Chi phí thấp, hiệu quả cao
Những năm trước, tại khu vực xã Hbông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đất đai cằn cỗi, người dân quen với lối canh tác truyền thống trồng mì. Sau nhiều năm, đất bắt đầu cằn cỗi, khiến cây mì phát triển kém, năng suất không cao.
Tuy nhiên, những năm gần đây được chính quyền địa phương định hướng, nhiều hộ dân bắt đầu chuyển đổi mô hình từ trồng mì sang trồng mía.
Nhờ hướng đi đúng đắn, nhiều hộ dân trồng mía trên địa bàn có thu nhập khá. Một số hộ sắm được ô tô. Với mô hình cây trồng mới, từ một vài hộ thử nghiệm thành công, các hộ dân khác cũng bắt đầu học làm theo.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Phạm Hữu Viên, Chủ tịch UBND xã Hbông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết, tại xã Hbông, phần lớn người dân địa phương, quen với lối canh tác làm nông nghiệp theo hướng thủ công. Cây mì gắn liền với cuộc sống của người dân từ bao đời nay.
Tuy nhiên, nơi đây, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, khiến cho đất đai ngày càng cằn cỗi, cây mì cho năng suất kém, khiến cuộc sống của người dân bấp bênh.
Ông Viên chia sẻ, được sự hướng nghiệp từ chính quyền địa phương và đơn vị nhà máy bao tiêu đầu ra, nên người dân an tâm phần nào chuyển đổi mô hình.
"Nhà máy đường Thành Thành Công hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật, bên cạnh đó cung cấp, giống phân bón, bao tiêu sản phẩm cho nên người dân rất yên tâm.
Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư trồng mía cả chục ha thu lợi nhuận cao. Hiện, nhiều hộ khá giả xây được nhà, mua được xe ô tô, đây là tín hiệu đáng mừng", ông Viên nói.
Đổi thay nơi xã nghèo
Dẫn PV tham quan rẫy mía của ông Đào Trọng Huyền (SN 1969, ngụ thôn Ia Sa, xã Hbông) ông Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hbông khoe: "Ông Huyền là một trong những hộ sản xuất giỏi tại địa phương, rất thành công trong mô hình chuyển đổi cây trồng từ mì sang mía. Vườn mía của ông Huyền được nhà máy đường đánh giá rất cao không chỉ về số lượng, mà trữ lượng đường trong mía đạt độ chuẩn tuyệt đối, ít vườn mía nào sánh bằng".
Trước mắt PV, vườn mía của ông Huyền nằm ngay cạnh đường quốc lộ, trải dài một màu xanh bặt ngàn.
Trò chuyện với PV, ông Huyền phấn khởi: "Vườn mía của gia đình tôi phát triển rất tốt. Vừa rồi, đại diện nhà máy đường đến kiểm tra trữ lượng đường trong mía. Họ rất hài lòng. Gia đình tôi cũng rất phấn khởi chờ ngày thu hoạch".
Theo ông Huyền, trước kia gia đình ông trồng mì, cây ăn trái nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Từ ngày lãnh đạo nhà máy đường về hợp tác với người dân, gia đình ông rất yên tâm sản xuất. Mọi chi phí từ tiền thuê đất, giống phân bón, kỹ thuật đều được nhà máy hỗ trợ.
"Thậm chí đến ngày thu hoạch, không phải làm thủ công như trước, nhà máy đưa máy móc hiện đại đến thu hoạch. Tất cả các công đoạn đều bằng máy móc 100% rất hiện đại", ông Huyền nói.
Ông Huyền nói thêm: "Hiện tại gia đình tôi đang trồng 15ha mía, trừ tất cả các chi phí đầu tư, công chăm sóc hết khoảng 35 triệu đồng/ha. Với giá hiện tại nhà máy thu mua tại rẫy 1000 đồng/kg dự kiến năm nay gia đình tôi lãi khoảng 70 triệu đồng/ha".
Anh Nguyễn Văn Minh (thôn Ia Sa, xã Hbông) cho biết, trước đây gia đình anh có gần 5ha đất chủ yếu trồng mì, bắp. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ 2 loại cây trồng này không được bao nhiêu, thậm chí có năm bị nắng hạn còn lỗ công đầu tư.
Năm 2020, anh Minh mạnh dạn chuyển đổi hết diện tích trồng mì, bắp sang trồng mía. Với chất đất đen ở xã Hbông rất phù hợp với cây mía, nên cây sinh trưởng và phát triển tốt, có khả năng lưu gốc kéo dài 5-6 năm .
Ngoài ra, trồng mía công chăm sóc ít, đầu tư không cao, chỉ khoảng 30-40 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, trong năm đầu tiên, nhà máy đường hỗ trợ người dân công cày đất, lên luống, phân bón .
"Từ khi chuyển qua trồng cây mía, tôi thấy loại cây trồng này rất hợp với thổ nhưỡng ở đây. Vụ mía năm ngoái, tôi trồng 4,4ha mía, năng suất bình quân được hơn 125 tấn/ha, tổng thu nhập được 460 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư còn lợi nhuận trên 300 triệu đồng", anh Minh cho biết.
Chia sẻ thêm với PV, ông Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hbông kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã nông trại mía xã Hbông cho biết: Cái hay của trồng mía làm một lần mà hưởng tới 4-5 năm sau. Vụ đầu thu hoạch xong, gốc mía tiếp tục phát triển, chỉ cần bỏ công chăm sóc, một năm sau là lại tiếp tục bán.
Theo ông Cường, trên địa bàn xã hiện có 132 hộ trồng mía diện tích gần 2000ha. Từ khi người dân chuyển sang trồng mía, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã có của ăn, của để, vươn lên làm giàu.
Hiện, mô hình trồng mía này đang tiếp tục được nhiều hộ dân áp dụng vào trồng trọt. Ông Cường tin tưởng, cuộc sống của người dân xã Hbông sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, nhờ hướng đi đúng đắn trong nông nghiệp.