Phiên tòa xử vụ "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan tới nguyên chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Chánh có thời điểm khá đặc biệt: ngày19/7 chính là ngày truyền thống của ngành Thi hành án.
Theo cáo trạng của Viện Kiếm sát nhân dân Tối cao, Chánh đã có các sai phạm trong quá trình thực thi công vụ, gây thiệt hại cho 2 doanh nghiệp tại tỉnh Gia Lai với giá trị được hội đồng định giá trong tố tụng hình sự xác định là hơn 55 tỷ đồng.
Bắt nhầm hơn bỏ sót
Theo cáo trạng, tháng 9/2014, TAND tỉnh Bình Định ra bản án phúc thẩm vụ kiện giữa công ty Thanh Phát với doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi, theo đó Phú Lợi có nghĩa vụ trả cho Thanh Phát số tiền hơn 19,2 tỷ đồng.
Tháng 10/2014, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Định ký quyết định thi hành án, phân công chấp hành viên Nguyễn Văn Chánh trực tiếp tổ chức thi hành.
Nguyễn Văn Chánh tổ chức cưỡng chế kê biên kho hàng sắn lát của Phú Lợi tại thành phố Quy Nhơn. Tuy nhiên, trong quá trình kê biên, Chánh không yêu cầu cung cấp sổ sách, chứng từ kế toán chứng minh nguồn gốc hàng hóa (sắn lát) trong kho.
Theo xác định của VKSND Tối cao, trong kho này có lô hàng hơn 1.600 tấn sắn lát của doanh nghiệp Huy Phương gửi từ tháng 1/2014.
Khi biết tin hàng hóa của mình gửi trong kho Phú Lợi bị kê biên, chủ doanh nghiệp Huy Phương đề nghị Phú Lợi cho nhận lại hàng, đồng thời khiếu nại với Cục THA Bình Định, chứng minh lô hàng này là của mình.
Ngày 4/11/2014, Cục THA trả lời do chưa ban hành quyết định cưỡng chế kê biên số sắn lát nói trên nên không có cơ sở giải quyết khiếu nại. Nhưng ngày 5/11, khi doanh nghiệp này cho xe đến kho chở sắn đi giao hàng, chấp hành viên Chánh đã cho tạm giữ và niêm phong số sắn lát trong kho.
Khi niêm phong, Chánh không kiểm tra khối lượng, chất lượng lô hàng; việc bàn giao cho tổ bảo vệ chỉ trao đổi miệng chứ không lập biên bản.
Mặc dù sau đó, doanh nghiệp Phú Lợi đã có văn bản xác nhận lô hàng trên là của doanh nghiệp Huy Phương gửi, nhưng Chánh vẫn không chấp nhận giải phóng lô hàng vì cho rằng hai doanh nghiệp này cấu kết để tẩu tán tài sản.
Lúc này, do doanh nghiệp Huy Phương kiện lên Tòa án Pleiku (nơi doanh nghiệp có trụ sở) yêu cầu công nhận quyền sở hữu tài sản với lô hàng trên, nên Cục THA Bình Định ra quyết định tạm hoãn thi hành án.
Tháng 6/2015, tòa án Pleiku phán quyết công nhận lô hàng sắn lát trên thuộc sở hữu của doanh nghiệp Huy Phương. Bản án đã có hiệu lực pháp luật từ ngày 22/12/2015, nhưng mãi đến tháng 3/2016, Nguyễn Văn Chánh mới ra quyết định trả lại tài sản tạm giữ cho Huy Phương, thu hồi toàn bộ quyết định cưỡng chế kê biên.
Đến lúc này, sau hơn 30 tháng hàng bị tạm giữ trong kho, lô hàng bị giảm cả về chất lượng và số lượng nên Huy Phương không đồng ý nhận lại. Theo chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án, Chánh làm các thủ tục và tổ chức bán đấu giá lô hàng được 3,555 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Cục THA Bình Định chuyển khoảng hơn 2,49 tỷ đồng cho doanh nghiệp Huy Phương.
Theo định giá của cơ quan có chức năng, lô hàng này tại thời điểm bị tạm giữ có giá trị hơn 8,156 tỷ đồng. Số tiền thiệt hại của doanh nghiệp là gần 5,666 tỷ đồng. Bị thiệt hại quá nhiều, doanh nghiệp này yêu cầu bồi thường với số tiền hơn 9,889 tỷ đồng.
Vỡ nợ, bỏ trốn vì vụ cưỡng chế nhầm
Khó khăn lắm PV mới tìm cách gặp được bà Giáp Thị Huy Phương - chủ doanh nghiệp Huy Phương. Bà Phương cho biết: Do vụ cưỡng chế kê biên nhầm, doanh nghiệp của bà thiệt hại nặng tới mức đến nay đã phá sản.
Sau khi biết tin Huy Phương dính đến một vụ cưỡng chế thi hành án, các bạn hàng hầu như xa lánh. Các mối quan hệ làm ăn kiểu "tín chấp" (mua hàng trước thanh toán sau) cũng bị cắt đứt. Thậm chí việc vay tiền ngân hàng trở nên gần như không thể được.
Doanh nghiệp phải vay lãi ngoài để trả các khoản vay ngân hàng đến hạn. Do lãi suất quá cao, hiện tại Huy Phương đang mang nợ gần 20 tỷ đồng.
Đã phải gán nhà ở, tài sản cho chủ nợ nhưng vẫn bị đe dọa, cả gia đình bà Phương phải lẩn trốn đi nơi khác kiếm ăn qua ngày. Con của bà Phương phải về quê ở với ông bà nội. Thậm chí khi ốm đau, bà Phương cũng không dám vào bệnh viện chữa chạy.
Từ chỗ là một doanh nghiệp có tài sản chục tỷ đồng, chỉ sau một vụ cưỡng chế thi hành án nhầm đối tượng, Huy Phương trên thực tế đã bị xóa sổ. Thậm chí cả khi được bồi thường, thì số tiền nhận được còn xa mới bằng số tiền doanh nghiệp đang nợ.
2 tháng giam hàng, thiệt hại ngay 50 tỷ
Không chỉ gây thiệt hại "nhầm" với doanh nghiệp Huy Phương, sai phạm của Nguyễn Văn Chánh còn gây thiệt hại rất lớn cho bên bị thi hành án là doanh nghiệp Phú Lợi.
Theo VKSND Tối cao, sau khi xác minh doanh nghiệp Phú Lợi có nhà máy chế biến tại khu công nghiệp Long Mỹ (Bình Định), tháng 7/2015 Chánh ban hành quyết định cưỡng chế kê biên tài sản.
Đến tháng 8, Chánh tổ chức cưỡng chế nhà xưởng, nhà làm việc… nhưng không thực hiện đầy đủ các nội dung trong kế hoạch, không mở nhà kho, xưởng sản xuất (bên trong chứa gần 26.000 tấn sắn lát và hơn 33 tấn hạt ươi là tài sản không thuộc diện kê biên).
Sau kê biên, Chánh cho niêm phong cổng, thuê bảo vệ canh giữ. Doanh nghiệp Phú Lợi nhiều lần yêu cầu cung cấp biên bản cưỡng chế kê biên, nhưng Chánh không cung cấp.
Đến cuối tháng 8, Cục THA Bình Định ra thông báo tạm hoãn thi hành án do có kháng nghị của VKSND Tối cao. Tháng 10/2015, Cục THA tổ chức giao lại tài sản bị kê biên và không thuộc diện kê biên nhưng bị niêm phong cho doanh nghiệp Phú Lợi.
Trong thời gian hàng hóa bị niêm phong, doanh nghiệp không thực hiện được các hợp đồng giao hàng với đối tác, với tổng trị giá hơn 143 tỷ đồng, và bị đối tác hủy hợp đồng.
Mặc dù đến năm sau, doanh nghiệp tìm được đối tác khác mua sắn lát, nhưng do biến động giá cả nên chỉ thu được gần 88,5 tỷ đồng. Riêng lô hạt ươi, toàn bộ bị hư hỏng không còn giá trị.
Thiệt hại của doanh nghiệp Phú Lợi, theo định giá của hội đồng định giá trong tố tụng hình sự, lên tới hơn 49,4 tỷ đồng. Số tiền mà doanh nghiệp yêu cầu bồi thường tới hơn 76 tỷ đồng.
Với những sai phạm này, Nguyễn Văn Chánh và Cục THA Bình Định đang đứng trước cơ hội lập một kỷ lục buồn: Họ đã tạo ra vụ án có mức bồi thường nhà nước cao nhất từ trước đến nay.
Số tiền bồi thường cao nhất được ghi nhận trước vụ này là vụ Chi cục THA Đà Lạt phải bồi thường cho bà Phạm Thị Hồng 17 tỷ đồng, trong một vụ án kéo dài hơn 10 năm. Con số đó mới chỉ xấp xỉ 1/3 số tiền thiệt hại trong vụ án được xét xử tới đây.