Ồn ã tin đồn
Thôn Trại Sen, phường Văn An, thị xã Chí Linh từng tồn tại chùa Vân Tiên nổi tiếng, còn gọi là Huyền Thiên cổ tự - một di sản tầm cỡ trong “Chí Linh bát cổ”. Đường vào Trại Sen nhấp nhô núi với thông, tùng xanh ngút mắt. Cuộc sống của cư dân hai bên đường trầm lắng khác hẳn vẻ ồn ã bên ngoài.
Bà Vũ Thị Điếm và pho tượng quý.
Chúng tôi phải vòng vèo mấy con dốc, xuyên qua vài tán rừng mới vào đến nhà bà Vũ Thị Điếm - người trông coi Huyền Thiên cổ tự không công suốt mấy chục năm nay và cũng là người đang được đồn thổi là giữ những báu vật bằng đồng đen tìm thấy quanh ngôi chùa trên.
Chúng tôi đến vào giữa trưa. Bà Điếm nhìn chúng tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên và đầy sự nghi ngại. Khi biết chúng tôi là nhà báo, muốn tận thấy những báu vật nhiều người cho là đồng đen mà bà đang bí mật cất giữ, bà chối đây đẩy, kể cả khi vợ chồng bà đã xem những giấy tờ cần thiết mà chúng tôi mang theo.
Bà bảo, trước đây, vợ chồng bà đã nhiều lần bị kẻ xấu dùng đủ kiểu phỉnh lừa hòng chiếm đoạt những báu vật trên nên giờ phải cảnh giác. Nước cuối cùng, chúng tôi phải bấm máy cho một người mà theo tìm hiểu của chúng tôi, vợ chồng bà rất tin tưởng và kính trọng.
Nghe được tiếng của người đó, vẻ mặt bớt căng thẳng hơn, bà Điếm ngồi xuống ghế bần thần nghĩ ngợi. Thoáng sau, bà ra hiệu cho chồng mình đi ra ngoài để thì thầm to nhỏ điều gì đó, rồi quay vào, bà bảo: “Các anh đi người không thôi nhé, chỉ được mang máy ảnh cá nhân thôi!”.
Khu đất rộng nơi bà Điếm ở có hai ngôi nhà. Nơi vợ chồng bà đang ở là nhà mới, xây cất khang trang, hoành tráng như biệt thự. Cạnh đó là ngôi nhà 2 tầng, bé hơn và chắc xây dựng đã lâu. Khi vào đây, chúng tôi đã nghĩ, nếu bà có báu vật thật thì chúng phải được cất giấu cẩn thận trong ngôi nhà mới xây. Thế nhưng, ghé tai tôi, bà bảo, những thứ chúng tôi muốn thấy là ở nhà bên kia. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, bà bảo, chả ai nghĩ bà lại để của một đống tiền bên đó nên làm thế hóa ra lại an toàn.
Bà Điếm dẫn chúng tôi lên chiếc cầu thang bé xíu, vòng vèo. Hết cầu thang, qua một cánh cửa cũng có ổ khóa to chừng bàn tay nữa là gian nhà cất giấu… báu vật.
Hai pho tượng lạ
Khi chúng tôi đã yên vị trong căn phòng rộng hơn chục mét vuông ấy, bà Điếm vừa lẩm nhẩm những câu gì nghe không rõ, vừa kéo bức rèm màu đỏ lên. “Đây, các anh xem đi, các “ngài” đấy!”. Bà Điếm vừa nói vừa chỉ tay về phía hai pho tượng có màu đen thẫm, bóng loáng. Đó là tượng Phật Thích Ca và tượng Phật A Di Đà.
Bà Điếm cho biết, tượng Phật Thích Ca cao 40cm còn tượng Phật A Di Đà là 35cm và cả hai đều nặng tới gần chục ký. Thấy chúng tôi chực đưa máy ảnh lên chụp, bà Điếm vội vàng ngăn lại bảo, để bà thắp hương xin phép các “ngài” đã.
Thắp hương, xì xụp khấn vái, gieo âm dương mấy lần các “ngài” mới “đồng ý” cho chúng tôi ghi hình. Để việc ấy được diễn ra thuận tiện và cũng theo gia chủ thì chúng tôi là người có duyên nên bà Điếm mới phá lệ rước các “ngài” xuống. Nhiều người còn chồng cả một khoản tiền lớn đến độ cả đời bà Điếm nằm mơ cũng không thể hình dung thì bà đoán chắc các “ngài” được làm từ đồng đen, vì chỉ có thứ kim loại đó người ta mới sẵn sàng đánh đổi số tiền khủng khiếp đến thế.
Bà lấy chiếc mâm có phủ khăn đỏ trang trọng và bảo tôi bê đỡ. Khi pho tượng Thích Ca to cỡ bắp tay được hạ xuống mâm, tôi đã vô cùng sửng sốt bởi không thể ngờ “ngài” nặng đến vậy. Chiếc mâm nhôm vốn cứng cáp là thế mà bị “ngài” đè võng xuống. Pho A Di Đà cũng thế, tuy rỗng phần đế mà nhấc trĩu tay.
Nghe nhiều về huyền thoại đồng đen nhưng thú thực, chúng tôi cũng như rất nhiều người, chưa một lần được tận thấy thứ kim loại được liệt vào danh sách vô cùng quý hiếm đó. Bà Điếm cũng vậy, bà không thể nhận dạng đồng đen bởi bà cũng chỉ nghe thứ mà người người suy tôn là báu vật vô giá này qua… giai thoại.
Bởi thế, khi vô tình phát hiện những pho tượng này, thấy trọng lượng các “ngài” không tương ứng, nặng hơn hình dạng rất nhiều, thêm nữa, các “ngài” ngủ trong đất từ đời nảo đời nào mà không hề hoen ố, bề ngoài vẫn đen thẫm, bóng loáng như hàng ngày vẫn được cọ lau nên bà đã nghĩ, hẳn các “ngài” được làm từ thứ vật liệu gì đó rất tốt. Khi đưa các “ngài” về, cánh buôn đồ cổ đã lũ lượt tìm đến gạ gẫm bà chuyện bán chác.
(Còn nữa)
Theo Tuệ Linh - Phước Long
Danviet.vn