Mở màn phong trào diệt xe tăng Mỹ
Đã bước sang tuổi xưa nay hiếm (SN 1947) và bị bom đạn kẻ thù lấy đi một phần cơ thể, nhưng ông Truyền vẫn mạnh khoẻ. Và ông như quay về với tuổi trẻ đầy nhựa sống của thuở “chiến trường là nhà” khi nghe chúng tôi nhắc đến chuyện dùng B40 bắn xe tăng Mỹ. Trong ngôi nhà bình dị giữa TP.Cao Lãnh đầy năng động, ký ức xưa hừng hực ùa về...
Đúng một năm sau khi ông được điều động về Đoàn 180 làm nhiệm vụ bảo vệ R (đầu năm 1966) thì Mỹ mở cuộc hành quân Junction City. Cuối năm 1966, đơn vị mới được trang bị súng B40 với số lượng rất hạn chế là 5 khẩu, mỗi khẩu được 6 quả đạn. Các xạ thủ được cán bộ quân khí hướng dẫn sử dụng khoảng 2 giờ.
“Lúc đó B40 là hỏa lực cầm tay lớn nhất của chúng tôi lúc bấy giờ, nhưng có diệt được xe tăng địch hay không vẫn là ẩn số vì nhìn bên ngoài rất đơn giản” - giọng ông Truyền đột nhiên sôi nổi hẳn - “Lúc này, Ban Chỉ huy ATK (tức Đoàn 180), phát động phong trào “tiêu diệt xe tăng Mỹ” bằng B40”.
Hưởng ứng phong trào, hằng ngày ông Truyền vác khẩu B40 tìm cách bắn xe tăng Mỹ, nhưng sau gần cả tháng vẫn không có kết quả vì quân Mỹ thường bố trí bộ binh nằm ở vòng ngoài còn xe tăng ở vòng trong, cách bìa rừng khoảng 200 đến 300 mét, tức ngoài tầm sát thương của B40.
Cho đến ngày 23.3.1967 thì kỳ tích đã xảy ra. Rạng sáng, tôi cùng đồng đội đi săn xe tăng địch” thì từ hướng đông xuất hiện từng tốp máy bay phản lực của địch thay nhau trút bom từ hướng Trảng Ba Chân lên hướng Trảng Dầu, lộ Ủi.
Theo kinh nghiệm đúc kết, sau khi máy bay ném bom xong, địch tiếp tục dùng pháo binh bắn tấp nập để dọn đường cho xe tăng tiến vào đánh phá cơ quan Ban Kinh tài R, Cơ quan Mặt trận Dân tộc giải phóng, Ban Tổ chức Trung ương Cục... nên chúng tôi cắt rừng nhắm hướng ngã ba “Quốc tế” để chặn đầu địch.
Tuy nhiên, do rừng rậm cây cối chằng chịt, mặt khác vì bị bom đạn địch bắn phá dọn đường nên cây cối đổ ngổn ngang cản trở đường di chuyển, nên mặc dù rất cố gắng bám theo nhưng khó thể đuổi kịp.
Thấy vậy, ông Truyền quyết định “cắt rừng” đón đầu chặn đánh. Khi chúng tôi đến địa điểm cách căn cứ Ban Tổ chức R khoảng 300 mét thì đoàn xe tăng hơn 50 chiếc của địch cũng ầm ầm chạy lên.
Vì khu vực này rừng cây quá rậm rạp che khuất tầm nhìn nên không thể chọn vị trí thuận lợi để xạ kích, mãi đến khi tìm được điểm ưng ý thì xe đi đầu chỉ còn cách khoảng 7- 8 mét. Đây là cự ly rất nguy hiểm cho tính mạng, nhưng nếu không bắn thì xe tăng có thể xộc thẳng vào cơ quan Ban Tổ chức R cách đó khoảng 300 mét.
Không còn thời gian để chọn lựa, ông Truyền chỉ kịp quay sang đồng chí Hà Trường Vũ (Y tá trong tổ) nói: “Nếu tôi có hy sinh mà lấy xác tôi không được thì các đồng chí cứ để lại, nhưng phải lấy khẩu B40 đem về” rồi xiết cò. Sau tiếng nổ chát chúa, chiếc xe tăng đi đầu của địch bốc cháy.
Cú xiết cò hạ xe tăng địch, ông Truyền không chỉ trở thành người đầu tiên Đoàn 180 sử dụng súng B40 bắn cháy xe tăng M41 của địch, mở màn phong trào “tiêu diệt xe tăng Mỹ”, mà còn góp phần đẩy lùi và làm thất bại hoàn toàn trận càn của địch.
Xạ thủ Anh hùng
Không chỉ tài tình bắn hạ xe tăng địch, ông Truyền còn có khả năng xạ thủ vô cùng độc - lạ khi bắn hạ hàng chục tên địch bằng ngay súng của bọn chúng. Đó là chiến công trong trận đánh ở trảng Trà Chúc diễn ra vào ngày 4.7.1966.
“Được tin trinh sát báo có 1 đại đội biệt kích địch cắt rừng tiến vào các cơ quan của R (như B21, B23, C7 Quân y viện). Đại đội 1 chúng tôi tổ chức vận động ra chặn đánh địch” - ông Truyền bồi hồi nhớ lại. Trong trận này, đại đội của ông Truyền đã tiêu diệt khoảng 60 tên biệt kích, thu trên 20 khẩu súng các loại, trong đó có 2 khẩu đại liên, 2 trung liên, 14 khẩu carbine và 3 khẩu M79, 2 máy PRC25 cùng nhiều đạn dược, quân trang quân dụng.
Sau khi về hưu, dù gửi lại chiến trường một phần cơ thể, nhưng ông vẫn là xạ thủ..., nhưng lần này “đối tượng” bị ông hạ chính là hoàn cảnh khó khăn...
Theo đó, mỗi khi hay tin có đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống, ông Truyền lại đứng ra vận động giúp đỡ. Khi thì xây nhà, lúc giúp tiền bạc, thuốc men... Nhờ những cú xiết cò chính xác của ông mà nhiều đồng đội kém may mắn đã vươn lên trong cuộc sống. Ông quả xứng danh .