Xế hộp "so găng"
Siêu xe là thứ tài sản di động có thể giúp giới đại gia khuếch trương sự giàu có của mình một cách rộng rãi nhất. Vì vậy, thú chơi xe sang được rất nhiều “nhà giàu” khắp Á, Âu ưa chuộng một thời.
Những chiếc siêu xe của Cường đô la được Autoguide chú ý.
Người Việt Nam được biết đến trào lưu “chơi xe” này từ đại gia Nguyễn Quốc Cường với biệt danh Cường đô la. Xét về khả năng săn xe và hầu baođầu tưcho những chiến mã thuộc hạng đình đám trên thế giới, Cường đô la cũng đủ làm giới mê xe Việt được "mát mặt". Trong tay của vị thiếu gia xuất thân phố núi này là một loạt những tên tuổi như Lamborghini Gallardo SE, Lamborghini Gallardo, Ferrari 360 Spider, Ferrari F430, Ferrari F430 Spider... Thậm chí, đại thiếu gia tuổi Tuất còn không nhớ nổi mình có chính xác là bao nhiêu chiếc xe.
Ngoài việc tậu xe đẹp, Cường đô la cũng rất quan tâm đến việc gắn biển đẹp cho siêu xe. Khi chiếc Ferrari 430 Spider xuất hiện trên đường phố Sài Gòn, ai ai cũng phải trầm trồ ngạc nhiên vì siêu xe mui trần tuyệt đẹp này lại có "hộ khẩu" Gia Lai và mang biển 81K 6789 - vừa là số tiến, vừa có nghĩa "san bằng tất cả". Những biển xe tứ quý 6 và 8 cũng lần lượt được gán cho nhiều chiếc xe Cường yêu thích, như Rolls-Royce Phantom, Bentley Flying...
Ở nước ngoài, những siêu xe kể trên đều thuộc hàng đắt đỏ, nhưng hãy lưu ý tới hàng rào thuế suất tại Việt Nam. Khi đó, người ta mới có thể thấy hết độ "chịu chơi" của nhân vật nổi tiếng này.
Chính vì thế mà Autoguide.com, một chuyên trang về xe hơi của Mỹ phải viết bài ca ngợi khả năng chơi xe của đại gia Việt này, đã so sánh bộ sưu tập xe của công tử phố núi với một thiếu gia người Arab, 21 tuổi - đang sở hữu bộ sưu tập 30 siêu xe, trong đó có 5 Ferraris, 5 chiếc Porsche, 3 Lamborghini, 2 Rolls-Royces và một chiếc Mercedes McLaren...
Dhiaa Al-ESSA bên siêu xe của mình.
Không dừng ở đó, Dhiaa khẳng định rằng vào sinh nhật thứ 22 của mình, anh sẽ làm cho bộ sưu tập tăng lên gấp đôi. Trước mắt, thiếu gia này sẽ có một chiếc Agera Koenigsegg và một chiếc Bugatti Veyron làm quà sinh nhật.
Ngoài ra, để khẳng địnhđẳng cấpcủa mình, Dhiaa còn mua tất cả những biển số “070” để gắn lên những chiếc xe của mình. Riêng việc gắn biển số cho mỗi chiếc xe mới đã tốn gần 154.000 USD.Tỏ ra không thua kém thiếu gia Arab Dhiaa Al-ESSA, Hoàng tộc Al-Khalifa ở Bahrain cũng có những tên tuổi đình đám như: Bugatti Veyron 16.4 phiên bản đặc biệt được sản xuất giới hạn, Lamborghini Reventon, Mercedes-Benz SLR McLaren hay Bentley Continental GT. Ngoài ra, còn có những model đời mới như: Ferrari 599 GTO, Ferrari 458 Italia, hay những model cũ hơn một chút như Porsche Carrera GT và Saleen S7. Tất cả được đánh giá hội tụ đủ yếu tố hiếm - độc - đắt, gồm từ xe nguyên bản đến hàng “độ”.
Du thuyền "đọ dáng"
Tuy nhiên, cái thời khoe của bằng xế hộp giờ dường như cũng không còn “mốt” bằng một thứ xa xỉ hơn - du thuyền. Không giống như siêu xe mất giá ngay từ khi lăn bánh ra khỏi xưởng, du thuyền là một động sản có giá trị lớn ít lo bị mất giá theo thời cuộc. Vì vậy, ngày càng nhiều đại gia cả Tây lẫn Ta đều chuộng thứ “đồ chơi” này.
King Yatch là du thuyền “đình đám” nhất Việt Nam.Tại Việt Nam, một trong những du thuyền gây chú ý nhất hiện nay là của ông Bùi Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Nha Trang, với King Yatch trị giá 20 tỷ đồng.
Đây là chiếc du thuyền có vỏ làm bằng composite lớn nhất Việt Nam, do Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thuỷ thiết kế và đóng; có chiều dài 28m, rộng 7,5m, cao 10m, vận tốc đạt 12 hải lý một giờ, sức đẩy máy chính 430 HP (máy của hãng Cumi, Mỹ) theo tiêu chuẩn tàu biển hạn chế 3.
King Yatch được thiết kế theo tiêu chuẩn bốn sao với hệ thống nhà hàng, bar, phòng massage, phòng tắm nắng, phòng ngủ đầy đủ trang thiết bị cao cấp. Tầng dưới của tàu là nhà hàng với sức chứa 120 khách. Tổng giá trị con tàu lên đến 10 tỷ đồng (cả nội thất), trong đó chi phí đóng toàn bộ con tàu khoảng 7 tỷ đồng.
Một chiếc du thuyền khác được nhiều người biết đến là Sunseeker. Sunseeker phổ biến rộng rãi không hẳn do thương hiệu nổi tiếng mà do gắn liền tên tuổi với diễn viên điện ảnh Diễm My.
Ông Hồ Tôn Đức, chồng Diễm My đã mua du thuyền giá hai triệu USD, vừa phục vụ kinh doanh du lịch vừa là phương tiện đểgia đìnhđi lại.
Danh sách những du thuyền hạng sang của Việt Nam còn được nối dài với hai du thuyền của Tổng giám đốc Công ty CP Kềm Nghĩa Nguyễn Minh Tuấn với giá sau thuế khoảng 300.000 USD mỗi chiếc. Chiếc thứ nhất dài 12m chỉ có một phòng, nhưng boong rộng hơn. Chiếc còn lại dài hơn 10m, có hai phòng rộng và khu vui chơi trên boong...
Cả hai chiếc đều có thiết kế theo chuẩn chung của nhà sản xuất và được sơn màu trắng. Tuy nhiên, ông Tuấn không quên thể hiện phong cách của mình khi đặt chỉnh sửa một chút nội thất bên trong.
Octopus hiện là siêu du thuyền được cả thế giới ngưỡng mộ
Vì là lĩnh vực mới và cũng khá xa xỉ hơn xế hộp nên so với các đại gia “tây”, du thuyền của “nhà giàu” Việt Nam chỉ có thể đọ dáng mà không thể đọ chất. Siêu du thuyền được cả thế giới ngưỡng mộ hiện nay mang tên Octopus và thuộc sở hữu của người đồng sáng lập Microsoft Paul Allen; có chiều dài 137m và được trang bị hai máy bay trực thăng, hai tàu ngầm, một bể bơi, một studio nhạc và một sân bóng rổ.
Octopus vận hành với chi phí nhiên liệu tiết kiệm nhất, song với giá khoảng 4,5 USD cho 3,8 lít, mỗi lần đổ đẩy nhiên liệu... ngốn khoảng…một triệu USD.
Để sở hữu chiếc du thuyền này, Allen phải móc hầu bao khoảng 200 triệu USD. Thủy thủ đoàn gồm 60 người, với tổng số tiền phải trả cho công việc bảo dưỡng, vận hành và lương thủy thủ đoàn lên đến 20 triệu USD một năm.
Trước khi Octopus lên ngôi, chiếc du thuyền Eclipse của tỷ phú người Nga Abramovich cũng một thời làm mưa làm gió. Eclipse “ngốn” của tỷ phú này tới 300 triệu USD.
Eclipse có hai sân đậu trực thăng, 11 phòng dành cho khách, hai bể bơi, một phòng nhảy và cả một hệ thống phòng thủ tên lửa. Không những thế, vị tỷ phú nổi tiếng còn cẩn thận trang bị hệ thống chống paparazi, có khả năng dùng tia laser để phát hiện các loại camera và máy ảnh quanh khu vực.
Ít nổi danh hơn Eclipse là chiếc Maltese Falcon, dài 88m. Chuyên gia đầu tư mạo hiểm Tom Perkins đã chi hơn 100 triệu USD để đặt hãng Perini Navi ở Italy đóng con tàu này, với nội thất sang trọng hơn cả một khách sạn 5 sao, có phòng ăn lớn chẳng kém bất cứ nhà hàng thượng hạng nào, phòng tắm lát đá cẩm thạch, gỗ ốp tường, tivi màn hình phẳng cỡ lớn, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và các thiết bị thể thao dưới nước.
Phi cơ khó sánh
Chán ngao du với những siêu du thuyền, giới đại gia trong nước cũng như thế giới quay sang vung tiền sắm những “khách sạn bay” làm của riêng.
Người “khai sáng” cho trào lưu này ở Việt Nam là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. "Bầu" Đức cho biết, tổng số tiền mà ông phải bỏ cho vụ mua bán này vào khoảng 7 triệu USD, trong đó giá trị thật của máy bay là 5,1 triệu USD. Số còn lại là chi phí môi giới, đào tạo phi công, bến bãi...
Ông Đức bỏ ra 7 triệu USD để sở hữu phi cơ riêng.
Chiếc Beechcraft King Air 350 của ông Đức là thế hệ máy bay mới kế tiếp King Air 350, với khả năng bay lượn trên cả tuyệt vời. Có thể xem đây là một loại máy bay VIP hiện đại đáp ứng mọi mong muốn của các đại gia thế giới hiện nay.
Không kém cạnh, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát và ông chủ của Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển cũng chi vài triệu USD để sở hữu phi cơ riêng. Tuy nhiên, những chiếc phi cơ vài triệu USD của đại gia thực sự khó có thể sánh được với những “khách sạn” trên không của các tỷ phú hàng đầu thế giới.
Cung điện bay” của hoàng tử Arab.
“Đình đám” nhất trong bộ sưu tập phi cơ của các đại gia thế giới là chiếc Airbus A380, siêu máy bay được ví như một “khách sạn bay 5 sao” của tỷ phú Abramovich, với những trang thiết bị hiện đại nhất và có giá bán khoảng 300 triệu USD. Đây là loại máy bay dân dụng lớn nhất và hiện đại nhất thế giới hiện nay, có hai tầng, với chiều dài tới 73m và có khả năng chở được 840 hành khách.
Theo gót tỷ phú người Nga, Hoàng tử Arab Saudi Alwaleed Bin Talal Alsaud cũng không ngần ngại vung ra 220 triệu USD để tậu về chiếc Boeing 747-400 và thuê kiến trúc sư thiết kế thành một cung điện đầy xa hoa, mang đậm phong cách hoàng cung Arab.
Mới đây, giới truyền thông tiết lộ loạt ảnh hiếm hoi về chiếc phi cơ xa xỉ này. Trong phòng khách đặt một chiếc ghế mô phỏng theo ngai vàng của nhà vua và được dát vàng, phòng ăn có sức chứa tới 14 người, hai phòng ngủ được trang bị chăn đệm cũng quý tộc không kém.
Để tránh gặp phải những trục trặc dù chỉ là nhỏ nhất, trong các chuyến bay, hoàng tử Alwaleed luôn yêu cầu một nhân viên kỹ thuật cao cấp chuyên phụ trách sửa chữa và đảm bảo an ninh đi cùng.
Cũng chuộng dòng Boeing và “tôn sùng” vàng như hoàng tử Arab, tỷ phú Mỹ Donald Trumps không tiếc số tiền hơn 100 triệu USD chi cho chiếc Boeing 757 của mình. Với nội thất vô cùng sang trọng, phi cơ của Donald Trump được ví như một biệt thự sang trọng gắn thêm cánh...
Theo Đất Việt