Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa còn buộc bị cáo phải bồi thường số tiền 356 triệu đồng cho bị hại - tức đơn vị bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Toàn cảnh phiên tòa diễn ra. Ảnh: T.L.
Theo hồ sơ vụ án, ông Triệu Văn Mỹ (trú tại Nam Định) là con cậu ruột của bị cáo Trần Thị Hiệp. Năm 2009, nữ bị cáo thành lập Công ty TNHH sản xuất bánhkẹo Thanh Lan và thuê ông Mỹ làm kẹo thành phẩm, trong đó có kẹo sìu châu (hay còn gọi là kẹo lạc).
Năm 2013, ông Mỹ không làm cho bị cáo Hiệp nữa mà chuyển ra làm riêng, đăng ký kinh doanh hộ cá thể và lấy thương hiệu là "Toàn Mỹ", đồng thời đăng ký nhãn hiệu, hình ảnh cho sản phẩm kẹo sìu châu Toàn Mỹ. Đến năm 2015, hộ ông Mỹ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Năm 2020, Trần Thị Hiệp thành lập Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ và sản xuất sản phẩm kẹo sìu châu lấy thương hiệu là "Toản Mỹ". Biết việc này, gia đình ông Mỹ đi giám định, kết quả cho thấy nhãn hiệu "Toản Mỹ" có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu "Toàn Mỹ". Tiếp đó, ông Mỹ phản ánh đến bị cáo Hiệp về dấu hiệu vi phạm như đã nêu, thì bị cáo thay đổi nhãn sản phẩm từ "Toản Mỹ" thành "SX tại Công ty Toàn Mỹ".
Tháng 1-2022, bị cáo Hiệp ký hợp đồng bán sản phẩm kẹo sìu châu "SX tại Công ty Toàn Mỹ" cho một công ty với giá trị hơn 300 triệu đồng. Khi 2 bên đang giao hàng tại địa bàn phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) thì đại diện hộ kinh doanh ông Triệu Văn Mỹ phát hiện, trình báo cơ quan công an. Kết luận giám định toàn bộ lô hàng phía công ty của bị cáo Hiệp bán cho đối tác là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu mà hộ gia đình ông Mỹ đã được bảo hộ.
Tại tòa, bị cáo Hiệp thừa nhận khi thành lập Công ty Thanh Lan từ năm 2009 đã không đăng ký thương hiệu nhưng cho rằng chính mình "dạy nghề làm kẹo cho ông Mỹ". Bị cáo nói: "Khi ông Mỹ tách ra, làm y hệt sản phẩm của tôi; không lệch gì, tôi đã cung cấp tài liệu chứng minh".
Trong khi đó, ông Mỹ cho hay không học nghề làm kẹo từ bị cáo Hiệp và khi 2 người còn hợp tác sản xuất, thương hiệu "Toàn Mỹ" chưa ra đời. Ông đã đăng ký thương hiệu từ năm 2013, không liên quan gì đến sản phẩm của bị cáo.
Tại toà, Trần Thị Hiệp nhiều lần ngắt lời người tiến hành tố tụng và cho rằng: "Truy tố tôi thì tôi chịu chứ tôi không nhận sai". Qua đó, Hội thẩm nhân dân nhắc nhở bị cáo Hiệp về hành vi "Hết sức thiếu tôn trọng Hội đồng xét xử".
Cùng với đó, Hội thẩm giải thích cho bị cáo "Có những việc tưởng đúng nhưng không phải đúng". Hội thẩm dẫn ví dụ về nhiều thương hiệu quốc gia của Việt Nam bị nước ngoài "đăng ký mất" như cá tra, dầu khí… Những trường hợp trên cho thấy, nếu không hiểu biết pháp luật, không đăng ký sở hữu nhãn hiệu sẽ có nguy cơ bị mất quyền bảo hộ. Mặc dù sản phẩm do mình sản xuất ra, nhưng vì lý do như đã nêu, vẫn có thể bị mất thương hiệu. "Rất chia sẻ với bị cáo, nhưng pháp luật quy định thì buộc phải chấp hành, bị cáo không thể nói không biết"- vị Hội thẩm nhấn mạnh.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến chủ thể của chủ sở hữu nhãn hiệu đã được pháp luật bảo hộ, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh nói chung, cần có hình phạt tương xứng. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng cho rằng hành vi của Hiệp thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, lần đầu nên không cần cách ly bị cáo khỏi xã hội.