Lực lượng Ukraine đã giảm đáng kể việc triển khai xe tăng Challenger 2 ở tiền tuyến trong 3 tháng cuối năm 2023 và sau đó gần như ngừng hoàn toàn việc sử dụng mẫu xe tăng do Anh cung cấp. Trong khoảng 2 tháng, không có một báo cáo nào về việc sử dụng xe tăng này.
Các hình ảnh lan truyền truyên Telegram ngày 5/3 cho thấy, xe tăng Challenger 2 dường như xuất hiện trở lại trên chiến trường Ukraine sau thời gian vắng bóng.
Các nhà quan sát tìm cách xác định thời điểm tái xuất của xe tăng Challenger 2 thông qua hậu cảnh của bức ảnh. Môi trường xung quanh chiếc xe tăng gợi ý khoảng thời gian từ mùa đông đến mùa xuân nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy có tuyết hoặc thảm thực vật mới. Manh mối rõ ràng nhất là lớp đất bị xới lên rất giống với loại đất chernozem (đất đen nhiều bùn) đặc trưng của Ukraine.
Điểm bất thường
Điều đặc biệt đáng chú ý là xe tăng Challenger 2 dường như không có bất kỳ cải tiến nào sau thời gian vắng bóng trên chiến trường.
Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, việc xe tăng Leopard, Challenger, Abrams và xe tăng Liên Xô được gắn các thiết bị bổ sung ở Ukraine là rất phổ biến. Nhưng chiếc Challenger 2 cụ thể được nói đến không có điểm mới nào, cho dù là lớp giáp bảo vệ năng động hay lồng thép chống UAV thường thấy gặp. Đây được xem là điều bất thường khi những chiếc xe tăng phương Tây chịu không ít tổn thất trên chiến trường Ukraine.
Khi chiếc xe tăng Challenger 2 đầu tiên bị Nga phá hủy ở Ukraine, điều đó đã làm sụp đổ huyền thoại về “vũ khí bất bại” của phương Tây.
Xe tăng Challenger 2 từng được đánh giá là “bất khả chiến bại”. Trên website của Bộ Quốc phòng Anh cũng in đậm lời quảng cáo: “Chưa một chiếc xe tăng nào bị phá hủy trong chiến đấu”. Tuy nhiên, điều đó là vì trước khi bị phá hủy ở Ukraine, các trận chiến mà Challenger 2 tham gia đều chỉ là đối phó với các đối thủ dưới tầm, thậm chí không có khả năng phản kháng.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, hồi tháng 8/2023, khi chiếc Challenger 2 đầu tiên xuất hiện ở Ukraine, người ta thấy nó được gắn lồng thép bảo vệ ở phía trên. Hai bên cạnh và phía trước xe tăng đều được che chắn bằng các tấm bảo vệ tiêu chuẩn, được thiết kế để giảm bớt tác động từ tên lửa chống tăng, máy bay không người lái kamikaze hoặc máy bay không người lái FPV.
Anh đang thử nghiệm Challenger 3
Những chiếc xe tăng Challenger 2 mà Anh chuyển cho Ukraine được nâng cấp lần gần đây nhất là vào năm 1998.
Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Anh khi đó là Penny Mordaunt, nói rằng London đang đặt mục tiêu vào mẫu xe tăng Challenger 3 thế hệ tiếp theo.
Theo giới phân tích Nga, việc chuyển Challenger 2 cho Ukraine là một giải pháp chi phí thấp để Anh loại bỏ những chiếc xe tăng cũ trong kho.
14 xe tăng Challenger 2 đã chuyển cho Ukraine chỉ là sự khởi đầu và sẽ còn nhiều đợt giao hàng tiếp theo khi Anh đang chủ động xả kho vũ khí cũ để chuyển sang xe tăng thế hệ mới.
Sau những tổn thất của xe tăng Challenger 2 ở Ukraine, Anh cũng đang hướng tới một đợt nâng cấp quy mô lớn. Theo Bulgarian Military, xe tăng Challenger 3 đang được thử nghiệm tại Đức.
Challenger 3 nổi bật với tháp pháo mới khi được trang bị pháo nòng trơn L55A1 120mm của Rheinmetall. Khẩu pháo này thay thế cho pháo L30A1 đang được trang bị trên Challenger 2. Pháo chính mới có vận tốc đầu nòng lớn hơn và mang lại mức độ xuyên tốt hơn.
Pháo chính của Challenger 3 có thể bắn được nhiều loại đạn nòng trơn tiêu chuẩn NATO, trong đó có đạn xuyên giáp động năng (APFSDS) DM63 và DM73. Những loại đạn này có đầu xuyên dạng phi tiêu dài, sử dụng động năng để xuyên giáp xe tăng đối phương.
Challenger 3 cũng có thể bắn đạn M829A4 do Mỹ sản xuất, một loại đạn APFSDS khác, nhưng là loại có tính năng xuyên thủng bằng urani nghèo.
Sử dụng các loại đạn theo tiêu chuẩn NATO sẽ mang lại lợi thế về hậu cần và chi phí cho xe tăng Anh, nhưng số lượng đạn mang theo sẽ ít hơn, chỉ 31 viên, trong khi phiên bản Challenger 2 là 49 viên. Đạn được cất giữ trong một khoang chứa riêng biệt ở phía sau tháp pháo, giúp tăng khả năng sống sót nếu xe tăng bị trúng đạn của đối phương.
Để nâng cao mức độ bảo vệ, Challenger 3 đã được bổ sung giáp mô-đun mới (nMA). Sử dụng hệ thống mô-đun có nghĩa là các bộ phận của giáp có thể được tháo ra và thay thế nhanh chóng. Điều đó giúp cho quân đội Anh không cần phải mua toàn bộ áo giáp cho tất cả xe tăng Challenger 3, mà thay vào đó có thể trang bị nMA cho từng xe tăng khi cần thiết.
Theo Bulgarian Military