Xem phim Sex Education, tôi ngỡ ngàng vì có những tình tiết quá sâu sắc! Nhờ nó mà con gái tôi đã dám thú nhận 1 bí mật với mẹ!

Thanh Hương |

Linh tính của người mẹ mách bảo tôi: Con đang gặp vấn đề!

Sau khi đọc được nhiều bài viết đánh giá cao chất lượng bộ phim Sex Education, tôi đã quyết định thử xem. Suốt 4 mùa phim, tôi phải ngỡ ngàng và gật gù tâm đắc trước nhiều tình huống cực kỳ nhân văn, tinh tế. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng được một bộ phim với cái tên nghe đầy nhạy cảm lại khiến tôi phải suy ngẫm như vậy.

Một tình tiết mà cả tôi và nhiều khán giả chắc hẳn không thể nào quên. Đó là trong mùa 4, Jean Milburn - một nhà trị liệu tình dục nổi tiếng và mẹ của nam chính Otis Milburn đã nhận được cuộc gọi tư vấn từ một thính giả đặc biệt trong chương trình, chính là em gái Joanna của cô. 

Trong suốt những năm tháng trưởng thành, Joanna đã phải chịu đựng những thương tổn thương tâm lý kể từ khi bị lạm dụng khi còn nhỏ. Cô hầu như chưa chia sẻ với ai. Trong cuộc trò chuyện với em gái, Jean đã khuyên Joanna cởi mở hơn khi nói về những vết thương trong quá khứ và tìm kiếm điểm tựa từ chính gia đình. 

"Chỉ cần nói ra đã thật sự là bước đầu để nhận giúp đỡ", Jean nói với em gái.

Câu nói thật sự chạm vào trái tim của tôi và ảnh hưởng không ngờ đến chuyện dạy con của tôi sau đó.

Jean Milburn

Tôi phát hiện con gái là nạn nhân của bạo lực học đường!

Tôi có một con gái đang học lớp 11. Con xinh xắn, cao ráo, học giỏi, từng được giải HSG thành phố năm cấp 2. Nghe con kể thì ở trường, từng có một số bạn nam tặng quà, viết thư tỏ tình nhưng con không thích ai. Con từng bảo tôi: "Khi nào vào được đại học thì con mới yêu đương".

Thấy con ngoan ngoãn như vậy, tôi rất yên tâm. Nhưng có một thời gian tôi thấy con đi học về có nhiều biểu hiện lạ. Có hôm tôi thấy mắt con hơi sưng đỏ, có hôm thì trông buồn rầu, ỉu xìu thấy rõ. Giống như nhiều bạn trẻ khác, con tôi cũng có tài khoản Facebook cá nhân và rất thích đăng những bức ảnh xinh xắn của mình lên. 

Nhưng dạo đó, con không đăng ảnh, thậm chí tôi phát hiện ra, một số bài đăng của con còn để chế độ hạn chế người xem. Khi tôi hỏi có chuyện gì không, con liên tục lắc đầu, kêu "Không có gì cả mẹ ạ".

Tuy nhiên linh tính một người mẹ mách bảo tôi: Chắc chắn con mình đang gặp chuyện. Nhớ đến bộ phim Sex Education và lời khuyên của Jean dành cho em gái, tôi đã quyết định vào phòng nói chuyện với con.

Lúc đầu, con vẫn cứ chối, nhưng khi tôi nói: "Có thể là mẹ hiểu nhầm nhưng trong trường hợp con thực sự gặp chuyện gì thì hãy nhớ: Con còn cả gia đình yêu thương, che chở đằng sau. Nhưng gia đình sẽ không che chở cho con được nếu như con không nói ra".

Nghe đến đây, con tôi mới òa khóc. Con kể, ở trường có anh lớp 12 thuộc dạng "hot boy". Anh thích con nhưng con không thích. Ở lớp lại có 1 bạn tên A., thích anh này, thế là A. và nhóm bạn gồm K.Tr., Ph.A., Th.H. bắt đầu giở trò bắt nạt, nói xấu con. Nhóm này gọi con bằng những từ khó nghe như "lẳng lơ", "đong đưa hết anh này đến anh khác", "suốt ngày đăng ảnh thả thính trên Facebook",...

Nghe chuyện, tôi vội vàng an ủi con. Tôi nói cho con biết con không có lỗi và không cần phải sợ. Người sai và xấu tính là nhóm bạn học kia. Sau đó, tôi đã tới trường gặp riêng giáo viên chủ nhiệm của con để trao đổi. Tôi cũng gọi điện nói chuyện với phụ huynh của nhóm nữ sinh. 

Người lớn đã phân tích, từ nhỏ nhẹ, bảo ban đến việc đưa ra những hình thức kỷ luật, răn đe, đủ khiến nhóm nữ sinh biết sợ và không dám tái phạm trò bắt nạt bạn.

Chuyện qua đi, con tôi đi học mà không phải chịu đựng sự ác ý từ bạn bè nữa. Con vui vẻ trở lại và tâm sự với mẹ nhiều hơn. Con bảo: "May mà con kể với mẹ. Giờ tụi đó không còn dám nói linh tinh nữa. Mà con cũng chẳng sợ nữa. Con như nào thì bố mẹ, bạn thân, thầy cô đều biết".

"Ừ và quan trọng là con phải biết. Con có gia đình, có bố mẹ. Nếu ai "động" vào con, bố mẹ sẽ "xù lông" lên để bảo vệ con", tôi vừa cười, vừa trêu con, nhưng những lời tôi nói cũng là sự thật.

Sau câu chuyện của con và từ chính bộ phim Sex Education, tôi càng nhận ra tầm quan trọng của việc giao tiếp với con cái. Trẻ thường gặp khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc hoặc chia sẻ những vấn đề cá nhân. Là cha mẹ, chúng ta cần tạo ra một môi trường an toàn và không phán xét, nơi con cái cảm thấy thoải mái để nói lên suy nghĩ của mình.

Bên cạnh đó, hãy lắng nghe tích cực. Lắng nghe không chỉ là nghe lời con nói, mà còn là thấu hiểu ý nghĩa đằng sau những lời đó, chú ý đến cảm xúc, thái độ và tâm trạng của trẻ.

Khi con chia sẻ, cha mẹ cũng đừng kỳ vọng mọi thứ sẽ giải quyết ngay lập tức. Việc con dám thổ lộ vấn đề đã là một thành công lớn. Cha mẹ cần kiên nhẫn và sẵn sàng hỗ trợ thay vì vội vàng đưa ra giải pháp. 

Nhiều đứa trẻ thường không dám kể lể với gì cha mẹ vì sợ bị coi là yếu đuối hoặc không đủ giỏi. Chẳng hạn như con tôi, nó cũng từng nghĩ nếu kể thì bố mẹ sẽ nghĩ "hay phải như thế nào thì mới...". Chính vì vậy, chúng ta cần giúp con hiểu rằng việc tìm kiếm sự giúp đỡ là biểu hiện của sự dũng cảm và trưởng thành.

Ngoài ra, để con có thể kể thì cha mẹ cần đóng vai trò như một người bạn mà con có thể tin tưởng, thay vì chỉ giám sát, đưa ra mệnh lệnh và phán xét. Quan trọng không kém, chúng ta phải học cách phát hiện những dấu hiệu bất ổn của con.

Đó có thể là thái độ cáu gắt, buồn bã bất thường, mất hứng thú với các hoạt động xung quanh,... Khi con bất thường, đừng vội quát mắng mà hãy tìm hiểu trước, bố mẹ nhé!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại