Xe tăng giá, Sở GTVT không biết: Quan liêu, yếu kém hay còn lý do khác?

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Ngày 30/1, lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp vận tải không được tăng giá bán vé vào dịp Tết. Tuy nhiên, điều đáng nói là yêu cầu của Sở GTVT Hà Nội chỉ được đưa ra sau khi các doanh nghiệp vận tải đã đồng loạt tăng giá vé trước đó cả tháng trời.

Sở GTVT TP Hà Nội không biết về giá vé xe đã tăng?

Liên quan đến việc giá vé xe dịp Tết, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội đã có yêu cầu các vận tải không được lợi dụng Tết để tăng giá.

Theo ông Linh, để hỗ trợ người nghèo và công nhân các khu công nghiệp về quê ăn Tết, Sở đã bố trí 10 xe khách miễn phí cho hoạt động này. Hiện đã có 5 xe được công nhân về các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đăng ký, 5 xe còn lại đang tiếp nhận các yêu cầu của người nghèo.

Một tháng trước, các doanh nghiệp vận tải đã làm mẫu kê khai việc tăng giá vé gửi cho các cơ quan chức năng, trong đó có cả Sở GTVT TP Hà Nội, lẽ nào PGĐ Sở GTVT TP Hà Nội lại không biết?
Một tháng trước, các doanh nghiệp vận tải đã làm mẫu kê khai việc tăng giá vé gửi cho các cơ quan chức năng, trong đó có cả Sở GTVT TP Hà Nội, lẽ nào PGĐ Sở GTVT TP Hà Nội lại không biết?

Cũng theo ông Linh, để phòng tránh tai nạn, đặc biệt với các tuyến đường dài, xe khách thường phải chạy đêm, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các bến xe, đặc biệt các bến có các tuyến chạy từ Hà Tĩnh trở vào phải có 2 lái xe. Nếu doanh nghiệp vận tải nào không đáp ứng được yêu cầu này, cương quyết không cho xuất bến.

Về việc xử lý xe khách vi phạm, ông Linh cho rằng, nếu CSGT xử lý và gửi văn bản đến Sở GTVT thì lập tức xe đó sẽ bị cắt lốt vĩnh viễn,…

Những yêu cầu trên của đại diện lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội đưa ra đúng vào những ngày này được cho là động thái tích cực để kiểm soát việc tăng giá vé xe vào dịp Tết – điều mà “cứ hẹn lại đến” của các doanh nghiệp vận tải.

Tuy nhiên, chỉ khi yêu cầu của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội được đưa ra thì dư luận mới “ngã ngửa” ra rằng giá vé xe đã bị các doanh nghiệp vận tải “đội” lên từ trước đó hàng tháng trời (!)

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc BQL Bến xe phía Nam (bến xe có quy mô và lưu lượng hành khách lớn nhất Hà Nội) cho biết, thực tế thì các doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu tăng giá vé bắt đầu từ dịp Tết dương lịch (1/1/2013).

Về quy trình tăng giá vé của các doanh nghiệp vận tải tại Bến xe phía Nam, ông Thành khẳng định: “Các doanh nghiệp vận tải trước khi tăng giá vé họ đã làm đúng theo quy định. Cụ thể là họ đã làm đúng với các điều khoản quy định trong Thông tư liên tịch số 129 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ GTVT hướng dẫn về việc tăng giá cước vận tải”.

“Trước khi tăng giá cước, các doanh nghiệp cũng đã gửi các bản kê khai, làm gì có chuyện Sở GTVT TP Hà Nội không biết, là đơn vị tiếp nhận thì họ phải biết rõ về việc này chứ”, ông Thành nói.

Giá vé đã tăng trước hàng tháng trời

Về việc tăng giá vé của các doanh nghiệp vận tải ở Bến xe phía Nam, ông Nguyễn Tất Thành cho biết: “Thực ra việc quyết định tăng giá vé là do phía các đơn vị vận tải và công ty vận tải đề xuất, làm mẫu kê khai trình lên cơ quan chức năng, chứ BQL Bến chỉ quản lý về mặt đậu đỗ, đảm bảo an ninh trật tự. Việc bán vé thì BQL Bến cũng chỉ là người bán thuê cho các doanh nghiệp vận tải mà thôi”.

Ông Thành cũng cho biết là đã nhận được bản kế hoạch đầy đủ về lộ trình tăng giá vé xe của các doanh nghiệp vận tải trước và sau Tết Nguyên Đán.

Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe phía Nam (Hà Nội): “Trước khi tăng giá cước, các doanh nghiệp cũng đã gửi các bản kê khai, làm gì có chuyện Sở GTVT TP Hà Nội không biết, là đơn vị tiếp nhận thì họ phải biết rõ về việc này chứ”.
Ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe phía Nam (Hà Nội): “Trước khi tăng giá cước, các doanh nghiệp cũng đã gửi các bản kê khai, làm gì có chuyện Sở GTVT TP Hà Nội không biết, là đơn vị tiếp nhận thì họ phải biết rõ về việc này chứ”.

“Kế hoạch cụ thể của việc tăng giá vé dịp Tết đã được các doanh nghiệp vận tải gửi lên cho BQL Bến. Cụ thể sẽ tăng trước và sau Tết 10 – 15 ngày. Đối với các tuyến như Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình,… giá vé đã tăng từ ngày 1/1 với mức từ 20 – 30%; còn đối với các tuyến phía Nam như Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ,… thì giá vé sẽ tăng thêm 60%, bắt đầu từ ngày 13/2 đến 1/3/2013”, ông Thành cho biết.

Qua tìm hiểu được biết, tại Bến xe phía Nam, giá bán vé của một số doanh nghiệp vận tải đã tăng lên, từ 80.000 đồng lên 120.000 đồng (đối với tuyến Hà Nội – Thanh Hóa), từ 60 – 75.000 đồng lên 90 – 115.000 đồng (tuyến Hà Nội – Ninh Bình),…

Ngoài ra, dù theo kế hoạch là sau Tết nhưng từ nhiều ngày qua, một số doanh nghiệp vận tải có xe chạy tuyến Hà Nội và các tỉnh phía Nam cũng đã lần lượt tăng giá bán vé như tuyến Hà Nội – Đà Nẵng tăng từ 380.000 đồng lên 570.000 đồng, tuyến Hà Nội – Buôn Mê Thuột tăng từ 730.000 đồng lên 1.170.000 đồng,…

Trước thực trạng trên, nhiều hành khách đi xe chỉ còn biết thở dài ngao ngán. Họ bị đẩy vào cái thế đường cùng: giá vé “cắt cổ” nhưng vẫn không thể không mua bởi tâm lý chung rằng tàu xe ngày Tết, đông và đắt cũng đành chịu, miễn sao về được quê ăn Tết…

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mới xảy ra tình trạng này, mà dường như đã thành thông lệ: cứ cuối năm thì các doanh nghiệp vận tải lại “thoải mái chặt chém” khách. Thậm chí một số chủ xe còn không ngần ngại cho biết chỉ cần làm mấy ngày giáp Tết bằng làm cả nửa năm!

Việc các doanh nghiệp vận tải tự ý nâng giá bán vé và bán vé không đúng với lộ trình kế hoạch như trên, ai sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát và xử lý việc này? Câu trả lời xin được dành cho các cơ quan chức năng, mà trước hết là Bộ Tài chính và Bộ GTVT.

Thông tư Liên tịch 129 còn nhiều kẽ hở

Theo Thông tư liên tịch số 129 ban hành năm 2010 giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính, doanh nghiệp vận tải được tăng giá cước sau khi đã kê khai với Sở tài chính và Sở GTVT. 

Sau 3 ngày, cơ quan chức năng không có phản hồi thì DN được quyền áp dụng giá cước mới. Tuy nhiên, thông tư cũng không nêu rõ doanh nghiệp vận tải được tăng đối đa bao nhiêu phần trăm so với giá vé hiện tại và tăng vào khi nào,... 

Nhiều ý kiến cho rằng, chính những quy định “nhập nhằng”, không rõ ràng trong Thông tư 129 đã tạo ra “kẽ hở” để các doanh nghiệp vận tải “lách luật”, tự ý tăng giá vé để “chặt chém” khách.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại