Xe tang vật cho mượn, đúng hay sai?

YẾN TRINH - KHOA NAM |

Xe sang Range Rover được tịch thu trong vụ án buôn lậu, do Công an tỉnh Kiên Giang cho UBND tỉnh mượn là đúng hay sai?

Sau thông tin văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang sử dụng xe sang Range Rover di chuyển ngoài đường, bạn đọc thắc mắc cán bộ tỉnh có được sử dụng xe sang như vậy không? Và chiếc xe này là tang vật vụ án, do Công an tỉnh Kiên Giang cho UBND tỉnh mượn là đúng hay sai?

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 8-11, đại tá Phạm Trung Thành - trưởng phòng tham mưu tổng hợp Công an tỉnh Kiên Giang - cho biết chiếc Range Rover mà đơn vị này đang quản lý là xe tang vật tịch thu trong vụ án buôn lậu xảy ra hồi năm 2013.

Trong quá trình điều tra, do nghi phạm đã về Mỹ nên cơ quan điều tra đình chỉ điều tra vụ án. Tang vật được định giá rồi tịch thu, giao Công an tỉnh quản lý cho đến nay.

Theo tìm hiểu, ngày 4-3-2014, Công an Kiên Giang có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc xin xe vật chứng bị tịch thu cấp cho Công an tỉnh.

Đến ngày 21-3-2014, Sở Tài chính Kiên Giang có tờ trình về việc “xử lý ôtô có quyết định tịch thu sung công quỹ nhà nước chuyển giao cho Công an tỉnh Kiên Giang quản lý, sử dụng” nhằm “phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu”.

Sau khi hoàn tất thủ tục tịch thu, chiếc xe Range Rover được chuyển từ Công an tỉnh sang cho một lãnh đạo UBND tỉnh mượn tạm.

Theo luật sư Trương Xuân Tám, điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự quy định việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra.

Trong trường hợp tịch thu sung công quỹ thì chiếc xe này phải được đấu giá công khai. Tiền bán đấu giá phải được nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên theo thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn - Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, trong vụ việc cụ thể về chiếc xe Range Rover của Công an tỉnh Kiên Giang, sau khi có quyết định đình chỉ điều tra vụ án buôn lậu, theo quy định của điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì thẩm quyền xử lý vật chứng là của Công an tỉnh Kiên Giang.

Việc Sở Tài chính Kiên Giang lập tờ trình chuyển giao chiếc xe nói trên cho Công an tỉnh quản lý, sử dụng là đúng quy định tại thông tư 66/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý một số loại tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước.

Theo đó, đối tượng tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước gồm nhiều loại tài sản, trong đó có tài sản là vật chứng vụ án, một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và hình sự (tài sản tịch thu do vi phạm hành chính không thuộc đối tượng điều chỉnh 
của thông tư này).

Về phương án xử lý tài sản, Sở Tài chính trình UBND tỉnh Kiên Giang giao chiếc xe tang vật trong vụ án hình sự cho Công an tỉnh Kiên Giang quản lý, sử dụng là đúng quy định tại điểm c, khoản 1, điều 4 của thông tư nói trên.

Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật, cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản phải tuân thủ đúng quy định, quy chế về quản lý, sử dụng tài sản công.

Trong khi đó, như đã biết, sau khi được giao xe, Công an tỉnh Kiên Giang cho Văn phòng UBND tỉnh mượn sử dụng là sai mục đích ban đầu (phục vụ công tác, chiến đấu).

Trả lời Tuổi Trẻ, đại tá Thành nói việc Công an tỉnh cho Văn phòng UBND tỉnh mượn chiếc ôtô này là đúng quy định.

Xe này tuy thuộc quản lý của Công an tỉnh nhưng có thể phục vụ chung cho một số cơ quan khi có việc cần thiết. Nếu UBND tỉnh không đủ xe thì có thể mượn.

Ông Thành cũng cho biết hiện nay xe đã được đưa về nhà xe của Công an tỉnh Kiên Giang.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang yêu cầu báo cáo vụ xe sang mang "biển xanh"

Ngày 8-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Nghị - bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang - cho biết đã yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo về vụ xe sang mang biển xanh.

"Sau khi có báo cáo, Tỉnh ủy sẽ xem xét để có định hướng chỉ đạo, đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định" - ông Nghị nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại