"Xin lỗi mẹ, con sinh ra là một thằng gay"

N.Huệ - Thiên Di |

(Soha.vn) - Khi biết con mình là người đồng tính, chị Phương đã sợ hãi rất nhiều. Nhưng sự trải lòng của đứa con trai duy nhất đã giúp chị hiểu và dang tay ôm cộng đồng LGBT.

Con xin lỗi mẹ

Đọc hết lá thư dài 4 trang A4 của đứa con trai duy nhất khi nhận mình là người đồng tính, trong đó xác nhận rất nhiều “Con là Gay” và thường trực một câu “Con xin lỗi mẹ”, đã giúp chị Phương (Thành phố Hồ Chí Minh) cảm giác có lỗi với con mình nhiều.

“Tôi có thể thay đổi được suy nghĩ của mình, qua hành động tôi đã bắt đầu thông cảm và yêu thương con như trước kia”, chị Phương tâm sự.

Chị trải lòng về hành trình để có thể vượt qua được những nỗi sợ hãi của bản thân và chấp nhận sự thật về giới tính của đứa con trai duy nhất.

Phải mất 5 năm để chị Phương hiểu được con mình. Cũng như bất kì người mẹ nào khi biết được con là người đồng tính, chị Phương cũng đã từng hoảng sợ, đau buồn, bế tắc. Và chị sợ cả những định kiến xã hội khi gia đình mình có một đứa con là người đồng tính.

Họ là những bà mẹ vĩ đại khi chấp nhận giới tính của con mình và tham gia rất nhiều hoạt động để ủng hộ cho cộng đồng LGBT. Rất nhiều người của cộng động này muốn ôm các bà mẹ ấy

Họ là những bà mẹ vĩ đại khi chấp nhận giới tính của con mình và tham gia rất nhiều hoạt động để ủng hộ cho cộng đồng LGBT. 

Từ nỗi sợ đó, chị Phương và gia đình yêu cầu con hãy sống theo đúng những gì mình đang có, hãy sống đúng là một thằng con trai mà không được có mối quan hệ tình cảm nào với bạn trai.

“Tôi đưa con đi tư vấn rất nhiều, tới hầu hết các phòng tư vấn tâm lý ở TP. HCM. Câu trả lời của các chuyên gia thì luôn luôn: “Nó chỉ là một thằng con trai bình thường”. Sau khi tư vấn thất bại tôi quay ra chữa bệnh cho con bằng cách là cho uống nước táo mèo”, chị Phương trải lòng.

Sau khi nhẹ nhàng với con nhưng không mang lại hiệu quả, chị bắt đầu cấm vận và cô lập con mình.

“Nhưng tất cả mọi biện pháp đều thất bại. Cho tới một ngày tôi viết cho con trai một lá thư. Trong đó tôi cũng có nói rất nhiều về tình thương yêu của mẹ và niềm hi vọng nó là đứa con trai duy nhất. Rồi cả câu chuyện nó là cháu đích tôn với mục đích để nó suy nghĩ. Khi tôi viết ra điều đó có thể là những nhát cắt rất sâu trong tâm trí của mình. Nhưng tôi buồn lòng vì tôi nghĩ, mình phải sửa đổi cho con bằng tất cả biện pháp”, nghẹn ngào, chị Phương kể  lại câu chuyện của quá khứ.

Thư đi, một tuần sau chị mới nhận được thư hồi âm của con trai.

Cho tới giờ này khi nhắc lại lá thư đó, chị Phương không thể ngăn được cảm xúc của mình. Lá thư rất dài nhưng chị nhớ như in những chi tiết con chia sẻ với nội dung: "Con xin lỗi mẹ vì con biết con đã làm khổ mẹ rất nhiều. Nhưng con xin lỗi mẹ, con không thể nào làm khác hơn được. Con phải sống đúng với con người thật của con. Con sinh ra là một thằng Gay. Con là một đứa hồ đồ, bất hiếu. Con đã làm cho bố mẹ đau khổ. Nhưng mẹ ơi, con không thể làm khác con người con được.

Tại sao người ta có thể rẽ phải mà con không thể rẽ trái được. Con xin mẹ hãy hiểu và chấp nhận cho con. Con đã hận con người của con rất nhiều. Tại sao con lại có mặt trên đời này để con làm khổ mẹ nhiều. Nếu mẹ không chấp nhận sự thật về con thì xin mẹ hãy cho con một con đường. Con sẽ đi xa. Đối với con đó là hình phạt mà con phải đón nhận khi con sinh ra là một đứa Gay”.

“Đọc hết lá thư tôi có cảm giác tôi có lỗi với con mình nhiều. Bao nhiêu năm nay tôi đã đổ hết những tội lỗi và sai trái cho con. Tôi hiểu được rằng con tôi không phải là đứa hư hỏng. Chính vì tôi đã sinh ra nó trên đời này nên giờ đây con tôi phải đứng trước trường hợp khó xử như vậy”, câu chuyện của chị Phương bị ngắt quãng bởi những tiếng nấc nghẹn ngào. Và cũng từ đó, hai mẹ con có thể nói chuyện được với nhau, chị đã hiểu và thông cảm với con.

Con không lấy chồng thì sẽ lấy vợ

Câu chuyện của chị Mai lại không mất công, mất sức nhiều. Chị không có những trăn trở cũng như chuyện hai mẹ con đối đầu, canh chừng hay xa lánh nhau.

Lúc mới sinh, Lan - con gái của chị có gương mặt đẹp như thiên thần và rất dễ thương. 5 tuổi, Lan còn mặc váy. Nhưng từ 5 - 9 tuổi việc mặc váy với Lan là không còn hứng thú nữa. Lúc này, Lan tranh thủ mặc quần đùi, áo phông và chơi tất cả các trò chơi của con trai như bắn súng, đá bóng…

“Tôi cũng cảm thấy bình thường vì có lẽ nó bắt chước các anh trong nhà”, chị Mai tâm sự.

Từ 10 – 15 tuổi, Lan vẫn còn mặc áo dài. Nhưng tới năm cấp 3 thì việc mặc áo dài với Lan như một “cực hình”. Bị thầy hiệu trưởng bác bỏ đề nghị miễn mặc áo dài khi tới trường với mình nên suốt 3 năm cấp 3, Lan vẫn phải mặc áo dài. Lên đại học, cứ những hôm phải mặc áo dài, Lan lại trốn học.

Một lá cờ LGBT cũng sẽ được xếp bằng những dải màu xe đạp, cùng với sự xuất hiện của lá cờ cầu vồng khổng lồ lớn nhất Việt Nam với chiều dài 20m thể hiện tinh thần và sự lớn mạnh của cộng đồng LGBT Việt Nam trong những năm qua.

Một lá cờ LGBT cũng sẽ được xếp bằng những dải màu xe đạp, cùng với sự xuất hiện của lá cờ cầu vồng khổng lồ lớn nhất Việt Nam với chiều dài 20m thể hiện tinh thần và sự lớn mạnh của cộng đồng LGBT Việt Nam trong những năm qua.

Về phía bản thân chị Mai, lúc nào rảnh nhất, tiện nhất, chị lại tìm những thông tin về hiện tượng của con gái mình.

“Tôi đã đọc được ở nước ngoài những thông tin là nam nhưng mà cách thể hiện là nữ và ngược lại. Sau khi tôi tìm hiểu thông tin thì thấy chuyện ấy rất bình thường. Chỉ là nó không cảm được với một người khác giới với nó. Hoặc là nó không thích ăn mặc theo đúng giới tính của mình. Đó cũng là điều tự nhiên. Trời sinh thế nào thì để như thế đó. Tôi chỉ sợ một điều là con tôi không chấp nhận được bản thân mình thì sẽ dằn vặt, tự ti. Đó mới là điều khiến tôi trăn trở về con”, chị Mai bộc bạch.

Sau khi Lan nói chuyện và thừa nhận với mẹ mình “không cảm thằng con trai nào, con yêu bạn gái. Mẹ đừng suy sụp về con”, thì chị đã thở phào nhẹ nhõm khi thấy con mình rất tự tin với những gì nó đang có.

"Có người bảo tôi làm như thế là đang làm hư con và sẽ khiến con tôi không lấy được chồng. Tôi có nói với mọi người rằng, nó không lấy chồng thì nó lấy vợ. Khi nói ra nhiều người không hiểu và nghĩ tôi là người thiệt thòi. Nhưng tôi rất muốn họ hiểu, con họ do chính họ sinh ra. Đó là sản phẩm của họ và được thượng đế ban tặng. Chúng ta hãy cứ vui vẻ nhận và coi mình có đứa con đặc biệt hơn người khác. Như vậy chúng ta sẽ vui vẻ", chị Mai cười vui.

Khi nhắc lại chuyện này, tất cả những bà mẹ như chị Phương, chị Mai đều nghẹn ngào. Nhưng đó là chuyện quá khứ, còn bây giờ các chị đã cười nhiều hơn là khóc.

"Chúng tôi hi vọng, xã hội Việt Nam ngày càng có nhiều người từ lúc chống đối không hiểu cộng đồng của những người đồng tính, song tính, chuyển giới sẽ hiểu hơn về họ và sẽ dang tay ôm cộng đồng ấy vào lòng", chị Phương trải lòng.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại