Xin lỗi em yêu nhưng đây là EURO

Bảo Nam |

Hoặc là em cùng anh xem bóng đá, hoặc là để anh yên thân với cái tivi xem EURO. Một tháng tới đây, liệu có bao nhiêu ông chồng phải nói như vậy với vợ.

1. Kênh Eurosport phiên bản Đức cách đây khoảng nửa tháng có phát động một chương trình mà dịch nôm na ra tiếng Việt là: Ký ức EURO. Họ kêu gọi các fan bóng đá trên toàn nước Đức viết bài kể về những mùa EURO đáng nhớ nhất.

Tấm vé dự khán trận chung kết trên đất Pháp trong cabin bình luận của Eurosport là giải nhất của cuộc thi này. Khỏi phải nói, số lượng người tham dự đông vô số kể.

Và bài viết chiến thắng không phải là những dòng cảm xúc lai láng kể về chức vô địch EURO 1996 của ĐT Đức, cũng không phải là những tâm sự khắc khoải, sến súa chảy nước.

Chiến thắng thuộc về một… ông chồng. Anh ta không phải nhà văn, nhà báo. Bài viết của anh ta không chau chuốt, không có thông tin gì đặc sắc.

Anh ta chỉ đơn thuần miêu tả về… căn phòng siêu bừa bộn của mình hồi EURO 2012 và những hành động cười ra nước mắt của một fan cuồng bóng đá. Sau đây xin trích dẫn vài câu nói hay của anh chàng này.

"Tôi phải giết con gián đó. Tôi nhìn xung quanh xem có vật gì để đập nó và tôi quyết định chọn… điện thoại của mình. Tôi không thể đập bằng cái điều khiển tivi được".

Xin lỗi em yêu nhưng đây là EURO - Ảnh 1.

Chiếc TV là bạn của những người đàn ông mùa Euro.

"Tiệc BBQ? Đi dã ngoại? Shopping? Không. Xin lỗi em yêu, nhưng đây là EURO mà. Tại sao em có thể làm được những việc khác ngoài xem bóng đá".

"Vợ tôi vừa dọn nhà. Thật tuyệt vời khi cô ấy biết phải bắt đầu từ đâu với căn phòng ấy".

"Tôi chợt nhận ra chuyện Robinson sống ở đảo hoang cũng chả khó khăn gì. Với chiếc tivi và EURO, tôi có thể làm tốt hơn gã đó".

"Theo tôi, tivi chính là phát minh vĩ đại nhất của nhân loại".

2. Còn tôi, EURO trong tôi là:

Ghé thăm một sạp báo, đứng ngẩn ngơ ngắm nhìn những tờ lịch thi đấu EURO được trình bày bắt mắt. Cố gắng chọn tờ đẹp nhất vì kiểu gì lũ hàng xóm cũng sang so sánh xem tờ lịch nhà nào đẹp hơn. Chọn 2 tờ. Một tờ dán cạnh giường ngủ, tờ còn lại dán gần tivi.

Sau mỗi trận đấu, hai bố con tranh nhau ghi kết quả lên tờ lịch đó.

Nhưng sau đó rốt cuộc cũng thống nhất được con sẽ là người ghi vì lý do rất khôi hài: Chữ con đẹp hơn và tốt nhất là chỉ nên xuất hiện một nét chữ xuyên suốt cả giải đấu. Ôi cái thời đại chưa có Internet và smartphone.

Xin lỗi em yêu nhưng đây là EURO - Ảnh 2.

Lịch thi đấu dán trên tường là điều không thể thiếu mỗi mùa World Cup, Euro.

Những buổi đêm thức xuyên, sáng dậy vật vờ lên giảng đường nhưng cũng không quên ghé sạp báo mua tờ báo thể thao mới nhất, đọc ngấu nghiến tất cả những gì được viết, phải tích lũy tư liệu để còn chém gió với lũ bạn.

Tối về, cả xóm dựng ghế nhựa ra sân ngồi bàn về trận đấu sắp diễn ra. Tất cả đều cố gắng chứng tỏ mình là chuyên gia và kẻ tranh luận với mình chỉ là hạng gà.

Mẹ là người vất vả nhất trong thời gian EURO diễn ra. Mẹ phải rửa bát, dọn dẹp đống đồ ăn mà hai bố con bày ra sau mỗi trận đấu.

Thi thoảng rảnh rỗi, mẹ cũng ngồi xuống xem một trận đấu cùng cánh đàn ông.

45 phút đầu là thời gian phổ cập kiến thức về khái niệm việt vị, ném biên, đá phạt góc và tệ hơn nữa là giải thích cho mẹ về việc hậu vệ chuyền về cho thủ môn đội nhà chứ không phải thằng cầu thủ nào đó kém nên sút nhẹ hều.

Xin lỗi em yêu nhưng đây là EURO - Ảnh 3.

Luật bóng đá là một cơn "ác mộng" với không ít các bà, các mẹ.

90 phút trận đấu diễn ra là thời gian tập trung nhất. Không có tiết mục giơ điện thoại chụp lại hình ảnh trên tivi rồi post Facebook, cũng không có check-in trước giờ bóng lăn, lên mạng xem thống kê…

EURO trong ký ức của tôi cũng giống như anh chàng người Đức kia: Chỉ có chiếc điều khiển và cái tivi.

3. EURO nói riêng hay bóng đá nói chung không chỉ là một ngày hội dành cho NHM. Suốt nửa năm qua, nước Pháp đã phải chạy đua với thời gian, phải ngụp lặn trong cơn lũ để EURO 2016 có thể diễn ra đúng dự kiến.

Khủng bố, thiên tai, sự chống đối ngầm trong nội bộ, scandal phân biệt chủng tộc, đình công… thật không thể tin những gì nước Pháp đã phải vượt qua để chúng ta sắp có 1 tháng ăn ngủ cùng trái bóng Beau Jeu.

Tháng 11 năm ngoái, đám khủng bố khống chế nhà hát Bataclan, nổ súng bắn hạ cả trăm người. Thế giới choáng váng.

Theo điều tra của cơ quan chống khủng bố, lẽ ra đám vô nhân đạo đó đã có thể đột nhập cả vào sân Stade de France và khiến cho hậu quả còn tồi tệ hơn 127 mạng người đã ngã xuống.

Nhưng chúng không thể làm được. Quả bom phát nổ bên ngoài sân Stade de France. Đó là một hình ảnh biểu trưng tuyệt vời: Stade de France giống như một pháo đài bất khả xâm phạm, là ranh giới giữa bóng đá và tội phạm.

Xin lỗi em yêu nhưng đây là EURO - Ảnh 4.

 CĐV Anh và Pháp xếp hình thành cờ nước Pháp ở trận đấu ngay sau vụ khủng bố tại Paris.

Sau vụ khủng bố đó, nước Pháp còn có một tuyên ngôn mạnh mẽ hơn gấp bội khi quyết định để trận giao hữu với ĐT Anh diễn ra bình thường.

Hãy thử tưởng tượng điều đó diễn ra ở đất nước chúng ta thì việc để một trận đấu bóng đá diễn ra ngay sau một thảm họa quốc gia sẽ bị ném đá tới nhường nào.

Nhưng người Pháp muốn phát đi tuyên ngôn: Không có bất kỳ thế lực nào có thể ngăn bóng đá diễn ra, ngăn người dân được tận hưởng niềm vui. Và EURO 2016, dù đối diện với vô vàn khó khăn, vẫn sẽ diễn ra.

Hãy bắt đầu tập nói từ chối người yêu, vợ, từ chối những bữa tiệc quẩy hết mình đi. EURO đến rồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại