Đúng. Sáng lập kiêm CEO Nick Woodman đã làm một điều rất tuyệt vời khi tạo ra hẳn một danh mục mới cho chiếc camera trong thời điểm mà phần còn lại của ngành công nghiệp đang phải vật lộn với việc kết hợp điện thoại và camera. Nhưng những mẫu camera hành động của GoPro không còn hấp dẫn nữa khi mà người dùng chẳng còn mặn mà với việc sử dụng camera.
Vấn đề của GoPro là họ đã không đa dạng hóa lĩnh vực trong 16 năm. Dòng sản phẩm của họ thay đổi không đáng kể, chỉ tập trung vào mỗi một việc là nâng cấp mẫu camera nhỏ gọn và chủ yếu vẫn dựa vào thị trường quê nhà.
Năm 2004, khi GoPro trình làng camera đầu tiên, sản phẩm hot nhất của Apple là iPod. Và giờ đây, khi GoPro vẫn chỉ loay hoay với camera thì Apple kiếm hàng núi tiền từ iPhone cũng như các sản phẩm khác.
GoPro không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ Trung Quốc tại châu Á, bao gồm cả Xiaomi
GoPro cũng có một vài nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm nhưng đều thất bại. Năm 2016, hãng này gia nhập thị trường drone nhưng chỉ duy trì được trong 15 tháng khi mà DJI và các hãng drone khác đã và đang thống trị thị trường.
Tại châu Á, GoPro không có cửa cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc trên cả thị trường camera và drone. Năm 2017, doanh thu từ châu Á chỉ chiếm 21% tổng doanh thu của GoPro và các năm trước thậm chí còn tệ hơn.
Xiaomi, ngược lại, không bao giờ chịu đứng yên. Không chỉ thành công với smartphone, startup Trung Quốc còn tạo ra hẳn một hệ sinh thái với sự tham gia của nhiều startup nhỏ khác.
Các sản phẩm mà Xiaomi cung cấp trải rộng từ smartphone tới nồi cơm điện, máy lọc không khí và thậm chí cả cân điện tử, giày thông minh và camera hành động. Theo thông tin từ Information, Xiaomi sẵn sàng bỏ ra khoảng 1 tỷ USD để thâu tóm GoPro.
Kết hợp với một hãng sản xuất thiết bị khác chính là tương lai mà GoPro nên hướng tới. Hiện tại, với iPhone và gậy tự sướng, người dùng có thể quay phim và chụp ảnh khi leo núi, trượt tuyết và sau đó trình chiếu trên TV để xem lại khi về khách sạn.
Tuy nhiên, GoPro có thể khiến mọi thứ dễ dàng hơn cho người dùng bằng cách kết hợp camera của họ với các thiết bị như MiBox của Xiaomi cũng như routers và các thiết bị kết nối khác mà Xiaomi phát triển.
Với sự hỗ trợ từ Xiaomi, các sản phẩm của GoPro có thể được bán với giá rẻ hơn. Cùng với đó, các kênh phân phối rộng rãi của Xiaomi cũng sẽ giúp GoPro thâm nhập tốt hơn vào thị trường châu Á.
Drone Karma của GoPro chỉ tồn tại được đúng 15 tháng
Về phần Xiaomi, chi ra 1 tỷ USD sẽ không khiến họ mất cân bằng về tài chính nhưng lại đem về rất nhiều lợi ích. CEO Lei Jun đang chuẩn bị IPO nên việc sở hữu một thương hiệu nổi tiếng tại Mỹ sẽ giúp Xiaomi nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các nhà đầu tư.
Thương vụ này không chỉ giúp Xiaomi thâm nhập vào thị trường Mỹ mà còn vươn ra toàn cầu qua các kênh phân phối của GoPro. Hệ thống 30.000 cửa hàng tại 100 quốc gia của GoPro sẽ giúp Xiaomi giảm sự phụ thuộc vào các thị trường châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích Xiaomi cần giữ nguyên thương hiệu GoPro và đừng đặt thương hiệu của mình lên tất cả mọi sản phẩm. Xiaomi cần vạch ra một chiến lược đa thương hiệu, giữ chân nhóm phát triển GoPro và để họ tiếp tục làm việc ở California. Bằng cách ấy, Xiaomi có thể tiếp tục giúp họ mở rộng sang các dòng sản phẩm mới dưới thương hiệu GoPro.
Tất nhiên, tất cả những điều trên chỉ xảy ra khi các cơ quan quản lý của Mỹ phê duyệt thương vụ này. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến các thương vụ thâu tóm xuyên biên giới như thế này bị đổ bể.