Cụ già 85 tuổi nhọc nhằn nuôi dưỡng đứa con điên loạn, đứa cháu thơ bé
Đó là hoàn cảnh của cụ Nguyễn Thị Thoại (85 tuổi), tổ 15, thôn Quý Xuân 1, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Người mẹ già đã 85 tuổi ấy vẫn hàng ngày phải tần tảo kiếm từng miếng ăn, cái mặc cho người con gái bị điên và đứa cháu ngoại nhỏ dại, chậm chạp.
Cụ Thoại hí húi với nồi khoai lang.
Nói về gia đình, cụ Thoại vừa kể vừa lấy tay quệt vội dòng nước mắt: “Trước đây, hắn đâu có bị điên nặng như bây chừ. Hắn cũng lấy chồng và sinh con. Chồng hắn cũng chậm chạp, đần như hắn. Nhưng không hiểu sao sau khi sinh con thấy thằng Cường bị sứt môi, ngớ ngẩn, chồng hắn bỏ đi.
Chị Võ Thị Lý suốt ngày cứ dở dở ương ương...
Từ đó, hắn phát điên loạn, phá phách, không làm chủ được mình. Đứa con hắn cũng không nhìn nhận. Thương cháu tàn tật, ngớ ngẩn, già này mới đi vay đi mượn đầu trên xóm dưới về để đưa đi chữa trị nên sức khỏe mới ổn và đi học lấy cái chữ” - cụ Thoại ngậm ngùi xót xa.
Mỗi lần tắm cho con là một cuộc vật lộn với cụ, tay phải ghì con vào người, tay trái kì cọ, lau chùi, miệng dỗ dành như đứa con nít lên 3… Dù có sự giúp sức của đứa cháu nhưng nhiều lần không giữ được cụ vẫn phải nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm, nhưng ai cũng bận cả nên cụ cũng không dám nhờ vả nhiều.
... đến con trai cũng không nhận
Cụ Thoại kể về đứa cháu ngoại đáng thương của mình: “Nhiều buổi tối ngủ với già, nó (cháu ngoại-PV) thủ thỉ: “Bà ơi! Ba cháu đi đâu mà không thấy hả bà? Đám bạn bảo con là con hoang. Bà có biết ba cháu là ai không?” Nghe cháu nói mà già ứa cả nước mắt, lòng đau như cắt từng khúc ruột, trằn trọc cả mấy đêm liền”.
Cụ Thoại còng lưng nhưng chiều chiều vẫn đều đặn lên rừng hái rau, mót khoai, sắn để sáng sớm đem ra chợ đổi gạo về nấu cháo, nấu cơm ăn thủng thẳng qua ngày. Cái nghèo, sự khổ cực vẫn hàng ngày đeo bám người bà, người mẹ bất hạnh này. Và điều cụ lo lắng nhất bây giờ là đến khi mình qua đời không biết ai sẽ chăm sóc cho đứa con, đứa cháu đáng thương ấy, nghĩ đến đây, nỗi đau như xé lòng...
Mẹ già đau xót nuôi 2 người con trai điên điên dại dại
Cũng ở cái tuổi như cụ Thoại, hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Cự (85 tuổi, xóm 2, xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, Nghệ An) cũng chứa đựng vô vàn nỗi xót xa.
Ông bà sinh được 5 người con, chồng mất sớm nên bà một mình chăm sóc các con. Hai đứa đã lập gia đình nhưng cuộc sống không khấm khá gì, một đứa đã mất từ nhỏ, còn hai đứa thì bị bại liệt bẩm sinh và trí não không bình thường.
Bà Cự và 2 đứa con điên điên dại dại...
Suốt mấy chục năm qua, mọi việc trong nhà đều đến tay người mẹ già này, từ tắm giặt, vệ sinh, cho đến bữa ăn hằng ngày. Khổ nhất là những lúc bà bị ốm, hai anh phải nhịn ăn là chuyện bình thường. “Tuổi tôi giờ đã cao, cứ như ngọn đèn leo lắt trước gió, không biết còn sống được bao lâu nữa, chỉ mong sao ông trời đừng bắt tôi đi không thì các con lấy ai chăm sóc”, bà Cự buồn khóc.
Mấy năm trở lại đây các con bà cũng nhận được 120 ngàn đồng mỗi tháng tiền trợ cấp cho người khuyết tật. Nhưng số tiền đó có thấm vào đâu so với tiền thuốc thang, tiền đi bệnh viện, những cơn đau bất thường của hai con và những chi tiêu vặt trong gia đình.
Người mẹ mù 94 tuổi nuôi con bại não
Năm nay bà cụ mù Nguyễn Thị Đắp, thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã 95 tuổi, cái tuổi đáng lẽ phải được con cháu đùm bọc, chăm sóc, nâng niu, vỗ về, nhưng chuỗi ngày chìm dài trong nỗi tủi cực của cụ vẫn chưa dứt bởi trên đôi vai chưa một lần được hưởng niềm vui của cụ còn có một người con tật nguyền đã hơn 50 tuổi mà vẫn cần mẹ chăm sóc.
Hai mẹ con cụ Đắp đang cần sự giúp đỡ của mọi người
Sinh năm 1917 tại tỉnh Hà Nam, 17 tuổi cụ Đắp cất bước theo chồng. Rồi lần lượt sinh hạ được 3 người con. Hai vợ chồng cày cấy nuôi con, cuộc sống tuy nghèo đói nhưng trong căn nhà tranh luôn đầy ắp tiếng cười con trẻ. Nhưng người con trai cả của cụ đã ra đi cùng những năm tháng kháng chiến.
Nhận được giấy báo tử của đứa con trai cả hy sinh cụ như chết lặng. Hai vợ chồng gắng gượng nuôi 2 con chỉ mong có ngày nương tựa vào con. Những tưởng cuộc sống bình yên sẽ phù hộ cho gia đình. Năm 1957, người con trai út anh Nguyễn Văn Hậu ra đời nhưng không may mắc phải chứng bệnh bại não và liệt toàn thân. Rồi người chồng cũng bỏ cụ ra đi sau đó không lâu.
Cụ Đắp cố chạy vạy thuốc thang mang Hậu đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Từ đó đến nay mấy chục năm, một tay cụ chăm sóc, lo toan cho đứa con bất hạnh. Gánh nặng đè lên đôi vai người phụ nữ, những tháng ngày cơ cực.
Cụ Đắp tâm sự: "Sinh con ra, chưa một lần nghe con gọi tiếng mẹ, chưa một lần thấy con mình được bò, được đi như những đứa trẻ bình thường khác. Làm mẹ như tôi đây cơ cực lắm nhưng biết làm sao được".
Ngày nắng cũng như mưa, người mẹ mù lặn lội ngược xuôi kiếm bát gạo, đồng tiền lo thuốc thang cho Hậu. Thân già như ngọn đèn dầu leo lét lụi tắt dần trước gió bão, không biết ngày nào sẽ đến ngày vụt tắt để lại một nỗi lo canh cánh trong lòng về đứa con bất hạnh, tật nguyền.