Sáng 8/12, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bến Thành (Agribank Bến Thành) tiếp tục với phần xét hỏi.
Trong ngày xét xử hôm qua (7/12), các bị cáo đã lộ ra “kẽ hở” trong quản lý, dẫn đến việc các bị cáo lợi dụng nhằm trục lợi bất chính.
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (nguyên Giám đốc Agribank Bến Thành) và Bùi Công Tiến (nguyên Thủ quỹ Agribank Bến Thành) đều khai rằng cán bộ tín dụng làm hợp đồng tín dụng, thông qua phần mềm IPCAS, thủ quỹ thấy số tiền cần giải ngân thì giải ngân.
Ông Nguyễn Tất Thắng, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, quy trình giao dịch một cửa trên hệ thống Agribank Việt Nam là: Sau khi hồ sơ vay vốn của khách hàng được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đầy đủ, đảm bảo pháp lý, cán bộ tín dụng nhập thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống IPCAS.
Để thực hiện việc giải ngân, cán bộ tín dụng in chứng từ nhận tiền trên hệ thống trình trưởng phòng tín dụng phê duyệt. Sau đó, cán bộ tín dụng chuyển các chứng từ này cho thủ quỹ để chi tiền.
Từ quy trình này, bị cáo Oanh và các cán bộ tín dụng, thủ quỹ đã thực hiện không đúng quy trình.
Chính vì vậy, theo ông Thắng, do phát hiện ra sự lỏng lẻo của quy trình này nên từ ngày 11/4/2014, Agribank Việt Nam đã thay đổi quy trình: toàn bộ khoản giải ngân, huy động vốn đều phải có sự giám sát của bộ phận kế toán.
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó trưởng phòng giao dịch Viễn Đông – Agribank Bến Thành, khai nhận Việt thực hiện theo chỉ đạo của bà Oanh.
Bị cáo thừa nhận mình biết các công ty của Tính không có năng lực tài chính, không sản xuất kinh doanh, không có tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp không đầy đủ nhưng Việt vẫn làm hồ sơ tín dụng và giải ngân 4350 lượng vàng SJC cho 3 công ty của Lê Văn Tính, gây thiệt hại 163,7 tỉ đồng cho Agribank Bến Thành.
Việt cũng đã tự động nâng khống giá trị sản đảm bảo lên 10-30 lần so với giá thị trường.
Sau lời khai của Việt, ông Thắng thừa nhận thời điểm đó, Agribank Việt Nam không có Công ty thẩm định. Việc thẩm định giá tài sản thế chấp do cán bộ tín dụng tự quyết định giá.
Tuy nhiên, hiện nay Agribank Việt Nam đã có cơ quan thẩm định giá độc lập trực thuộc ngân hàng.
Tại tòa, khi HĐXX hỏi về trách nhiệm quản lý của ngân hàng cấp trên khi để xảy ra tình trạng Oanh rút 2.660 lượng vàng SJC, tương đương 47,2 tỉ đồng của Agribank Bến Thành để mua nhà rồi cho chi nhánh thuê lại trong một thời gian dài từ năm 2008 đến năm 2012, đại diện Agribank Việt Nam đã trả lời rằng: Mạng lưới của Agribank Việt Nam rất lớn, tính riêng chi nhánh cấp 1 đã có 184 chi nhánh, chưa kể chi nhánh cấp 2, cấp 3... nên không thể quản lý hết được.
Không đồng tình với câu trả lời của đại diện Agribank Việt Nam, HĐXX nhấn mạnh: Tất cả các chi nhánh hiện đang là chi nhánh phụ thuộc không có pháp nhân đầy đủ, mà pháp nhân đầy đủ chịu trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước giao là ngân hàng Agribank Việt Nam, nếu hệ thống quá lớn nên không quản lý hết, điều này có ổn không?
Trả lời tòa, đại diện Agribank Việt Nam cho rằng, Ngân hàng đã giao quyền cho các chi nhánh, chi nhánh nào làm sai thì chi nhánh đó hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại cho Agribank Việt Nam…
Nội dung mà đại diện Agribank Việt Nam trả lời chưa thuyết phục được HĐXX đồng thuận.
Phiên tòa vẫn đang diễn ra phần xét hỏi.