Xét xử lại vụ án nhà báo ở Điện Biên: Đề nghị thay Kiểm sát viên

Vũ Lợi |

Tại phiên tòa, bị cáo và luật sư đề nghị HĐXX thay 2 kiểm sát viên đại diện cho VKSND huyện Tuần Giáo nhưng đề nghị không được chấp nhận.

Trong 2 ngày 18 – 19/9, Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên xét xử sơ thẩm vụ nhà báo Nguyễn Hải Phong (Trưởng Đài truyền thanh – truyền hình huyện Tuần Giáo) bị truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3, Điều 175 Bộ Luật hình sự.

Đây cũng là phiên tòa thứ 3 đưa ra xét xử công khai nhà báo Nguyễn Hải Phong, sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 94 của Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo từng tuyên bị cáo 7 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trả hồ sơ cho các cơ quan chức năng huyện Tuần Giáo điều tra lại.

Yêu cầu thay đổi kiểm sát viên

Gần 6 tháng sau khi tòa cấp phúc thẩm là Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 94 (bản án ngày 31/10/2019 của Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo), trả hồ sơ điều tra lại vụ án, ngày 1/9/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Tuần Giáo đã có bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 73 chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận cho Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo để đề nghị truy tố bị can Nguyễn Hải Phong về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 175 Bộ Luật hình sự.

Vật chứng kèm theo gồm có 1 USB ghi âm cuộc nói chuyện của ông Nguyễn Trọng Thọ (con trai bị cáo Nguyễn Hải Phong) với bị hại là ông Dương Đức Hiển. Căn cứ vào kết quả điều tra lại vụ án, cơ quan điều tra nhận định hành vi của bị cáo Nguyễn Hải Phong không phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật hình sự mà có đủ căn cứ cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật hình sự.

Căn cứ theo Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can số 03 (24/8/2020) và bản kết luận điều tra số 73 của Cơ quan quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Tuần Giáo, đến ngày 3/9/2020, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo cũng đã lập cáo trạng số 68, quyết định truy tố bị can ra trước tòa.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án ngày 4/9/2020, Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo ban hành Quyết định số 69 ấn định thời gian đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm công khai tại trụ sở Tòa án huyện. Theo quyết định này, những người tiến hành tố tụng trong phiên tòa gồm: Ông Lê Đình Hà, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa; Hội thẩm Nhân dân là các bà Dương Thị Hữu và Nguyễn Thị Huyền; Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo là bà Nông Thị Vân và ông Phạm Minh Hưng.

Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo cũng triệu tập tổng cộng 10 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng đến phiên tòa, trong đó có cả ông Nguyễn Mạnh Cường (cháu ông Dương Đức Hiển) người mà trong các kết luận điều tra, các bút lục thể hiện là nhân vật cháu đi nhờ chú xin việc làm tại huyện Tuần Giáo.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hải Phong và Luật sư bào chữa Nguyễn Thị Minh Châu (Văn phòng luật sư Bảo Châu và cộng sự thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đã đề nghị hội đồng xét xử phải thay đổi 2 kiểm sát viên đại diện cho Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo tham gia phiên tòa là bà Nông Thị Vân và ông Phạm Minh Hưng, căn cứ theo khoản 3 Điều 49 Bộ Luật Tố tụng Hình sự.

Lý do được bị cáo và người bào chữa đưa ra với hội đồng xét xử là nghi ngờ các cán bộ này không vô tư trong khi làm nhiệm vụ, đã tham gia tiến hành tố tụng trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị truy tố trước đó.

Ngoài ra Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu nêu quan điểm cho rằng: các cán bộ này có tư thù cá nhân từ nhiều năm trước với bị cáo Nguyễn Hải Phong, nhất là trong vụ án hình sự số 39 ngày 9/6/2013 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Tuần Giáo liên quan đến việc chứa mại dâm tại nhà nghỉ Thúy Nga (khối Đồng Tâm, thị trấn Tuần Giáo).

Theo đó, vào đầu năm 2013, nhà báo Nguyễn Hải Phong và phóng viên nhiều cơ quan báo chí khác của trung ương, địa phương có tham gia viết bài phản ánh tiêu cực, tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Tuần Giáo (công an, viện kiểm sát huyện) khiến con đường quan lộ được quy hoạch lên làm cán bộ chủ chốt của một số cán bộ bị chậm lại, trong đó có cả kiểm sát viên Nông Thị Vân, Kiểm sát viên vụ án đang xét xử.

Do đó nếu giữ nguyên 2 kiểm sát viên này tham gia tố tụng trong phiên tòa thì sẽ không đảm bảo tính công bằng, khách quan để làm rõ được bản chất vụ việc...

Tuy nhiên, sau 3 lần tạm dừng hội ý, Hội đồng xét xử vẫn cho phép 2 kiểm sát viên này tham gia phiên tòa, bác bỏ đề nghị của bị cáo Nguyễn Hải Phong và Luật sư bào chữa, cho rằng không có căn cứ cụ thể để chứng minh điều mâu thuẫn nêu trên.

Mẹ già hơn 80 tuổi chống gậy ra tòa làm chứng cho con

Tại phiên tòa, căn cứ vào bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 73 của Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an huyện Tuần Giáo) và bản luận tội, các kiểm sát viên đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo cho rằng: Hành vi của bị cáo Nguyễn Hải Phong là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền 248.000.000 đồng để sử dụng và tiêu sài vào mục đích cá nhân. Dù vợ chồng bị hại Dương Đức Hiển đã nhiều lần đòi tiền nhưng bị cáo trây ỳ, cố tình không trả mặc dù có khả năng, điều kiện trả tiền cho bị hại.

Điều này thể hiện ở việc cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh điều kiện kinh tế của bị cáo từ 1/4/2018 đến 13/5/2019 thông qua nguồn thu nhập từ lương, các nguồn thu nhập khác ngoài lương (nhuận bút tin bài, trợ cấp ốm đau, hợp đồng kinh tế với các đơn vị khác…) với tổng số tiền gần 258 triệu đồng.

Trong số tiền này, bị cáo sử dụng chi trả tiền gốc và tiền lãi ngân hàng tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo tổng số tiền khoảng 71 triệu đồng, số tiền còn lại là hơn 187 triệu đồng.

Như vậy để thấy rằng bị cáo Phong hoàn toàn có khả năng chi trả, song sau khi có được tài sản thông qua một hợp đồng, nhưng Phong không thực hiện cam kết trong hợp đồng, trây ỳ, không trả tiền dù bị hại đến đòi nhiều lần, nhằm chiếm đoạt số tiền trên.

Tuy nhiên, bác bỏ nhận định này của kiểm sát viên và bản luận tội của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo, Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng bị cáo Phong chưa bao giờ nói mình sẽ không trả tiền cho bị hại và đưa ra các chứng cứ cho rằng bị cáo đang có nhiều khoản nợ khác cùng phải chi trả một lúc, phải chi tiêu sinh hoạt gia đình và chưa có khả năng trả nợ ngay một số tiền lớn như vậy cho ông Dương Đức Hiển.

Đặc biệt là ngày 11/3/2018, trước hạn trả nợ 19 ngày, bị cáo Phong bị tai nạn gãy tay phải điều trị với tổng mức chi phí lên đến 50.000.000 đồng.

Mặc dù khó khăn như vậy, song bị cáo cũng đã nhiều lần thương lượng với bị hại xin khất nợ hoặc là trả dần và đã được bị hại đồng ý, đồng thời cố gắng huy động tiền từ người thân trong gia đình để trả nợ cho bị hại. Điều này thể hiện ở việc bị cáo vay mẹ đẻ 60 triệu đồng tiền tiết kiệm để trả cho bị hại trước ngày bị bắt tạm giam (16/5/2019).

Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Hải Phong cũng khẳng định đây là điều hoàn toàn có thật, theo đó vào các ngày 10 – 11/5/2019 , bị cáo Phong có nhờ ông Nùng Lâm Huyền (cán bộ Đài truyền thanh – truyền hình huyện Tuần Giáo) đưa mẹ đẻ bị cáo là bà Lò Thị Cứu (sinh năm 1938) ra Ngân hàng rút 60 triệu đồng tiền tiết kiệm trong sổ mang ra cơ quan cho bị cáo. Sau đó bị cáo gọi điện thoại cho ông Dương Đức Hiển để trả nợ trước số tiền này song ông Hiển không đồng ý nhận, bắt bị cáo phải trả ngay toàn bộ số tiền 248.000.000 đồng.

Trả lời hội đồng xét xử vì sao chi tiết này bị cáo không khai trong các bút lục trước đó, bị cáo Nguyễn Hải Phong cho biết do mất niềm tin vào các cơ quan điều tra và nghi ngờ kiểm sát viên trong vụ án này nên để thông tin này khai báo trước toà với mong muốn chứng minh sự vô tội của mình.

Do đây là chi tiết mới không có trong các kết luận, bút lục trước đó của cơ quan điều tra nên hội đồng xét xử đã đề nghị bà Lò Thị Cứu ra trước toà đối chất.

Trả lời hội đồng xét xử bà Cứu và người làm chứng Nùng Lâm Huyền đều khẳng định đây là sự việc có thật. Bà Cứu cho biết đã rút số tiền 60 triệu đồng trong tổng số 90 triệu đồng từ sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo rồi mang lên cơ quan đưa cho con trai để trả nợ cho bị hại.

Về phía bị hại Dương Đức Hiển, trả lời hội đồng xét xử về tình tiết mới này, ông Hiển cho biết đây là điều bị cáo bịa đặt, trong các ngày 10-11/5/2019 , ông Hiển không hề nhận được bất kỳ cuộc điện thoại nào của bị cáo đề nghị trả số tiền 60 triệu đồng nêu trên. Ông Hiển cho rằng đã phải rất nhiều lần đi tìm bị cáo để đòi nợ nên nếu lấy được đồng nào sẽ hay đồng đấy, không có lý do gì bị cáo trả 60 triệu đồng mà mình lại không nhận.

Nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ

Tại phiên toà, Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu cũng cho rằng dù vụ án đã được tiến hành điều tra lại, song các cơ quan điều tra, tố tụng huyện Tuần Giáo vẫn chưa làm tròn hết trách nhiệm điều tra, tìm ra sự thật khách quan hoặc vì một lý do nào khác đã cố tình làm sai đi bản chất thật của vụ án.

Điều này thể hiện ở việc cơ quan điều tra chưa làm rõ nét, chứng minh rõ ràng mâu thuẫn về khoảng thời gian lập giấy biên nhận tiền giữa 2 bên vào ngày 11/8/2017 là vào 11h15’ (theo lời khai bị cáo) hay từ 17h – 17h30’ (theo lời khai của bị hại). Trên giấy biên nhận ngày 11/8/2017 có 3 chữ ký của bị cáo, bị hại và người làm chứng Lò Thị Thẹo (mẹ vợ bị hại), tuy nhiên màu mực chữ ký của người làm chứng là khác màu, dù bản thân bị hại Dương Đức Hiển khai là ký cùng một bút, một màu mực trong cùng một khoảng thời gian.

Do đó luật sư cho rằng các cơ quan điều tra đã làm một việc “thừa” là đi giám định chữ ký của bị hại, bị cáo trong khi cả 2 đều công nhận chữ ký này là đúng của mình, riêng để xác định bút dùng để ký của bà Thẹo trong giấy biên nhận tiền có cùng với bút mà bị hại, bị cáo đã ký hay không thì lại không được giám định.

Ngoài ra ngay tại phiên toà, Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu cũng đã đưa ra cho hội đồng xét xử một bản in phôi giấy biên nhận chưa có chữ ký của 2 bên đã được thể hiện trong các bút lục của cơ quan điều tra là tháo niêm phong máy tính của ông Hiển để in lại phôi giấy biên nhận gốc soạn thảo trong máy tính theo lời khai của bị hại để phục vụ điều tra. Tuy nhiên so sánh các bản in này có tới 5 điểm khác nhau từ cỡ chữ, phông chữ, giãn cách lề, một số dấu chấm, chữ in nghiêng.

Theo Luật sư Châu đây có thể là chứng cứ giả mà cơ quan điều tra thông đồng cùng bị hại dựng lên để khẳng định khoảng thời gian bị cáo Phong có mặt tại nhà bị hại là vào lúc 17h-17h30 ngày 11/8/2017. Bởi nếu đây là file văn bản gốc được lập trên máy tính ông Hiển vào khoảng thời gian này thì trên các thông số hiển thị phải có rõ thời gian, ngày giờ lập. Tuy nhiên, theo hồ sơ các điều tra viên, giám định viên lại cho rằng không xác định được khoảng thời gian này. Đây là một điều vô cùng khó hiểu.

Ngoài ra, trong quá trình niêm phong và tháo niêm phong máy tính tại cơ quan của bị cáo Nguyễn Hải Phong để phục vụ điều tra, cơ quan điều tra đã thực hiện mà không có mặt của bị cáo, luật sư bào chữa và chính quyền địa phương.

Đây là điều thể hiện cách làm mập mờ không khách quan để tìm chứng cứ chứng minh không phạm tội của bị cáo, bởi trong thời điểm này có thể nhiều chứng cứ chứng minh ngoại phạm của bị cáo đã bị can thiệp, xoá bỏ như: email nội bộ, danh sách công việc, một giấy biên nhận khác mà bị cáo khai đã cho bị hại Dương Đức Hiển mượn máy để soạn thảo…

Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu nhấn mạnh nội dung này đã vi phạm Điều 6 Nghị định 127 của Chính phủ quy định chi tiết về niêm phong và mở niêm phong vật chứng. Trong khi đó đối với bị hại Dương Đức Hiển thì lại được có mặt khi mở niêm phong vật chứng là máy tính xách tay của Hiển.

Cũng tại phiên tòa, ông Trần Ngọc Tuyên, người bào chữa, nêu quan điểm: nếu chiếu theo Điều 175 Bộ Luật hình sự về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì việc ông Dương Đức Hiển và bị can Nguyễn Hải Phong lập Giấy biên nhận số tiền 248.000.000 đồng vào ngày 11/8/2017 có thể coi là một hình thức hợp đồng thỏa thuận để Bên A – Nguyễn Hải Phong xin việc cho cháu của Bên B – Dương Đức Hiển vào làm việc tại Đài truyền thanh - truyền hình huyện Tuần Giáo. Theo như giấy biên nhận này của 2 bên nếu chiếu theo Điều 175 thì đây không phải là hình thức “vay, mượn, thuê tài sản của người khác”.

Do đó nếu cơ quan điều tra Công an huyện Tuần Giáo và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo căn cứ theo Giấy biên nhận ngày 11/8/2017 và áp dụng theo điều luật 175 để truy tố bị can Nguyễn Hải Phong ra trước tòa về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì vô tình cũng đã bỏ lọt tội phạm.

Tội phạm ở đây là ông Dương Đức Hiển và vợ là bà Quàng Thị Như Quỳnh đã dùng số tiền 248.000.000 đồng để hối lộ cho ông Nguyễn Hải Phong (Trưởng Đài truyền thanh - truyền hình huyện Tuần Giáo) để xin việc cho cháu vào làm việc tại cơ quan. Hành vi này đã phạm vào tội đưa hối lộ quy định tại Điều 364 Bộ Luật hình sự và sẽ bị phạt tù từ 2-7 năm tù nếu của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Trong quá trình điều tra bị can Nguyễn Hải Phong khai số tiền nhận của ông Dương Đức Hiển vào ngày 11/8/2017 là tiền bị can vay của ông Hiển chứ không phải nhận tiền để xin việc. Đồng thời có đơn tố cáo ông Dương Đức Hiển, bà Quàng Thị Như Quỳnh, bà Lò Thị Thẹo, bà Bùi Thị Ước, ông Nguyễn Văn Hiển về tội vu khống và cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh lời khai và đơn tố cáo của bị can Nguyễn Hải Phong cho rằng không có căn cứ.

Theo ông Trần Ngọc Tuyên thì đây là điểm mâu thuẫn trong quá trình điều tra của các cơ quan chức năng huyện Tuần Giáo, bởi nếu đơn tố cáo này không có cơ sở căn cứ là tiền bị can vay thì Giấy biên nhận 2 bên lập vào ngày 11/8/2017 phải được xác định là hình thức hợp đồng xin việc.

Do đó nếu sử dụng chứng cứ là Giấy biên nhận ngày 11/8/2017 này để áp dụng theo điều 175 Bộ Luật hình sự truy tố bị can Nguyễn Hải Phong phạm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì đồng thời phải tiến hành truy tố vợ chồng ông Dương Đức Hiển - bà Quàng Thị Như Quỳnh về tội đưa hối lộ quy định tại Điều 364 Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên, điều này các cơ quan chức năng, tố tụng của huyện Tuần Giáo đã không thực hiện hoặc không thể hiện trong các văn bản đã ban hành, vậy liệu có bỏ lọt tội phạm?

Sau 2 ngày diễn ra phiên tòa, sau khi kết thúc phần xét hỏi bị cáo, bị hại và những người có liên quan, tranh tụng giữa đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo và người bào chữa, Hội đồng xét xử cho rằng do vụ án có tính chất phức tạp, nên việc nghị án sẽ kéo dài. Đến 14 giờ ngày 24/9 Tòa sẽ tiến hành tuyên án./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại