Câu chuyện về cậu bé Đỗ Văn Bình, làm cả thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức xôn xao cả chục ngày nay. Người ta truyền tai nhau, cái thằng bé Bình vốn ngoan ngoãn, chăm học, vừa thi hai trường ĐH Công Nghiệp và CĐ Y Hà Nội đang chờ kết quả bỗng trở nên thay đổi lạ thường. Bình không chịu ăn uống gì chỉ liên tục “nốc rượu”, hai mắt gằn lên những tia lửa đỏ rực, luôn miệng quát tháo những người trong nhà. Người làng rì rầm kháo nhau, ấy là nó bị “vong” nhập.
Đỗ Văn Bình trong phút "tỉnh táo" kể lại chuyện bị vong nhập
Câu chuyện khó tin này bắt nguồn từ việc đi tìm mộ liệt sĩ của gia đình bà Đỗ Thị Tơ, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Bà Tơ là em gái của liệt sĩ Đỗ Văn Vi, nhập ngũ năm 1947, đến năm 1948 thì bị giặc Pháp bắt và giết chết.
Anh bà, ông Vi, ngày nhập ngũ tuổi vừa đôi mươi, vợ ông còn chưa kịp sinh cho ông một đứa con thì đã nghe tin dữ. Sau khi ông Vi hy sinh, bà ấy cũng bỏ xứ đi nơi khác. Nghĩ anh mình bạc phận, không có con cái, lại hy sinh đau đớn nên dù 60 năm trôi qua, nhưng bà Tơ và cả gia đình vẫn luôn canh cánh, day dứt vì chưa tìm được hài cốt của ông Vi về thờ cúng.
Nghĩ vậy, cuối tháng 7 vừa rồi bà tập hợp tất cả anh em con cháu trong nhà đến cậy nhờ bà Hương, vốn “nổi danh” là người được “ăn lộc trời” có khả năng gọi hồn.
Đặt lễ xong, như nhiều gia đình khác, các thành viên trong đoàn của bà Tơ được hướng dẫn xếp hàng ngay ngắn, khoanh chân bắt khuyết ngồi thiền, chờ “vong” nhập. Ngồi gật gù mãi thì “vong” cũng về.
Thấy Bình, cháu gọi “vong” bằng ông họ cứ liên tục lắc lư đầu, bà Hương vội vàng đến bên cạnh, chắp hai tay miệng liên hồi: “Nhập sâu vào, sâu nữa vào. Cố gắng lên, đồng chí cố gắng lên”. “Quay quay” một lúc, Bình bỗng bật dậy, hai mắt đỏ ngầu, khi thì quát tháo ầm ĩ, khi thì lại ôm mặt nức nở.
Theo lời kể của gia đình bà Tơ, trong khi “mượn xác” Bình, liệt sĩ Vi đã kể lại việc bị giặc Pháp giết và địa điểm chính xác nơi bị chúng vứt xác. Theo đó, liệt sĩ Vi bị chúng mổ bụng, chặt chân chặt tay rồi ném xác xuống dòng sông Đáy. “Vong” còn chỉ rõ, xương ở phía cong của khúc sông. Ngay sát có cái cống hình vòm.
“Ông còn dặn, ở đây không có cầu qua lại, nên khi đến mượn thuyền của người dân quanh làng. Ông chỉ những ai, người đó sẽ ngụp xuống nước để tìm hài cốt. Ông còn dặn thêm, ngoài ông còn có 3 bộ hài cốt của các liệt sĩ khác”, ông Đỗ Văn Thủy, cháu gọi bằng chú ruột của liệt sĩ Vi kể lại.
Theo như mô tả, gia đình bà Tơ xác định nơi có bộ hài cốt liệt sĩ Vi nằm ở nhánh sông Đáy, thuộc khu vực Bãi nổi, thôn My Dương, xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội, cách nhà bà Tơ khoảng 15 km.
Vùng quê náo loạn về việc tìm mộ
Tìm được vị trí như lời chỉ vẽ của “vong”, ngày 6-8, khoảng 1 tuần sau khi Bình bị "vong" nhập, cả gia đình bà Tơ, lập đàn thờ cúng tại khúc sông để tìm hài cốt. Ngay lập tức, câu chuyện đã khiến cả làng My Dương xôn xao.
Thuyền bè đã được chuẩn bị sẵn cho việc lặn xuống sông tìm hài cốt
Rất nhiều người dân đã có mặt tại khu vực bãi nổi để theo dõi việc "áp vong" bàn tán xôn xao làm náo động cả một khúc sông
Hàng trăm dân làng, từ người già trẻ con, đến thanh niên trai tráng, thậm chí lắm người còn bỏ cả việc đồng áng để kéo đến khu vực Bãi nổi, túc trực theo dõi thực hư. Người chỉ trỏ bàn tán, người ồ lên sợ sệt, người thì lắc đầu quả quyết không tin, làm xôn xao cả một khúc sông.
4, 5 chiếc thuyền cùng đồ lặn đã được chuẩn bị sẵn. Người nhà bà Tơ cũng nhờ một số người dân quanh làng trợ giúp. Sẵn sàng khi nào “vong lệnh” thì nhảy xuống sông tìm hài cốt.
Gia đình bà Tơ gồm hơn 30 người ngồi bắt chéo chân chờ “vong” nhập. Hơn một tiếng đồng hồ sau, Bình lại lắc lư đầu liên hồi khiến tất cả con cháu bà Tơ quỳ mọp miệng lẩm bẩm cầu khấn. Thế nhưng, “vong lên” chỉ quát tháo, chứ nhất định không chịu cho con cháu lặn xuống tìm hài cốt. Uống rượu chán, vong lại “đi ra” khiến Bình lả đi vì mệt.
Trời oi bức không một gợn gió, người chen chen chúc chúc mồ hôi ướt nhèm nhẹp khiến không khí càng trở nên ngột ngạt mà "vong" nhất định không nhập vào ai. Mặc cho bà Hương, người "ăn lộc" thánh ngồi bên cạnh liên tục van nài: "Xin ông, ông chỉ cho con cháu chỗ có hài cốt, để con cháu được gần gũi hương khói cho ông".
Lập đàn thờ cúng từ 1 giờ chiều mãi đến 5 giờ vẫn chưa có kết quả gì. Nhiều người trong đoàn nhà bà Tơ cũng đã tỏ ra đuối sức, dần mất kiên nhẫn. Những người dân xúm đông xúm đỏ bên căn lều dựng lên để thờ cúng cũng bắt đầu bàn tán râm ran, nhiều ban đầu hoảng sợ, giờ cũng chậc lưỡi tỏ vẻ bán tín bán nghi.
Đến khoảng hơn 6 giờ, không hiểu vì thương con cháu hay gia đình vượt mấy chục cây số lặn lội đến đây 2, 3 lần nên quyết tìm cho kỳ được mà "vong" lại nhập vào Bình. Lần này, "vong" không la mắng hay vò đầu bứt tai mà "vong" chỉ tay vào từng người, cho phép xuống tìm hài cốt.
Ngay lập tức, 7 người trong gia đình cùng một số người dân hỗ trợ đã nhảy tùm xuống con sông sâu. Chỉ vài phút sau, một vài người đã hô lên, cho là tìm được những mảnh xương vụn. Nhìn những "mảnh xương" đã bị đổi màu, không ai dám chắc đó có thực sự là hài cốt của liệt sĩ mà gia đình dồn công sức bấy nay để tìm kiếm hay không.
Nhìn khúc sông mênh mang nước, sâu đến 3 – 4m chuyện lặn xuống tìm hài cốt thật khó tin. Ngay như anh Nguyễn Văn Thanh, người dân làng My Dương, người được nhờ trợ giúp cho gia đình bà Tơ cũng lắc đầu: “Tôi làm nghề đánh cá cả chục năm ở khúc sông này rồi. Bản thân tôi cũng không tin chuyện “áp vong”, nhưng vẫn nhận lời giúp gia đình. Nếu may mắn tìm được thì tốt, nếu không bất quá cũng gắng lấy ít đất lên coi như hài cốt ngâm lâu dưới nước đã bị mục. Làm thế, cốt để gia đình an lòng".Theo Bác sĩ Dư Quang Châu, nhà cảm xạ học hàng đầu Việt Nam, những người đi tìm mộ đều mang tâm lý phức tạp đó đến các “trung tâm áp vong”. Lúc nhắm mắt ngồi thiền, trong khung cảnh đặc biệt, trong đầu họ gọi tên liệt sĩ, rồi mọi người xung quanh cũng gọi liệt sĩ, họ sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Trạng thái đó có nhiều kiểu, có thể là rơi vào vô thức, thôi miên, hoặc bị ám thị, cũng có thể bộc phát thành tâm thần, hoang tưởng. Khi ở trạng thái này, với các bác sĩ chuyên khoa, thì đích thị là bị tâm thần.
Tuy nhiên, bác sĩ Châu cho biết, cũng có những hiện tượng rất lạ, người được “áp vong” không phải rơi vào trạng thái thôi miên, ám thị hay vô thức, mà họ thực sự như người khác hoàn toàn. Dù không có trình độ gì, song tự dưng họ nói được tiếng nước ngoài, viết được chữ nước ngoài, hoặc nói năng khác hẳn, như một người có trình độ rất cao. Nhưng những hiện tượng này là hãn hữu, chiếm phần trăm cực nhỏ. Và hiện tượng này cũng chỉ nên được coi là khả năng tiềm ẩn, đặc biệt của con người, chứ không nên đổ cho ma quỷ, thần thánh, rồi lạc vào trận đồ của mê tín dị đoan.
Theo 24h.com.vn