Chiếc sedan và SUV của Vinfast sẽ được xuất hiện trước công chúng toàn cầu trong trong sự kiện Paris Motor Show 2018, kéo dài từ 4/10 – 15/10. Trên trang web chính thức mondial-paris, logo Vinfast đã xuất hiện bên cạnh loạt tên tuổi lớn của ngành ô tô thế giới như Audi, Mercedes-Benz.
Mặt khác, báo giới nước ngoài cũng dành cho thương hiệu xe đến từ Việt Nam nhiều lời có cánh nhiều ngày trước đó.
Bài phân tích dài trên trang Automotive News đã chia sẻ về câu chuyện những chiếc xe sắp được ra mắt của Vinfast.
Chiếc SUV được Automotive mô tả có kích thước tương tự như BMW X5 còn mẫu sedan có chiều dài tương tự chiếc Audi A6. Cả hai mẫu xe này đều do Pininfarina của Ý thiết kế và sử dụng công nghệ của Đức.
Dẫn lời James DeLuca, cựu Phó Chủ tịch bộ phận sản xuất của GM, nay là CEO Vinfast, trang viết về xe này cho biết với nguồn lực, tiềm năng lớn, Vinfast đang nuôi tham vọng trở thành thương hiệu mới quan trọng của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Trang Caradisiac.com của Pháp nói rằng cần phải dè chừng với Vinfast khi những hình ảnh đầu tiên của chiếc sedan và SUV được hé lộ. Người Pháp cho rằng những chiếc xe của Việt Nam có phong cách và sẽ được công nhận, chào đón dù mới chỉ tham dự Paris Motor Show lần đầu tiên.
Những ghi nhận của quốc tế, bước đầu, có thể xem là kết quả có hậu sau hơn 20 năm ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Giấc mơ ngành công nghiệp này đến với đất nước hình chữ S khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi khủng hoảng kinh tế vừa được đẩy lùi. Lúc này, Việt Nam dần bước vào thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ngành công nghiệp cơ bản đã được đưa vào văn bản Nghị quyết của Đảng, chọn lựa công nghiệp cơ khí, trong đó có ô tô làm trọng tâm, coi là ngành đầu tàu giúp kinh tế đi lên.
Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã dậm chân tại chỗ. Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KHĐT) nói rằng: "Quốc gia nào phát triển công nghiệp ô tô cũng trải qua thời kỳ lắp ráp, nhưng giai đoạn này ở Việt Nam kéo dài, hơn 20 năm vẫn chưa thoát khỏi".
Phần lớn ngành ô tô trong nước vẫn dừng lại ở tiêu chí lắp ráp giản đơn, cho dù sản lượng tăng mạnh trong những năm trở lại đây, Bộ Công thương nhận định. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hoá xe cũng chưa cao nếu so sánh với mục tiêu đề ra cũng như nhìn vào các nước xung quanh. Giữa năm 2017, Bộ Công thương thậm chí đã thừa nhận mục tiêu phát triển ngành ô tô đã thất bại.
Tuy nhiên, Vingroup đã làm sống lại ước mơ về ngành công nghiệp ô tô bằng việc tham gia cuộc chơi với thương hiệu Vinfast trong cùng năm. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói rằng hành động này không chỉ mở ra kỳ vọng về ô tô thương hiệu Việt mà còn mang lại món quà bất ngờ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Theo ông, không phải nước nào, kể cả những nước phát triển trong OECD cũng làm phát triển được ngành công nghiệp ô tô. "Chỉ có một số nước mà người ta gọi là cường quốc thì mới làm được ngành công nghiệp ô tô của họ", ông nói và bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ sớm có thương hiệu ô tô và từ đó, lan toả, thu hút các doanh nghiệp khác tham gia chuỗi giá trị của ngành công nghiệp thuộc "đẳng cấp".
Và như kế hoạch đã dự kiến, chỉ trong khoảng thời gian ngắn kể từ khi ra mắt ngày 2/9/2017, Vinfast đã hiện thực hoá được chiếc ô tô Vinfast "made in Vietnam" nhờ vào chiến lược đi tắt đón đầu khi mua lại công nghệ, bản quyền từ các ông lớn trong ngành.
Những chiếc xe dường như đến từ một hãng ô tô lâu đời chứ không phải chỉ mới thành lập 1 năm, Tạp chí CNET (Mỹ) viết về ô tô thương hiệu Vinfast.
Như vậy, với sự ra mắt trong những ngày tới, Vinfast sẽ lần đầu tiên đưa Việt Nam lên sàn diễn thế giới, chấm dứt khát khao quá dài cho một chiếc xe ô tô thương hiệu Việt.