Nằm yên tĩnh trong khuôn viên Trường THCS An Dương (An Dương, Tây Hồ, Hà Nội), lớp học tình thương của bà giáo Nam là nơi những học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, câm điếc...được đi học như người bình thường.
Những hình ảnh về lớp học sáng nay khiến chúng tôi xúc động, khâm phục cái tâm của người nhà giáo già, tình thương vượt lên trên tất cả khó khăn để đem chữ đến các em thiếu may mắn, khao khát đến trường.
Bà giáo nắn nót bắt tay từng học trò của mình để viết từng chữ cái. Thậm chí, bà mất 3 tháng trời để luyện cho các em biết viết chữ O. Suốt 15 năm, bà âm thầm lặng lẽ, bỏ qua những lời nói "bà khùng" để đứng lớp dạy chữ, dạy các em nên người mà không đòi hỏi bất kỳ thù lao nào.
Em Thoa (sinh năm 1985) đã học với bà giáo 15 năm, là một trong những học trò đầu tiên của bà Nam.
Đến với lớp học tình thương, không đơn thuần các em được học chữ mà còn học được cách cư xử. Biết mời bố mẹ ăn cơm, biết chào hỏi, hòa nhập vào cuộc sống,với mọi người hơn.
Đây là em Lưu Hồng Dương - năm nay 31 tuổi- là học sinh lớn tuổi nhất ở đây. Dương bị khuyết tật ở tay chân, bị thiểu năng trí tuệ. Hàng ngày, dù nắng hay mưa, em đều có mặt đầy đủ ở lớp.
Hôm nay (15/11), bà giáo Hồ Nam nhận thêm 1 cô bé 8 tuổi (phải) ở Phú Thượng. Bà kể bố mẹ cháu đọc báo thấy lớp học, sáng hôm sau chở cháu đến xin học. Thương gia đình cháu nghèo, cháu bị tự kỷ nên bà Nam nhận cháu vào "thử thách" một thời gian.
Có những học trò đầu tiên của bà đã ra trường lấy chồng và vẫn thường nhớ đến bà về thăm. Lớp học của bà đặc biệt ở chỗ bà không thu học phí, những học trò của bà đều là những đứa trẻ không may mắn, khao khát được đến trường và đầy đủ mọi lứa tuổi.
Em Hồng Dương tan học trở về nhà.
Lớp học tình thương bắt đầu từ 8h - 10h30 phút từ thứ 2 đến thứ 6. Dù mưa hay nắng, bà Nam đều đến lớp.
Ngày nào cũng vậy, mặc dù tuổi đã cao, nhưng bà không bao giờ có ý nghĩ sẽ dừng lại. Bà bộc bạch, thứ quý giá mà bà nhận được từ lớp học đó chính là tình cảm chân thật, hồn nhiên của những học trò ấy. Bà nói: "Lúc nà mệnh trời kéo tôi đi thì phải chịu".