Từ chuyên gia kinh tế cho đến doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch đều thừa nhận Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên tươi đẹp, tài nguyên văn hóa dồi dào nhưng đến giờ mới chỉ bằng một nửa Thái Lan cả về du lịch quốc tế lẫn nội địa. So với nhiều quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Singapore, Indonesia... thì lại càng cách xa.
Kinh tế về đêm – kho báu của du lịch
Ông Nguyễn Quốc Kỳ , Tổng giám đốc Vietravel cho biết, hiện nay trên 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không muốn quay lại. Số ngày lưu trú trung bình của khách quốc tế chưa vượt 2,6 ngày, mức chi tiêu trung bình chưa vượt 90 USD/ngày.
Nhìn vào bảng so sánh các chỉ số về lượng khách của Việt Nam và Thái Lan, mức đóng góp của du lịch vào GDP khoảng cách là quá xa. Cụ thể, mức đóng góp trực tiếp của Việt Nam vào GDP là 13 ti USD, trong khi đó Thái Lan là 42,2 tỉ USD.
Du lịch Việt thiếu các hoạt động văn hóa về đêm nên không thể khiến du khách lưu trú lại lâu và chi tiêu nhiều được. Dù kinh tế về đêm có những mặt nhạy cảm nhưng không thể vì điều đó mà bỏ qua.
Đồng quan điểm ông Huỳnh Văn Sơn, GĐ công ty du lịch Ngôi sao biển Sài Gòn thừa nhận kinh tế về đêm thực sự là mỏ vàng.
Ông Sơn phân tích: Trước đây khi đề xuất tổ chức chợ đêm ở Phú Quốc thì 150 hộ dân ở đây phản ứng rất mạnh. Sau đó bình tĩnh ngồi xuống thì chính quyền, doanh nghiệp, người dân có được sự đồng thuận. Đến nay ai cũng nhận thấy lợi ích rõ rệt của nó.
Cụ thể, trước đây họ cho thuê nhà chỉ tầm 8 triệu/tháng, thì bây giờ có thể cho thuê 40 triệu, trước cửa nhà cho thuê được 2 xe đẩy, mỗi xe 15 triệu/tháng. Trong khu vực chợ thu hút khoảng 300 hộ kinh doanh hàng đêm, tạo sinh kế cho biết bao con người.
Tuy nhiên, ông Kỳ cho rằng làm gì cũng phải quy hoạch, kể cả bất động sản du lịch. Nếu không có quy hoạch sẽ gây phá vỡ cảnh quan. Liên quan đến vấn đề quy hoạch, ông Kỳ dẫn ví dụ, năm 2017 TP. HCM từng đề nghị đoạn đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão ở quận 1 thành phố đi bộ thế nhưng vì thiếu quy hoạch nên giờ nó trở thành “phố đi nhậu”.
Chúng ta có thiên nhiên đẹp, tài nguyên văn hóa dồi dào nhưng du lịch vẫn chưa nổi trội
Tự trói chân tay bằng chính sách
Ai cũng thừa nhận kinh tế về đêm giúp “lấy tiền” của du khách dễ vô cùng nhưng chỉ những ai trực tiếp đầu tư mới thấy hành trình thực hiện việc ấy vô vàn khó khăn.
Ông Huỳnh Văn Sơn cho biết hành trình của doanh nghiệp đi đến mỗi địa phương để mở kinh tế chợ đêm tại khu du lịch là mất gần 3 năm. Khó khăn đầu tiên là sự phản ứng từ ngành giao thông, có địa phương ủng hộ thì lại không cho sử dụng lòng đường... Để kinh tế về đêm phát triển thì cần có hành lang pháp lý rõ ràng, chính sách rõ ràng về xã hội hóa du lịch để những người đầu tư phát triển du lịch thấy an tâm.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khẳng định so với Thái Lan hay Trung Quốc, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng chúng ta chưa biết cách làm cho nó hay hơn. "Ngay cả bộ tiêu chí để phán xét phát triển hạ tầng du lịch đã xâm hại môi trường cũng không rõ ràng khiến các địa phương lúng túng, doanh nghiệp đi tiên phong gặp rủi ro", ông Thiên góp ý.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Thắng , Viện Điều tra quy hoạch rừng khẳng định: "Bảo tồn thiên nhiên là cần thiết nhưng nếu mãi giữ khư khư vẻ đẹp mà không phát triển thì sẽ rất lãng phí. Đơn cử, khu dự trữ sinh quyển Giao Thủy (Nam Định) ngày xưa được bảo vệ hoàn toàn, ngay cả người dân cũng bị cấm vào. Điều này dẫn đến tình trạng các nguồn lợi thủy sản dồi dào bị bỏ không trong khi người dân xung quanh đói nghèo. Sau đó, khi chính quyền xin cơ chế đặc thù và cho phép khai thác, không chỉ đời sống người dân được thay đổi mà bản thân họ cũng tích cực tham gia vào trồng rừng, bảo vệ rừng hơn."
Trong khi đó ông Kỳ còn cho rằng đừng tự huyễn hoặc mình du lịch Việt Nam đang "cất cánh" mà hãy nhìn vào các chỉ tiêu cụ thể về mức độ chi tiêu, thời gian lưu trú trung bình của du khách quốc tế có cao không để biết thực chất du lịch Việt đang ở ngưỡng nào.
Cạnh đó, phải nhanh chóng tháo gỡ hàng loạt nút thắt như chính sách visa, hạ tầng du lịch mới mong kinh tế du lịch tạo ra những đột phá xứng tầm với các giá trị về tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.
Kẹo kéo thu nhập khủng
Ông Huỳnh Văn Sơn kể lại: "Tôi từng quan sát và thấy mỗi xe đẩy bán kẹo chỉ ở Phú Quốc bán giá 1 cái/20k mà trung bình mỗi nhóm khách 3-4 người mua 4-8 cái. Tính sơ chủ xe bán kẹo chỉ có thể thu nhập trung bình tháng 100 triệu."
Hay như ông Dương Hùng Sơn, TGĐ công ty Tuần Châu nói: "20 năm trước, làng chài Tuần Châu là nơi rất nghèo thì đến nay phát triển trở thành một phường Tuần Châu, có kinh tế thịnh vượng. Ở đây hiện thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp kinh doanh bằng du thuyền, tạo ra hơn 11.000 nhân viên làm việc trực tiếp và hàng chục ngàn con người làm việc liên quan. Mỗi năm, riêng cảng tàu Tuần Châu đóng góp cho ngân sách nhà nước tối thiểu là 2.000 tỉ đồng".