Xăng lên giá hơn 7.000 đồng/lít từ đầu năm, đẩy CPI tăng cao

Việt Linh |

Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, CPI tháng 5 tăng 0,38% (khu vực thành thị tăng 0,34%; khu vực nông thôn tăng 0,42%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá.

Trong đó, nhóm giao thông tăng mạnh nhất 2,34% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 4/5, 11/5 và 23/5. Liên tiếp các đợt điều chỉnh kéo giá xăng tăng 5,93%; giá dầu diezen tăng 3,99%. Giá dịch vụ giao thông công cộng cũng tăng 1,06% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng.

Bình quân 5 tháng đầu năm, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Thống kê chỉ ra một số nguyên nhân làm CPI 5 tháng đầu năm tăng. Trong đó, xăng dầu vẫn là yếu tố đầu tiên được nhắc đến. Kể từ đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 13 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 7.360đồng/lít; xăng E5 tăng 7.080 đồng/lít và dầu diezen tăng 7.980 đồng/lít.

Bình quân 5 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 49,95% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 5 tháng đầu năm tăng 26,67% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,39điểm phần trăm.

Dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,28 điểm phần trăm.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 5 tháng tăng 8,28% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại