Yên Bái: Đói nghèo trên "vương quốc" đá quý

camnhung |

Vì mong muốn được đổi đời nhanh nhất từ việc tìm kiếm đá quý mà họ tàn phá từng thửa ruộng sản xuất nông nghiệp của gia đình.

Minh Tiến là một trong những xã của huyện Lục Yên, Yên Bái có tài nguyên khoáng sản phong phú, từ lâu nay xã được biết đến là mảnh đất làm giàu cho nhiều người dân nơi đây từ khai thác đá quý, đá gốc với nhiều điểm tồn tại xấu có, đẹp có như bãi Cổng Trời.. Và rồi khai thác mãi cũng đến lúc cạn kiệt.

Dân phá ruộng tìm đá quý

Gần đây tại thôn Khe Vai xuất hiện tình trạng người dân đào bới tung ruộng đất sản xuất của gia đình mà từ thuở xưa đến nay luôn là miếng cơm, manh áo không thể thay thế, để hy vọng có thể gặp vận may tìm ra đá quý nhanh chóng đổi đời.

Trên những mảnh ruộng vừa mới thu hoạch lúa xong đã được người dân ở đây đào bới nham nhở, có đến trên dưới 20 người từ già đến trẻ dùng cuốc, xẻng, cho đến những phương tiện dùng để đãi vàng đều được những người này sử dụng rất thông thạo, những hố sâu hoắm đến các chục mét hình thành như những giếng có thể gây nguy hiểm cho những người coi thường tính mạng này.

Tiếp xúc với anh N, một thanh niên còn trẻ chưa đầy 20 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm theo nghề tìm đá trên 5 năm, anh cho biết: “Trước đây chính những thửa ruộng này đã có một người tìm ra được đá quý bán được cả trăm triệu đồng, người dân trong thôn thấy thế kéo nhau ra tìm, nhưng từ đó đến nay chưa ai được may mắn nữa”.

Đất đá bị đào nham nhở để tìm đá quý

Và rồi bộ mặt của thôn văn hóa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bãi đất ngay trước nhà văn hóa của thôn như một bãi chiến trường trông rất xót xa. Đáng tiếc là người dân vẫn không nhận ra những tác hại của việc khai thác bừa bãi đến đời sống, môi trường khu cộng đồng dân cư sinh sống.

Con suối trong thôn cách đây chưa lâu nhiều hộ dân còn dùng để lấy nước sinh hoạt thì nay được phủ một màu vàng đục bởi đất đá, không thể sử dụng được. Cứ khi trời đổ mưa lại xuất hiện tình trạng sụt lún đất, rất nguy hiểm.

Dòng nước bị ô nhiễm cũng do người dân đào đá gây ra

Mặc dù vậy, cho đến nay tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên mà chưa có một cơ quan có chức năng vào cuộc.

Cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương

Nói đến huyện Lục Yên (Yên Bái) ai ai cũng nghĩ ngay đến vấn nạn đào đá. Được cho là “vương quốc” đá quý từ những năm 1980, sau mỗi cơn mưa rào, núi đồi ở Lục Yên, Yên Bái ràn rạt đá quý trơ ra, những viên ruby có giá trị hàng chục nghìn đôla Mỹ người dân đào được bán cho thương gia trong nước và nước ngoài.

Tin ấy lan rộng, người Thái Lan đã nhanh chân tận dụng cơ hội đầu tư vào Lục Yên để khai thác đá quý. Còn người dân trong nước đua nhau đổ về Lục Yên với mơ ước đổi đời… Thời hoàng kim ở “vương quốc” đá có đến hàng nghìn người đến miền đất hứa. Đó là thời điểm những năm 1980, 1990 thế kỷ trước.

Không biết số người đổi đời thành hiện thực chiếm bao nhiêu phần trăm so với những số mạng đã “ra đi vì cuộc sống cao sang, ngờ đâu ra đi xác thân nằm lại rừng hoang vu”…Trong cơn say giấc mộng đổi đời, trai tráng khắp nơi lũ lượt đổ về đây. Lục Yên trở thành bãi khai thác đá quý tự do lớn nhất cả nước.

Có lúc đội quân “săn” đá đỏ lên đến 10.000 người. Khủng khiếp hơn khi mà dãy núi nào có tin người đào được đá quý thì dãy đó sẽ trở nên tan hoang trong thời gian ngắn bởi đội quân hùng hậu đó… Còn nhớ thời gian đầu năm 2011, bãi Chùm Chăn của thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái được coi là “tâm điểm” của nạn đào đá.

Khi có tin đồn tại vùng thị trấn Yên Thế có người tìm được viên đá ru bi, đá quý trị giá vài trăm triệu đồng, rất nhiều người khắp nơi đã kéo nhau đến tìm “đá” để mong được đổi đời, họ đào xới tất cả những nơi mà họ nghĩ là có thể có “đá”. Khi bãi mới nổi thì nhìn đâu cũng thấy người. Những chiếc hầm lò được đào sâu có khi tới cả chục mét rồi ăn ngang sang, trông thật nguy hiểm vậy mà những “người đi tìm vận may” vẫn xuống và bới.

Rất nhiều bãi ruộng ở Thôn Khe Vai - xã Minh Tiến bị đào xới tung lên như thế này

Gần đó là những chiếc lán được dựng lên nằm cheo leo trên triền núi đá của những người "săn" đá. Để gặp được vận may thì phải đổ mồ hôi có khi cả máu nữa, “trong cả nghìn người may ra mới có 1 người gặp may”, nhưng họ vẫn như những con thiêu thân lao vào một cơn lốc để rồi trắng tay...

Bây giờ bãi Chùm Chăn đã được dẹp bỏ, nhưng nhiều người dân lại tìm đến những bãi khác và tiếp tục tìm kiếm trong ảo tưởng. Thế nên, người dân nghèo vẫn nghèo ngay trên “vương quốc” đá quý Lục Yên. Mong rằng trong thời gian tới các cấp chính quyền địa phương cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa, cần có kế hoạch, biện pháp cụ thể sát với thực tế nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng đào đá tại nơi đây.

Theo Hạ Băng – Khắc Điệp

ANTD

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại