"Tấm Cám: Chuyện chưa kể" có ý tưởng khá tốt, dựa trên truyện cổ dân gian, đưa hết các chi tiết kinh điển vào như bống bang, quả thị, cây cau, chiếc hài, dạ tiệc, chim vàng anh… nhưng được xen kẽ với "chuyện chưa kể" mà sau đó còn có cả quái vật.
Tuy nhiên, ý tưởng tốt không có nghĩa là kịch bản tốt. Cách xây dựng tình tiết trong phim quá dễ dãi và xem nhiều đoạn mà cảm giác bí quá, không biết giải quyết ra sao nên thôi cho qua luôn để sang cái khác.
Điển hình, là kiểu như để một nhân vật nhận ra vừa giết lầm người do tình cờ nghe lén một cuộc nói chuyện; đánh nhau mãi không xong, chuyển sang phép thuật sẽ giải quyết tất; người chết đi sống lại, khỏi thắc mắc... Nhưng thiết nghĩ, thôi thì phim cổ tích mà, ráng chấp nhận đi!
Xem
xong phim nhận ra một điều: Nước mắt thật thần kỳ, có thể giải quyết
được mọi vấn đề, nhất là nước mắt của người đẹp. Vì thế, đã có sắc
đẹp phải hay khóc, cuộc sống sẽ tự khắc hạnh phúc mà chả cần phấn
đấu gì.
Còn đẹp mà hay trừng mắt thì kiểu gì số phận cũng như mẹ con con Cám.
Các nhân vật xây dựng bị đóng khung và nhạt nhòa. Ngày xưa truyện dân gian kể theo kiểu ông cha răn dạy con cái về cái ác, cái xấu thì được phép đơn giản. Nhưng ngay việc đưa lên phim mà cũng kiểu ác là ác, hiền là hiền thẳng đuột như thế thì còn gì để bất ngờ.
Nhân vật Thái tử vốn là chính trong phim cũng mờ nhạt và là một kiểu nhân vật anh hùng điển hình, không có gì khác biệt hay đột phá.
Chưa kể thoại của các nhân vật cũng rườm rà, giả tạo. Đoạn đối thoại của Thái tử với Tấm nghe thôi rồi, nó sáo và ngô nghê đúng kiểu hai đứa trẻ con đang chơi đồ hàng.
Nhiều đoạn phải phá lên cười, nhất là đoạn Tấm và Thái tử trêu đùa nhau chạy đuổi quanh cái cột, cười khúc khích làm tôi nhớ tới những phim truyền hình Việt Nam thập niên 90 hay có cảnh đôi thanh niên chạy đuổi nhau trong công viên xong núp cây này cây nọ.
Đoạn cuối lúc Thái tử đối mặt với Tấm, tôi nghĩ chả cần đến đoạn thoại nào nhưng phim lại cho một tràng ngôn tình mà phải cái là lúc Thái tử cất giọng lên, cá 100% là cả rạp cười hô hố.
Về phía Ngô Thanh Vân hay Lan Ngọc, thấy có người khen nhưng tôi
nghĩ cả hai hơi bị gồng. Cái gì quá cũng phản tác dụng, phải chi
tiết chế hơn một chút, xây dựng kỹ các nhân vật, có sự đa chiều thì tự
nhiên cảm xúc và không khí phim sẽ khác hẳn.
Hạ Vi đẹp thật, còn diễn xuất ra sao thì cứ coi cái cảnh ngồi cây cau trong trailer là đủ. Nhưng dù sao, đẹp thì sẽ được tha thứ.
Có một thứ tôi thấy băn khoăn trong phim Việt gần đây, là nhiều phim để màu sắc rực quá. Từ màu lạnh tới màu nóng mà cứ xuất hiện trên khung hình là rực rỡ, sạch sẽ không tì vết.
Tôi cảm thấy như vậy hơi bị TVC quảng cáo,
xem mà thấy mất chất điện ảnh đi rất nhiều. Nhiều khi muốn xem "bẩn" một
chút mà cứ bị "sạch" quá thấy hơi khó chịu. Nhất là các diễn viên mặt
mũi là lượt quá đà.
Cái đoạn Bụt hiện lên xong mấy đoạn phép màu Tấm mặc váy trắng cảm giác cứ như quảng cáo bột giặt. Xong ngay đến cái quả thị nhìn cũng giả.
Phim quay ở Ninh Bình thì cảnh núi non rất là
đẹp, hùng vĩ, nhưng khi những đoạn dựng kỹ xảo ghép vào thì… biết
nói thế nào nhỉ, đúng là khó nói. Khán giả đâu phải ai đi xem phim cũng
có tâm thế: "Đây là phim Việt. Kỹ xảo như thế là được rồi. Rồi từ từ sẽ
tốt hơn".
Biết là như thế nhưng nhiều khi vẫn phải đánh giá một bộ phim
theo những quy chuẩn, tốt thì nói là tốt còn chưa được thì là chưa được.
Phim này có đoạn nhìn thoáng qua rất ổn nhưng phần lớn thì đúng là kỹ
xảo thời Tây Du Ký 1986.
Hiểu là phim đầu tư rất nhiều tiền làm kỹ xảo và Việt Nam chưa thể làm như Hollywood nhưng vẫn phải nhận xét thẳng thắn.
Điểm cộng của phim là phục trang và âm nhạc. Trang phục trong phim rất thuần Việt, không có nét gì Trung Quốc và đầu tư kỹ lưỡng, từ bộ váy mặc ở nhà của mẹ con Tấm Cám đến váy đi dự tiệc. Đồ chiến binh đi đánh trận cũng không bị cải lương.
Xem xong "Tấm
Cám: Chuyện chưa kể" (chắc là phim Việt gây chú ý nhất năm nay) càng
thấy phim Việt đang bị yếu nhất ở khoản kịch bản và diễn viên.
Sản xuất và phát hành quả thật không hề tệ, thậm chí tốt là đằng khác nhưng hai cái yếu tố kia lại quá quan trọng trong việc quyết định phim hay – phim dở.
Việt Nam bây giờ ngôi sao, người đẹp thì nhiều nhưng diễn viên thực thụ thì ít, quanh đi quẩn lại vài gương mặt lôi từ phim này sang phim khác, ít nhân tố mới có khả năng bứt phá.
Kịch bản thì có vài cái ý tưởng hay nhưng triển khai ra thì be bét, còn lại thì cứ hài lặp đi lặp lại, ngớ ngẩn hóa các nhân vật để cù người xem và chỉ phục vụ đối tượng "khán giả bình dân".
Đó là cảm nhận của tôi, mang đầy
tính chủ quan. Viết cũng như làm phim vậy,
để làm hài lòng tất cả là điều không thể.
Riêng cá nhân, tôi chấm phim 5/10 và thực sự ngồi xem cũng rất vui, cười từ đầu đến cuối. Tôi chỉ muốn khuyên là trước khi quyết định ra rạp xem "Tấm Cám: Chuyện chưa kể", bạn nên tự đặt ra những câu hỏi đã rồi có thể mua hay không mua vé:
Nếu tò mò và là người theo dõi các phim Việt chiếu rạp
thường xuyên, muốn ủng hộ điện ảnh nước nhà, muốn cổ vũ cho một êkíp đầy
tâm huyết: Hoàn toàn xứng đáng bỏ tiền mua vé.
Nếu không
phải là người hay ra rạp thường xuyên, ít xem phim Việt, quen xem
Hollywood, chọn lọc phim vì không có thời gian mấy và tò mò chỉ vì
scandal Tấm Cám với CGV vừa qua: Thôi chờ xem trên K+ là được rồi.
Nghe nói phim quay trong 18 tháng ở Ninh Bình, đại cảnh rất
hoành tráng, nhiều cảnh đánh đấm nên một nữ đạo diễn như Ngô Thanh Vân dám
xông pha để thực hiện, thay vì các phim tình cảm – hài trăm phim như một
để ăn xổi hiện nay của Việt Nam, thì đáng để khích lệ và ủng hộ.
Chính vì thế, những giọt nước mắt của Ngô Thanh Vân trong buổi họp báo
hoàn toàn bình thường và có thể hiểu được. Sản phẩm của mình mất bao
công làm ra mà không đến được với đông đảo nhất khán giả, chưa cần nghe
khen hay chê, thì cũng mất bình tĩnh mà òa khóc.
Nhưng câu chuyện kinh
doanh thì nhiều khi phải chấp nhận. Cuộc chiến giữa Tấm Cám
và CGV thì tôi chỉ đọc lướt và cũng chả quan tâm lắm, chỉ buồn cười
nhiều người bắt đầu lấy tinh thần dân tộc này nọ xong ủng hộ, từ thiện
rồi còn kêu gọi tẩy chay CGV.
Nói hơi ích kỷ chứ các bạn càng tẩy chay không đi xem phim ở CGV nữa mình càng thích vì từ sau đi xem sẽ đỡ đông hơn, hạn chế việc nghe các bình luận viên bên cạnh cũng như cả buổi mở màn hình điện thoại sáng choang.
Từ trước đến nay đi xem phim dính phốt ở các rạp khác rất nhiều nhưng ở CGV mới chỉ đúng phốt khán giả quá bất lịch sự, còn lại trải nghiệm điện ảnh rất là hài lòng.
Thực ra cá nhân tôi nghĩ chuyện chiếu hay không chiếu được ở CGV nó không đáng để làm ầm ỹ lên đến như thế vì càng có scandal, chất lượng của phim lại càng bị soi kinh hơn.
*Theo Facebook Ngọc Nick M. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả