Xôn xao chuyện heo đẻ ra người ở An Giang

vytran |

Nhiều người dân ở An Giang đang xôn xao về câu chuyện “heo đẻ ra người” nhưng sự thật đây chỉ là một tin đồn bịa đặt, vô căn cứ.

Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn mạng có dẫn câu chuyện kể về một du khách ở Gò Quao, Kiên Giang tới núi Sam, thị xã Châu Đốc thì thấy cảnh heo đẻ ra tám đứa bé nên dùng điện thoại chụp lại.

Bức ảnh được minh chứng cho chuyện “heo đẻ ra người” (Nguồn: blog.yume.vn)

Tin đồn này còn được minh chứng bởi một bức ảnh và lan truyền đến chóng mặt trên mạng internet cũng như trong dư luận ở thị xã Châu Đốc. Kèm theo nó là một câu chuyện đầy tính liêu trai mà nhiều người dân đã truyền tai nhau: “Một bà vợ ở Châu Đốc thấy con heo cắn ổ đẻ mà chờ không thấy đẻ thế là bà đi ngủ. Hôm sau dậy thấy cảnh 8 đứa con nít bu vào con heo, bà vợ sợ quá ngất xỉu. Ông chồng cũng xuống và gặp thấy cảnh này cũng xỉu luôn. Còn 2 đứa con thấy ba mẹ xỉu, nhìn vào chuồng heo thấy cảnh này cũng sợ hãi và tri hô. Hàng xóm đến xem, công an đến khám nghiệm và bắt đưa đi hết. Đó là câu chuyện có thật tại An Giang”.

Sau câu chuyện giật gân này, nhiều du khách tin lời đồn đã kéo tới núi Sam để tìm xem chuyện lạ. Không ít người dân nghe chuyện cũng vô cùng hoang mang.

Tuy nhiên, trước những tin đồn này, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng công an thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết trên báo Thanh niên, tin "heo đẻ ra người" ở Châu Đốc là nhảm nhí. Theo ông Minh, hiện cơ quan chức năng đã tuyên truyền để người dân hiểu đó là tin bịa đặt.

Và đây là bức ảnh gốc của hội bảo trợ trẻ em Concordia, Philippines (Nguồn: Hội bảo trợ trẻ em Concordia)

Thực chất, bức ảnh minh chứng cho "heo đẻ ra người" này đã được dùng điện thoại để chụp lại từ một bức ảnh gốc khác. Sau đó, người chụp đã làm cho mờ và nhòe ảnh để thu hút những người hiếu kì truy cập vào trang web, hay diễn đàn của họ. Bức ảnh gốc này là một bức ảnh nằm trong seri hình ảnh nhằm vận động hỗ trợ trẻ em bị bỏ rơi của hội bảo trợ trẻ em Concordia, Philippines. Nếu nhìn kĩ ở dưới góc ảnh, người xem sẽ phát hiện dòng chữ chính là thông điệp: “If you don't help feed them, who will? Please call Concordia children”s services at (02) 713-3462” của bức ảnh này.

Một kẻ ác ý nào đó đã sao chép bức ảnh gốc này bằng điện thoại sau đó tung tin đồn nhảm trên làm mất trật tự ở vùng đất Châu Đốc (An Giang).

Theo VietNamNet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại