Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế trị giá 6 tỷ USD, TP. Hồ Chí Minh sẽ có những cơ hội gì?

Anh Ngọc |

Ngày 1/7, UBND TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) gửi Thủ tướng văn bản đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ với công suất thông quan 10 - 15 triệu TEU và tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

Dự án sẽ được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư mong muốn được triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 vào 2024 và đưa vào khai thác vào 2027. Giai đoạn cuối cùng được đầu tư và đưa vào khai thác vào 2040.

Dự án cảng trung chuyển quốc tế này sẽ giúp tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và đột phá trong phát triển kinh tế biển cho TP HCM cũng như cả nước.

Hiện tại, cảng trung chuyển quốc tế Singapore là cảng bận rộn nhất trên thế giới về mặt trọng lượng tàu hàng xử lý. Hàng năm, cảng này trung chuyển khoảng 1/5 lượng hàng vận chuyển bằng container trên thế giới.

Theo nhà cung cấp dữ liệu thị trường hàng hải toàn cầu Baltic Exchange (Anh), Singapore có 8 năm liên tiếp duy trì vị thế trung tâm vận tải biển hàng đầu thế giới.

Hàng năm, cảng trung chuyển Singapore có hàng triệu container đi qua và tiếp nhận từ 500 triệu tấn hàng trở lên. Năm 2021, công suất container đi qua Singapore đã tăng kỷ lục lên gần 37,5 triệu TEU (1 TEU tương đương với 1 container có chiều dài 20 feet). Khoảng 80% container đến Singapore được chuyển tải qua tàu để đến các cảng khác.

Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế trị giá 6 tỷ USD, TP. Hồ Chí Minh sẽ có những cơ hội gì? - Ảnh 1.

Nguồn: Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore

Năm 2018, cảng Singapore đã xử lý số lượng hàng hóa lên đến 630 triệu tấn, cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Ngoài ra, dù trong năm 2021, thế giới chứng kiến tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu nhưng Singapore vẫn xử lý tổng cộng gần 600 triệu tấn hàng hóa. Những con số này giúp cảng Singapore đứng thứ 2, chỉ sau Thượng Hải về số lượng hàng hóa xử lý.

Với số lượng container đi qua và số lượng hàng hóa được xử lý tại cảng trung chuyển, mỗi năm ngành hàng hải chiếm khoảng 7% GDP của Singapore, tương đương với khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.

Tại Hội thảo "Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam" vào tháng 4/2022, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), cho biết: "Nhà đầu tư (Tập đoàn vận tải biển MSC) đề xuất đầu tư chuyển khu vực cảng biển từ Singapore - là cảng trung chuyển quốc tế sang Việt Nam, mong muốn lựa chọn vị trí Cần Giờ, thuộc địa bàn TP. HCM, với mức đầu tư rất lớn". 

Bà đánh giá đây là cơ hội rất lớn đối với TP. HCM khi lượng hàng trước đây trung chuyển tại Singapore sẽ chuyển sang trung chuyển tại Việt Nam.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, việc sớm xây dựng các cảng container của cảng biển TP HCM trong giai đoạn 2021-2030 là cần thiết, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP HCM nói riêng và các tỉnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Khu bến Cần Giờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng và vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng cho tàu container có trọng tải 250.000DWT (24.000 TEU) hoạt động tuyến châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. 

Ngoài ra, khu vực Cần Giờ nằm tại vị trí tại đầu tuyến luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải, có độ sâu lớn, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện, sóng, gió nên sẽ tạo điều kiện tốt cho các tàu biển cập bến.

Ở vị trí cửa biển thuận lợi, cảng sẽ có tiền phương tốt khi kết nối với các cảng lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và trung tâm logistics ngay tại cảng cũng như các vùng lân cận cũng cần được chú trọng đầu tư để có thể cạnh tranh và thu hút các tàu lớn đi qua cảng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại