Vừa qua Báo Điện tử Trí Thức Trẻ phối hợp cùng công ty Nam Trường Sơn tổ chức chương trình từ thiện cho độc giả đến vùng đất Tây Bắc xa xôi cùng chia sẻ khó khăn, đem đến sự ấm áp đến với xã đặc biệt khó khăn Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (Trong đó cty Nam Trường Sơn tài trợ hơn 100.000.000đ; tập đoàn Vingroup tài trợ 50.000.000đ)
Chứng kiến tận mắt thực tế đường xá đi lại, bữa ăn, trường lớp..của thầy cô, học sinh nơi đó, đoàn chúng tôi không khỏi thốt lên xót xa về cuộc sống của người dân tộc Dao vùng cao Nậm Mười cơ cực, thiếu thốn đến nhường nào.
Thầy Nguyễn Quốc Toản – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Mười cho biết với 100% học sinh là người dân tộc Dao, thầy và trò Nậm Mười gặp rất nhiều khó khăn về vật chất cũng như công tác giảng dạy. Thầy Toản kể, nhiều hôm trời lạnh buốt dưới 5 độ, sương xuống nhưng các em cũng chỉ mặc 1 – 2 chiếc áo mỏng đến trường, chẳng có giầy dép để đi. Nhìn thấy thế thương các em, các thầy cô trong trường mang cho chiếc áo, đôi tất của con mình giúp các em ấm hơn.
Sự nghèo khó, thiếu thốn từ đôi dép hay chiếc áo ấm của trẻ thể hiện trên mỗi khuôn mặt, hình ảnh về ngôi trường…mà chúng tôi kịp ghi lại trong hành trình ấy.
Nơi dạy chữ, dạy người học sinh Tiểu học Nậm Mười tại điểm Làng Cò.
Thầy Nguyễn Quốc Toản – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Mười cho biết: Làng Cò là một trong 5 điểm lẻ của trường nằm tại các bản cách xa trung tâm.
Nhìn những manh áo mỏng, đôi chân trần ấy…chúng tôi nghĩ đến những đứa trẻ thành phố được bao bọc bởi bộ đồ dày, đẹp, ấm áp. Ở đất Nậm Mười ấy, những đứa trẻ không tất, không dép, không đủ no…ám ảnh cả đoàn suốt chặng đường đi.
Và chúng tôi cảm thấy xấu hổ khi khoác trên mình bộ quần áo dầy cộm, ấm áp, đi đôi giày ấm áp…trong khi đó các em học sinh chỉ có độc chiếc áo sơ mi cũ hay chiếc áo len đã sờn rách mặc cho thời tiết dưới 10 độ.
Những đôi chân nứt nẻ, tím tái vì lạnh giá.
Đôi dép tổ ong đõ cũ lắm rồi...
Nhưng có lẽ rằng, trên mỗi khuôn mặt của các em học sinh nơi Tây Bắc ấy vẫn hiện lên nét đẹp sự ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng và tinh thần lạc quan vượt qua sự nghèo khó, thiếu thốn để tìm đến con chữ.