Sự vắng mặt phút cuối của 2 thương hiệu xe sang Jaguar và Land Rover cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến “đại tiệc xe sang” ở Triển lãm Xe hơi nhập khẩu quốc tế (VIMS) được tổ chức gần đây.
Lần thứ 2 được tổ chức ở Việt Nam nhưng lại là lần đầu tiên ở TP.HCM, năm nay sự kiện thu hút đến 15 thương hiệu ô tô so với 9 thương hiệu ở năm ngoái.
Có thể nói VIMS đã muốn mở rộng hơn phân khúc xe sang tại Việt Nam, nhưng liệu thị trường có đủ sức hấp thụ hết?
Không có “chú ngựa” Ferrari, nhưng những tín đồ đam mê tốc độ vẫn hào hứng với những “chú bò” Lamborghini, Porsche, Audi và cả một thương hiệu tốc độ cũng xuất thân từ trường đua nước Ý là Maserati.
Đây cũng là lần đầu tiên Maserati tham gia triển lãm với sản phẩm chủ lực là 2 dòng sedan và một mẫu SUV.
Bên cạnh tốc độ và sự cá tính thể thao, VIMS lần này cũng mang đến nhiều lựa chọn sang trọng, tinh tế và lịch lãm từ những thương hiệu quen thuộc mang quốc tịch đa dạng từ Đức, Ý, Pháp, Anh và cả Nhật (Subaru, Nissan).
Chiếc Infiniti QX 80 Premium (thương hiệu xe sang của Nissan) có giá bán từ 7 tỷ đồng. Lamborghini dòng xe Huracan có giá khoảng 16 tỷ đồng.
Với mức giá rất cao, các thương hiệu xe siêu sang thường tập trung làm thương hiệu hoặc bán với số lượng rất ít. Trong khi đó, với những dòng xe có giá 2-4 tỷ đồng lại trở thành phân khúc cạnh tranh khốc liệt.
Với số lượng tiêu thụ mạnh, rõ ràng Việt Nam ngày càng trở thành thị trường quan trọng đối với các thương hiệu xe sang.
Vì vậy, nhiều dòng xe mới nhất được ưu tiên ra mắt tại thị trường Việt Nam. Như Porsche giới thiệu dòng Panarema thế hệ mới, vài tuần sau khi ra mắt ở Triển lãm Paris Motor Show gần đây.
Tương tự, Audi ngoài những dòng xe hạng sang cũng giới thiệu Audi Q2, là sản phẩm mới nhất của Hãng và tháng 11 này mới chính thức bán ra trên thị trường thế giới.
Mercedes - Benz sử dụng diện tích lớn nhất khu triển lãm, mang đến 27 sản phẩm, trong đó có 11 mẫu xe mới, gồm 5 mẫu xe thể thao 2 cửa, mẫu xe E-Class thế hệ mới và CLA phiên bản nâng cấp.
Cuộc đua ở thị trường Việt Nam là cuộc cạnh tranh giữa các dòng xe sang lắp ráp với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Năm ngoái, các nhà nhập khẩu ô tô bắt đầu tổ chức VIMS riêng, tách khỏi Triển lãm Ô tô Việt Nam thường kỳ do Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức.
Trước khi VIMS năm 2016 diễn ra ở TP.HCM, đã có triển lãm ô tô khác do VAMA tổ chức ở Hà Nội.
Dù vậy, có thể thấy người Việt vẫn ưa chuộng xe nhập khẩu nguyên chiếc với chất lượng được cho là ổn định hơn xe lắp ráp trong nước.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm, số lượng ôtô nhập khẩu khoảng 90.000 chiếc, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù các thương hiệu lâu đời như Trường Hải, Toyota, hay Ford chiếm lĩnh phần lớn thị trường, nhưng các hãng xe nhập khẩu vẫn chọn Việt Nam làm cứ điểm mới.
“Thị trường xe ở phân khúc cao cấp đang có sự chuyển mình rất tốt. Chúng tôi cảm thấy thị trường rất có tiềm năng khi gu chơi và cách chơi của khách hàng ngày càng có yêu cầu cao hơn”, đại diện Maserati cho biết.
Một thương hiệu khác là Volkswagen với giá bán quanh mức 1 tỷ đồng, hiện đang làm lại thương hiệu để tiến xa hơn, sau khi thay đổi đại diện nhập khẩu trong thời gian gần đây.
Ông Ngô Văn Sĩ, Giám đốc Kinh doanh và marketing của Volkswagen Việt Nam, cho biết lý do thay đổi là vì chủ đầu tư cũ không đủ tài chính để phát triển hệ thống lớn hơn.
Trong thời gian tới, hãng xe này dự kiến sẽ mở thêm showroom ở Đà Nẵng, Biên Hòa, Bình Dương, Hải Phòng, An Giang, Cần Thơ, bên cạnh các showroom hiện hữu ở Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang và Vinh.
Doanh số các dòng xe sang ở thị trường Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng cao. Mercedes - Benz công bố 2015 là năm thành công nhất trong lịch sử 20 năm với 3.600 chiếc được bán ra.
Tăng trưởng 50%, Việt Nam là 1 trong 3 thị trường tăng trưởng nhanh nhất của hãng này khu vực châu Á.
Tương tự với Audi Việt Nam khi doanh số dòng xe A4 tăng gấp đôi, dòng xe Q7 tăng gấp 3. Từ đầu năm đến nay, doanh số Audi tăng 30%. Tân binh Maserati đến nay bán được khoảng 20 xe và kỳ vọng bán được khoảng 40 chiếc trong năm nay.
“Có thể tăng gấp đôi trong năm sau nếu thị trường giữ mức tăng trưởng như hiện tại và khách hàng chuyển đổi lên phân khúc cao cấp”, ông Đào Trung Vân, Giám đốc Kinh doanh và Marketing của Auto Modena, nhà phân phối của Maserati, cho biết.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của ôtô không chỉ toàn màu hồng và quá khứ đã từng chứng minh chính sách quản lý xe nhập khẩu luôn ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xe.
Trong 2 năm trở lại đây, giá ôtô được cho là giảm dần khi thuế suất nhập khẩu giảm theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, xe sang không nằm trong số này vì thường có dung tích lớn, giá trị cao và là đối tượng hạn chế nhập khẩu.
Từ đầu tháng 7, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe có dung tích động cơ trên 2,5 lít đã tăng lên. Audi gần đây cũng lựa chọn cách nhập các dòng xe có động cơ dung tích vừa phải để tránh thuế cao.
Theo khảo sát của NCĐT, các nhà nhập khẩu ô tô yêu cầu một chính sách thuế ổn định, tức không thay đổi quá nhanh và đột ngột vì đặt hàng công ty sản xuất thường mất khoảng 6 tháng và cùng khoảng thời gian đó để đưa xe về Việt Nam.
Thị trường xe sang cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một chính sách khác là Thông tư 20, vốn được thảo luận sôi nổi trong thời gian gần đây. Sau khi ra đời năm 2011, thông tư này đã “dọn dẹp” các nhà nhập khẩu không chính thức.
Ngày nay, với mỗi thương hiệu chỉ có một công ty đại diện phía Việt Nam đứng ra nhập khẩu với cam kết đầu tư đủ các hạng mục để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho khách hàng như hỗ trợ, bảo dưỡng và sửa chữa.
Dù đã hết hạn nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng trong những tranh cãi về việc nên hay không nên duy trì Thông tư 20.
Trong kịch bản được hủy bỏ hẳn, tình trạng “bát nháo” rất có thể sẽ lặp lại trên thị trường xe hơi nhập khẩu như từng diễn ra. Tuy nhiên, thị trường tự do hơn, người tiêu dùng sẽ tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.