Xuất hiện lá “đơn kêu cứu tập thể” chưa từng có

Bùi Hải |

“So với ông Nguyễn Thanh Chấn, nỗi oan của chúng tôi còn lớn gấp 10 lần, 100 lần”.

> “NGU THÌ CHẾT” và người Việt ăn gì để không chết?
> Bàn tay run rẩy của Trần Lập và cú “lạnh xương sống” của bộ trưởng Phát
> NGƯỜI VIỆT ĂN GÌ ĐỂ KHÔNG CHẾT?
> “Tại sao chúng ta run rẩy trước thực phẩm của đồng bào?”

Nửa đêm hôm qua, tòa soạn bất ngờ nhận được “lá đơn kêu cứu tập thể” chưa từng có của… một con sâu, một cọng giá đỗ và một quả chuối.

Kính bẩm hai vị ai cũng biết là ai nhưng không tiện nói!

Ba chúng tôi, đồng khấu đầu dâng lên các vị lá đơn đẫm nước mắt này, trước khi chào vĩnh biệt.

Nếu lá đơn có thể lay động lòng trắc ẩn, thì cũng xem như chút “của nả” cuối cùng mà chúng tôi di chúc cho con cháu trong cuộc đời “xác ướp” ngắn ngủi này.

1. Lời kêu cứu của sâu:

Khi những dòng này đến tay người có trách nhiệm, thì cũng là lúc “có một dòng sông đã qua đời”, nghĩa là hồn tôi sắp lìa khỏi xác.

Nhưng nếu không gắng gượng dùng ngọn hơi tàn để kêu cứu cho họ hàng, hậu duệ khốn khổ của loài sâu, thì chắc dưới nơi âm u ấy tôi không thể ngậm cười.

Sau một thời gian nuôi nấng vỗ béo, tối qua, bọn bất lương đem cả gia đình chúng tôi thả vào vựa rau đẫm thuốc sâu, thuốc kích phọt, mà họ vừa hái, trước khi mang rau đi chợ bán.

Đây là lần thứ 10, trong vòng 24 giờ, chúng ép nhà tôi ăn rau bẩn.

Tôi cùng con cháu đã tuyệt thực 9 ngày vì biết xơi vào, kiểu gì mình cũng sớm mua “một vé về tuổi thơ” dưới âm phủ, hội ngộ ông bà ông vải.

Nhưng cũng giống như suy nghĩ của nhiều “thượng đế cũng phải cười”: Nếu không ăn gì, thì sẽ “rừng xưa đã khép” ngay tắp lự (tức là chết luôn), nên chúng tôi đành phải chọn cái cái chết từ từ.

Ngay lúc này đây, bên cạnh tôi, linh hồn con sâu út vừa bay về giời. Nó đã hôn mê sâu ngay từ khi phải ăn đợt rau bẩn thứ ba và mãi mãi dang dở giấc mơ hóa bướm.

Khi chúng tôi lần lượt “hát cho người nằm xuống”, dìu nhau về âm phủ, thì ở nhiều chợ trên dương thế, các thượng đế già trẻ trai gái đang hỉ hả vì nhìn thấy những bó rau nõn nà đã bị chúng tôi đục thủng lỗ chỗ.

Chúng tôi đã chảy nước mắt tập thể vì thương xót họ khi nghe các thượng đế gào lên sung sướng: “R…A….U  S….Ạ….C….H!!!”.

Chỉ một lát sau, tay bán rau đã nở nụ cười nham hiểm khi nhìn sang rổ rau sạch thật sự vẫn còn đầy nguyên (vì xấu mã), của thôn nữ xinh đẹp bên cạnh.

Hắn “ngọt ngào và man trá” chỉ vào hai cái sọt hết rau của mình và nói với thôn nữ: “Thấy không, rau của anh đẹp từng xen ti mét.

Muốn không ế thì phải biết làm “sạch theo cách của bạn”, chứ  không phải “sạch theo cách của thượng đế” cô em xinh đẹp ạ” .


Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Than ôi, dù đã tận cùng bể khổ, hóa ra đời chúng tôi vẫn còn đỡ cay đắng hơn con người. Bởi khi ăn, chúng tôi còn biết rõ mình ăn bẩn, nhiều thượng đế thì không.

Mua được “rau sạch”, họ hát “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”. Nhưng rồi, sau 3 năm, 5 năm, 10 năm nữa, khi biết bị lừa, họ sẽ phải đau đớn hát: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi…”.

Nhưng, có những người cũng chẳng còn tóc mà bạc như vôi. Cùng những đợt hóa trị ung thư, “tóc gió đã thôi bay” về miền “cát bụi”.

Kính thưa các vị!

Ngay từ khi ra đời, phận sâu đã chịu cảnh bất công. Loài người miệt thị chúng tôi là “lũ sâu bọ”.

Nếu họ biết rằng  chúng tôi chính là một phần của cái mà họ gọi là “cân bằng sinh thái”, có lẽ họ đã nhìn sâu bằng con mắt khác.

Rồi mỗi khi một quan tham sa lưới, người ta lại bêu cả họ nhà chúng tôi ra mà gọi “lũ sâu mọt”.

Thật nực cười! Sao lại đi so những kẻ oẳn tà roằn “gặm sống” cả sắt thép, bê tông, hàng cứu trợ người nghèo… với loài chỉ biết gặm nhấm vài cái lá, nhu mì bé nhỏ như chúng tôi?

Nhưng thôi, nói những chuyện đại sự ấy làm gì, xin tiếp tục quay về cuộc sống oan khuất của kiếp sâu.

Bọn bất lương bây giờ dường như… bất lương hơn bọn bất lương ngày trước.

Trước kia chúng chỉ phun thuốc sâu vào rau đem bán, còn bây giờ, có kẻ trộn cả thuốc sâu vào đất trồng rau giống, để giết sâu từ trong trứng.

Việc làm ấy đã bị quả báo: Những làng ấy có quá nhiều người phải “di cư” lên “đồi thông hai mộ” khi còn rất trẻ. Họ chết trẻ vì ung thư khi “áo em chưa mặc một lần”.

Họ đi chân trần khi làm đồng và bàn chân ấy dẫm vào chính thứ đất họ đã đầu độc.

Nhưng, những cái chết ấy chưa làm họ chùn chân. Họ đi giày, đi ủng, để tránh bị nhiễm độc trực tiếp.

Thuốc sâu ấy sẽ từ đất theo mưa ra ao hồ, “trở về dòng sông tuổi thơ”, chẳng những làm làm chết cá tôm, tàn phá con người, mà còn khiến tiền kiếp của chúng tôi là loài bướm cũng phải tuyệt diệt khi còn “nửa chừng xuân”.

Độc ác hơn, ở vài vùng, có tiếng là trồng rau an toàn, nhưng lại toàn sử dụng các loại hóa chất cực độc như Marshal, Peran, Cóc chúa… để giết chúng tôi và sau đó giết cả con người.

Ai sẽ cứu loài sâu khốn khổ?

Mỗi ngày chúng tôi đều gửi một lá đơn cầu cứu và mỗi ngày chúng tôi đều cầu khấn “chắc ai đó sẽ về” để giải oan khuất.

Nhưng, thay vì có “con bướm xuân” bay về báo tin vui, thì chúng tôi lại chỉ được nghe điệp khúc “không cảm xúc” và “để mai tính”.

Ai đó coi những lời khẩn cầu ấy chỉ như là “để gió cuốn đi”, thì hãy nhớ rằng cách chúng tôi đang phải chết cũng chính là cách hàng ngày đang giết dần giết mòn các vị.

2. Lời kêu cứu của giá đỗ

Phận giá đỗ chúng tôi vốn dĩ rất kiêu hãnh. Kiêu hãnh đến nỗi người ta xưng tụng chúng tôi là “rau ngỏng”, có nghĩa là “không phải dạng vừa đâu”.

Quý ông bạc nhược về nam tính chưa đến chợ đã rơi mất tiền, quý ông thích sung mãn tự nhiên, thường ăn gỏi chúng tôi hàng ngày.

Tuổi thọ chúng tôi chỉ được một tuần, nhưng họ nhà giá đỗ thường bảo nhau:

“Chết mà kéo dài được tuổi hưởng dương của các đấng nam nhi, thì dẫu có gan óc lầy đất, dẫu “bình mình có mang em đi”, dẫu có hy sinh 1.000 lần, bọn mình vẫn thấy được “niềm tin chiến thắng”.

Nhưng, giờ đây, cái kiêu hãnh ấy của chúng tôi đã “như cánh vạc bay” mất hút.

Bọn bất lương giết chúng tôi lần 1 ngay từ lúc còn là hạt đỗ. Chúng phun lên mình hạt đỗ hóa chất độc hại để chống mối mọt, mốc.

Lúc ủ giá, chúng lại giết lần 2 khi pha hóa chất độc hại khiến chúng tôi trắng, mập.

Khi sức mạnh nam tính của các quý ông bị tàn phá bởi chất độc hại có trong giá đỗ gây nên bệnh tim gan thận (và có thể gây ung thư), chúng tôi lại như bị giết chết thêm lần nữa.


Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Khi oan hồn bay lảng vảng, chúng tôi vẫn nghe được “tiếng chim hót đau đớn trong bụi mận gai” của quý ông, khi trở thành bại tướng trên giường.

Một số quý ông khác thấy “cuộc gọi lúc nửa đêm” của vợ, thì giả vờ im thin thít “như loài sâu ngủ trong tóc chiều” để tránh sưu cao thuế nặng.

Tôi cũng đã nhìn thấy nhiều đấng nam nhi đứng im lìm như “linh hồn tượng đá” trong khoa Nam học và hiếm muộn để điều trị hội chứng “chuyện đêm muộn” của đạo diễn Lê Hoàng.

Tôi chứng kiến, bác sĩ điều trị rối loạn cương dương đã động viên một bậc mày râu xum xuê, cơ bắp cuồn cuộn rằng “nói ra, đừng sợ”, khi anh không dám kể căn bệnh “có cái nắng, có cái gió, thiếu cái đó” của mình.

Anh ấy đã thở hắt ra: Ôi bác sĩ ơi, ngày nào em cũng ăn “rau ngỏng” mà tìm mãi chẳng thấy “hoa vàng trên cỏ xanh” đâu cả, toàn thấy “cánh đồng hoang”.

Ai? Ai? Ai? sẽ trả lại niềm kiêm hãnh cho họ giá đỗ chúng tôi và trả lại “tuổi thanh xuân” thực sự cho các adam?

3. Lời kêu cứu của một quả chuối.

Nỗi oan của tôi không “lửa hận rừng xanh” như của anh sâu, anh giá đỗ, nhưng lại mang tính thời sự nóng bỏng.

Phải đến khi một vị có trách nhiệm “lạnh xương sống” vì biết chuối được ngâm ủ trong thuốc diệt cỏ, thì nỗi oan khuất của họ chúng tôi, mới được đông đảo xã hội biết đến. 

Cú “lạnh xương sống” đó, đã đưa một kẻ quê mùa, rẻ mạt như tôi, vào tận nghị trường, trong những phát ngôn nóng bỏng.

Họ rùng mình vì tôi, nhưng tôi cũng rùng mình thương thân, khi ĐBQH Trần Ngọc Vinh đặt câu hỏi rất đúng:

“Thịt lợn có chất cấm, chuối ngâm thuốc diệt cỏ… có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta, chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế…

Hàng năm có chục nghìn cái chết được báo trước xuất phát từ thức ăn nhiễm độc”.


Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Xử lý ảnh: Mạnh Quân

Hôm qua, nghe Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn Quốc hội, dù phải công nhận ông ấy nói rất đúng, mà tôi vẫn thấy “bỗng dưng muốn khóc”.

Ông Phát đã nói rằng, với những quy định pháp luật hiện hành, muốn xử lý kẻ sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn thì “người tiêu dùng phải lăn ra chết thì mới xử lý được!”. Chết từ từ thì chịu!”

Kính thưa các vị!

Chuối chúng tôi vốn là một loài cây chỉ biết hy sinh. Khác với tất cả cây cối, cả đời một cây chuối chỉ ra đúng một buồng.

Khi buồng chín, cũng là lúc cây mẹ chết rũ “ru ta ngậm ngùi”, vì bao nhiêu ngon ngọt mỡ màu, đều vắt kiệt nuôi quả.

Vậy thì kẻ nào đã biến chúng tôi, từ một thứ hoa quả hiền lành, bình dị, có đến 29 tác dụng đối với sức khỏe như thế, trở thành một sát thủ? Thành một “xác ước Ai Cập”?

Kẻ nào độc ác như vậy?

Tôi, anh sâu và anh giá đỗ đã lết tấm thân nhiễm độc đi hỏi nhiều nơi, đánh trống kêu oan nhiều công đường và nơi đâu người ta cũng trả lời: Hung thủ gây nên oan khuất cho chúng tôi và cho con người, chính là gã Lương Tâm.

Người ta bảo, bây giờ, Lương Tâm cũng là một món hàng và giá bán nó còn rẻ hơn cả bán chuối.

Ai sẽ mang “thượng phương bảo kiếm” truy bắt gã Lương Tâm về quy án, giải nỗi oan tày liếp cho chúng tôi?

Liệu con cháu chắt chút chit của chúng tôi có còn phải hỏi đi hỏi lại câu hỏi này và hát đi hát lại trong vô vọng “chắc ai đó sẽ quay về thôi, chắc ai đó sẽ quay lại thôi”?

Mời quý độc giả chia sẻ những cảm nghĩ, bình luận dưới ô "Viết bình luận" phía cuối bài. Trân trọng cảm ơn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại