Âm thầm làm “thần hộ mệnh” cho hàng ngàn người nghiện
Ở các điểm nóng của thành phố Cảng về tệ nạn ma túy, Hiệp là một "người quen" từ cả chục năm nay. Nếu như chừng dăm bảy năm về trước, anh tới những tụ điểm đó chỉ cốt để "lấy hàng" thì hiện tại, anh xuất hiện tại đây với một tư cách hoàn toàn khác: Người cứu mạng cho cả trăm người nghiện.
Từ 4 năm nay, anh và các bạn bè trong nhóm Vòng tay bè bạn - một nhóm hoạt động Xã hội đặc biệt được thành lập với tiêu chí giúp đỡ người nghiện ma túy tiếp cận với các dịch vụ y tế, tư vấn sức khỏe và quan trọng nhất là cấp cứu người sốc ma túy - vẫn âm thầm, lặng lẽ làm "thần hộ mệnh" cho hàng ngàn người nghiện.
Tại các điểm nóng về ma túy của thành phố Cảng, có những ngày vài ba người nghiện "ra đi" vì quá liều không phải là chuyện hiếm. Từng là người nghiện ma túy, từng chứng kiến tận mắt không biết bao nhiêu con người bị ma túy lấy đi mạng sống và đặc biệt hơn, cũng từng từ cõi chết trở về một lần, Hiệp đã quyết định giành thời gian sống còn lại để cứu lấy chính những người nghiện ngập - như một cách để trả nợ cuộc đời.
Anh lặng lẽ để lại số điện thoại, phát tờ rơi, hoặc dặn dò các hộ dân sống xung quanh, thậm chí cả chính những người nghiện ngập để mỗi khi có trường hợp nào sốc thuốc, họ có thể gọi tới anh. Bất kể mưa hay nắng, đêm hay ngày, mỗi khi có điện thoại, anh và cả nhóm lại lập tức lên đường. Cứ như vậy, trong suốt 4 năm lặng lẽ với công việc đặc biệt này, đã có cả trăm mạng người được các anh “cướp lại từ tay thần chết”.
Như một cách "trả nợ cuộc đời"
Công việc đặc biệt ấy không hề đơn giản như cách Hiệp sẻ chia về nó. Những khu ổ chuột lầy lội khuất sâu trong thành phố, những khu đường tàu nhếch nhác bẩn thỉu chi chít ống kim tiêm có thể khiến người thường ngần ngại không dám bước chân vào, nhưng đó lại chính là "phòng cấp cứu" thường xuyên của Hiệp. Những người nghiện quá liều sùi bọt mép, khắp người lấm lem bụi bẩn, bùn đất nằm vạ vật ngay vỉa hè hay trên ray đường tàu cũng được anh cứu chữa bằng tất cả sự tận tâm, không một chút nề hà. Tiêm thuốc chống sốc, hô hấp nhân tạo, thậm chí còn đợi cả tiếng đồng hồ để nạn nhân tỉnh lại để đưa tới cơ sở y tế hoặc về nhà, tất cả những gì Hiệp nhận lại đôi khi chỉ là một lời cảm ơn, chứ không phải bất cứ điều gì khác.
Hiệp không chia sẻ nhiều về quá khứ của mình, chỉ nói đơn giản: "Anh cũng từng là người nghiện ngập, từng nhiễm HIV, thậm chí trại cai nghiện còn từng trả anh về vì nghĩ anh sắp chết. Nhưng rốt cuộc thì anh vẫn sống và nhờ được uống Methadone, anh còn đoạn tuyệt được với ma túy và được chữa trị HIV. Chính vì vậy, anh đã chọn công việc này để làm, như một cách để trả nợ cuộc đời và để những tháng ngày còn lại của mình ý nghĩa hơn".
Từ suy nghĩ giản đơn bắt nguồn từ sự hướng thiện trong suy nghĩ của người đàn ông từng một thời lầm lạc ấy, 161 người nghiện sốc ma túy đã giữ lại được cho mình mạng sống. 161 mạng sống ấy được anh và bạn bè "nhặt lại" từ khắp mọi nơi, từ những điểm nóng ma túy cho tới nhà riêng, từ chân cầu cho tới trong phòng ngủ căn nhà phố, bất kể sáng hay đêm. Một hộp dụng cụ đựng thuốc, một chiếc Xe máy và thêm sự nhiệt tình không tính toán được, mất, tất cả hành trang của "vị bác sỹ" đặc biệt này chỉ có vậy. Nhưng những điều anh và bạn bè làm được lại rất nhiều...
Chữa sốc ma túy không quá khó, nhưng vẫn có rất nhiều người nghiện không thể qua khỏi khi chích quá liều. Vẫn có rất nhiều cái chết xảy ra ngay chính tại góc đường tàu hay khu ổ chuột, thậm chí ngay tại những cơ sở y tế. Anh Hùng, một người nghiện ma túy lâu năm chia sẻ: "Thật ra có mấy ai dám chữa trị cho người nghiện, nhất là khi nhìn họ hấp hối vì sốc thuốc? Đưa tới cơ sở y tế, nói thật là cũng chả có bác sĩ nào mặn mà cứu chữa đâu. Chưa tính tới chuyện không có tiền nong gì để trả, nhiều người còn sợ bệnh tật, tới nỗi đứng gần cũng chả dám, nói gì tới việc cứu người?".
Hiểu được tâm lý chung e sợ người nghiện ma túy, cộng với kiến thức nhất định đã được đào tạo nhờ tổ chức SCDI- trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, Hiệp và các bạn lặng lẽ đảm nhận phần việc chẳng ai muốn "gánh" này.
Có những lúc 2h sáng hay gia đình vừa dọn mâm cơm, chuông điện thoại đã reo, tất cả lại vội vã lên đường. Tất bật với những công việc không tên tại những nơi xó xỉnh tối tăm, bẩn thỉu, bất kể thời gian và gần như không nhận lại bất cứ một điều gì, ngoại trừ niềm vui đã cứu sống một con người.
Nhưng làm việc tốt, cứu sống người như công việc các anh đang làm cũng không hẳn lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái". Một trong những rắc rối phổ biến nhất khi cứu người sốc thuốc chính là việc... mất mát đồ đạc. Khi bị bất tỉnh tại các điểm nóng, nơi tụ tập của đông đảo người nghiện, thường thì đồ đạc của nạn nhân đã bị thất lạc gần hết khi đội cứu hộ tới nơi. Một vài trường hợp, các anh thậm chí còn phải nhờ người gọi điện canh giữ đồ đạc cho nạn nhân trước khi mình tới nơi, đề phòng những rắc rối không đáng có.
Không chỉ vậy, đôi lúc nhóm còn phải đối diện với sự thắc mắc, nghi ngờ của người thân quen của nạn nhân hay... chủ nhà nơi nạn nhân ngất xỉu, vì không ai biết họ là ai, muốn làm gì.
Gặp những trường hợp đó, nhóm phải chia ra làm đôi, một người lo cứu chữa, người kia lo giải thích về công việc của mình bởi cứu người như cứu hỏa, không thể chậm trễ một phút nào. Chính nhờ tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy phi thường ấy, trong hàng trăm trường hợp gọi tới để nhờ cứu người, chỉ có duy nhất một nạn nhân thiệt mạng do gọi quá trễ, nạn nhân đã tử vong trước khi các anh kịp tới. Còn lại, tất cả đều may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ chính những "bác sĩ" nghiệp dư đặc biệt này.
Hiệp trầm tính và ít nói, giống như đa số các thành viên của nhóm. Anh cũng không thích chia sẻ nhiều về những điều mình làm được. Chỉ khi nói về những điều ý nghĩa, những con số biết nói về những người đã thoát chết nhờ nhiệt huyết của mình, đôi mắt của anh mới ánh lên chút niềm vui. Anh nhỏ nhẹ: "Cuộc đời mình sai lầm quá nhiều rồi, có những lúc đã tưởng mình là kẻ vứt đi của xã hội. Nhưng từ khi chọn công việc này, cuộc sống nhờ thế mà cũng có ý nghĩa hơn. Mai này có nằm xuống, có lẽ mình cũng sẽ thanh thản rất nhiều vì đã trả được nợ cuộc đời".
Nhóm hoạt động xã hội Vòng tay bè bạn được thành lập từ năm 2010, hiện tại có tổng cộng 6 thành viên. Họ thay phiên nhau trực, sẵn sàng tới các điểm nóng để cứu người nghiện sốc ma túy bất kể thời gian.
Anh Nhân - trưởng nhóm nói vui: "Bọn mình cũng là những người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", bởi thu nhập gần như không có, vẫn phải ăn cơm nhà nuôi cả. Nhưng được cái tất cả mọi người trong gia đình đều hết sức ủng hộ công việc này vì ý nghĩa của nó, nên vẫn yên tâm để đi làm".