Theo Vidifi, Công ty TNHH Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng (CTEI) đã kiểm tra cường độ bêtông cống chui bằng phương pháp siêu âm và kết hợp súng bật nẩy vào chiều 20-5.
Việc kiểm tra cường độ bêtông toàn bộ cống chui được thực hiện tại 3 vùng theo dạng lưới mắt cáo.
Đối với vị trí bêtông vỡ cũng kiểm tra theo dạng lưới mắt cáo ở mặt ngoài và mặt trong xung quanh vị trí vỡ cạnh cống bên phải tuyến đường phía Hải Phòng; mặt trong xung quanh vị trí vỡ cạnh cống bên phải tuyến phía Hà Nội.
Kết quả kiểm định cho thấy toàn bộ cấu kiện hầm chui đạt yêu cầu về cường độ thiết kế (trên 25Mpa). Riêng 2 điểm nằm ngay vị trí bêtông vỡ thấp hơn yêu cầu do đây là 2 vị trí hư cục bộ.
Cường độ bêtông tại hai điểm này đạt 23Mpa và 20Mpa so với yêu cầu là 25Mpa.
“Nguyên nhân là do ván khuôn được ghép không đảm bảo kín khít nên trong quá trình đầm bêtông tạo khe hở dẫn đến mất nước ximăng” - báo cáo của Vidifi do phó tổng giám đốc Vũ Hữu Thành ký gửi Bộ GTVT cho biết.
Để khắc phục, Vidifi đã yêu cầu tư vấn giám sát chỉ đạo nhà thầu (Công ty cổ phần đầu tư xây lắp dầu khí IMICO) đục tẩy các vị trí bêtông chất lượng kém theo đánh giá và hướng dẫn trực tiếp của kỹ sư tư vấn giám sát tại hiện trường, vệ sinh sạch sẽ, thay thế bằng bêtông có sử dụng phụ gia sika grout chống co ngót.
Theo Vidifi, nhà thầu thi công chịu toàn bộ chi phí khắc phục, sửa chữa.
Vidifi cho biết thêm theo thiết kế ban đầu, cống chui km4+900 có kết cấu móng mềm và được thi công sau khi gia tải nền đường ổn định.
Tuy nhiên, để đảm bảo giao thông thuận lợi cho người dân địa phương, bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo phải thi công ngay không chờ gia tải và thay đổi kết cấu móng cống thành móng cứng (đóng cọc bêtông cốt thép).
Ngoài vị trí bung bở bêtông dùng tay gảy được đá dăm, hầm chui km4 +900 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xuất hiện cả vết thấm, đọng nước ở khe co giãn trên nóc cống và các vị trí chảy nước ố vàng ở vách hầm phía Hà Nội, tuy nhiên báo cáo của Vidifi gửi đến Bộ GTVT chỉ đánh giá chất lượng bêtông, chưa đánh giá hai hiện tượng trên.