Trưa 11-3, VKSND TP HCM bắt đầu xét hỏi các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) khai dù trên sổ sách bị cáo Trương Mỹ Lan có 4,9% cổ phần Ngân hàng SCB nhưng trong quá trình làm việc với ngân hàng, bị cáo phỏng đoán bà Lan nắm toàn bộ cổ phần của ngân hàng.
Bị cáo Dũng khai nhận làm việc tại Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa từ tháng 5-2009. Sau khi hợp nhất Ngân hàng SCB, Dũng tiếp tục làm việc tại đây với nhiều vị trí, chức vụ.
Đầu năm 2019, bị cáo là Ủy viên HĐQT kiêm phụ trách Khối doanh nghiệp. Bị cáo được Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) giới thiệu là người "hiền lành", "không quậy phá" nên bà Trương Mỹ Lan đồng ý để Dũng là Chủ tịch HĐQT từ tháng 12-2020.
Bị cáo Dũng khai biết rõ khoản vay nào là khoản vay của bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Các khoản vay của bà Lan, Dũng chỉ ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân, rút tiền Ngân hàng SCB theo chỉ đạo của bà Lan, thực tế các đơn vị tại Ngân hàng SCB không thực hiện việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn.
Đại diện VKSND TP HCM hỏi bị cáo Dũng cách thức phân biệt các khoản vay bình thường với khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan? Bị cáo Dũng khẳng định hồ sơ vay vốn của bị cáo Lan và Vạn Thịnh Phát khác với hồ sơ vay vốn thông thường. Việc phân biệt dựa vào ký hiệu "HSTT" (hội sở tiếp thị) được ghi trên các hồ sơ.
"Bây giờ bị cáo đứng đây mới thấy 1 phần lỗi của mình vì tin tưởng chị Lan một cách mù quáng, cứ nghĩ chị Lan là người kinh doanh rất giỏi"- bị cáo Dũng ăn năn.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ ngày 10-4-2013 đến 4-12-2020, với các vai trò quản lý khác nhau, bị cáo Dũng đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan, gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 187.607 tỉ đồng. Từ ngày 9-12-2020 đến ngày 22-9-2022, với vai trò Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, bị cáo đã giúp sức bị cáo Lan chiếm đoạt 104.259 tỉ đồng của Ngân hàng SCB và gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số nợ lãi phát sinh 26.331 tỉ đồng.
Đại diện VKSND TP HCM tiếp tục xét hỏi bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) để làm rõ về quyền chi phối của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB.
Kiểm sát viên hỏi: "Ai là người quyết định cho bị cáo giữ chức vụ Tổng Giám đốc SCB?". Bị cáo Văn trả lời vào tháng 7-2013, bị cáo được Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) tuyển dụng vào làm việc với chức vụ Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB.
Sau đó, bị cáo không rõ bà Sương cũng như một số nhân sự lãnh đạo khác của ngân hàng báo cáo với bà Trương Mỹ Lan nội dung gì nhưng có sắp xếp bị cáo gặp mặt. Tại đó, bị cáo được giới thiệu bà Trương Mỹ Lan là cổ đông lớn nhất của SCB.
Sau đó, bà Lan nhiều lần gọi điện thuyết phục bị cáo giữ chức Tổng Giám đốc. Bà Lan nói với bị cáo: "Không chịu làm, để người khác ngồi lên đầu lên cổ à".
Bị cáo Văn cho rằng có ý kiến của bà Lan, bị cáo mới được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc SCB.
"Sau đó, mỗi tháng bà Lan lại gọi cho bị cáo 1-2 lần nói bâng quơ về việc cần một khoản tiền" - bị cáo Văn kể. Bị cáo Văn thừa nhận sau những cuộc gọi đó, bị cáo hiểu là phải thực hiện ký khống hồ sơ cho bị cáo Lan vay tiền.
Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, từ ngày 18-11-2013 đến ngày 11-12-2017, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn đã ký hồ sơ cho vay khống và giải ngân để bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng trái mục đích, phương án vay vốn, gây thiệt hại cho SCB hơn 60.502 tỉ đồng. Từ ngày 9-2-2018 đến ngày 25-7-2020, bị cáo đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 101.247 tỉ đồng.
Trả lời HĐXX trước đó, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phủ nhận việc nắm 85-91% cổ phần của Ngân hàng SCB dù không giữ chức vụ gì tại đây.
Bị cáo nhiều lần nói không có kiến thức về ngân hàng, chỉ tham gia hỗ trợ Ngân hàng SCB trong giai đoạn tái cơ cấu bằng cách kêu gọi bạn bè góp cổ phần, dùng tài sản của mình để đảm bảo cho ngân hàng này và giúp giải quyết tài sản chứ không điều hành ngân hàng như các bị cáo là các cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB qua các thời kỳ khai. Bị cáo Lan phủ nhận việc chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB.