội học, đọc tài liệu tham khảo, không phân biệt khối tự nhiên hay xã hội. Việc học thêm tiếng Anh, đặc biệt với giáo viên nước ngoài giúp nâng cao khả năng giao tiếp cho học sinh.

Thêm vào đó, học tiếng Anh ngoại khoá không phải là hoạt động bắt buộc. Thông thường, đối với những học sinh không đăng ký học, giờ học làm quen tiếng Anh với người nước ngoài, nhà trường có kế hoạch giao cho các giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm quản lý, tổ chức các hoạt động ôn luyện cho các em hoặc cho các em ra về sớm.

Việc trường liên kết với các tổ chức, đơn vị bên ngoài để tổ chức các lớp học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài không bị cấm. Tuy nhiên, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định đây là môn học tự nguyện, các trường chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa. Quy định cũng nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia.

Một số thắc mắc khác, nhiều người khuyên ông bố này nên phản ánh lên nhà trường để có câu trả lời thoả đáng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại