Trong buổi trao đổi với báo chí chiều ngày 12/11, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cho rằng: "Người đi xe ô tô hoặc mô tô của gia đình, xe mượn, xe hợp đồng thì không bị xử phạt theo Nghị định 71. Để rõ hơn về vấn đề này, Tổng cục đã có Công điện số 141 gửi Giám đốc Công an các địa phương chỉ đạo lực lượng CSGT khi kiểm tra phát hiện trường hợp mua bán xe quá 30 ngày mà chưa làm thủ tục sang tên sẽ bị xử phạt."
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội.
"Trong những ngày đầu ra quân thực hiện theo nghị định, lực lượng CSGT cũng chỉ mới nhắc nhở nhân dân đi đăng ký, làm thủ tục sang tên đổi chủ chứ chưa xử phạt. Đến hôm nay thì chưa có trường hợp nào bị phạt theo nghị định ban hành.
Hiện nay, vấn đề xử phạt hành vi không chuyển nhượng theo đúng quy định ở thế giới đã làm từ lâu, nhưng ở Việt Nam nay mới siết chặt.
Việc làm này, một là tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước. Xe chính chủ khi vi phạm có hình ảnh ghi lại, thì lực lượng chức năng có thể xác định và xử phạt được ngay. Nhiều vụ án hình sự điều tra mất rất nhiều công sức do không phải xe chính chủ. Hai nữa là nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện nộp phí trước bạ, đảm bảo cho lợi ích của công dân. Những trường hợp giao phương tiện cho người khác, hay cho người khác mượn xe thì người đó phải có trách nhiệm đối với phương tiện của mình.
Trong thông tư 36 ngày 12-10-2010 quy định về đăng ký xe có quy định cụ thể việc đăng ký mới, việc sang tên đổi chủ, giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong việc sang tên đổi chủ. Trong khoản 3 điều 20 quy định người chủ cuối cùng bán thì phải đứng ra làm thủ tục sang tên, đủ giấy tờ thì được giải quyết. Không phải hiện nay mà các thông tư 01, 06, 215 đã nêu rõ. Cho nên việc sang tên đổi chủ cũng không có gì khó khăn." Thiếu tướng Nghị khẳng định.
Thực hiện nghị định 71 nhằm tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước và có lợi cho người dân.
Cũng theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, hiện nay vấn đề phí trước bạ quá cao là nguyên nhân khiến nhiều người không đi sang tên, đổi chủ. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này Bộ Công an đang nghiên cứu, xem xét đề nghị mức phí thấp nhất để người dân thực hiện việc sang tên đổi chủ. Nhà nước cũng thu được lệ phí trước bạ. Như vậy vừa đảm bảo lợi ích của dân, vừa lợi ích của nhà nước.
“Tôi tin rằng không có gì vướng mắc cả. Chủ trương của Chính phủ cũng vì lợi ích của nhân dân, và quản lý của Nhà nước. Do vậy, đề nghị nhân dân đồng tỉnh, ủng hộ các cơ quan chức năng”. Thiếu tướng Nghị chia sẻ.
Tại cuộc trao đổi với báo chí, nhiều ý kiến cho rằng, theo như mức áp dụng phạt hiện nay thì đang quá cao có thể xảy ra tình trạng “tiêu cực”. Theo Thiếu tướng Nghị: “Pháp luật để răn đe, không nên đặt vấn đề gây khó khăn để cho tham nhũng gia tăng. Bộ Công an cũng đã tổ chức tập huấn cho các lực lượng trong việc xử phạt, nhắc nhở người tham gia giao thông. Còn người dân, nếu sợ bị xử phạt cao như vậy thì phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đi sang tên đổi chủ trong thời gian sớm nhất.
Đến thời điểm hiện tại, để xác định phương tiện ngoài đường có chính chủ hay không rất khó và không tạo được sự đồng thuận. Do vậy, trước mắt chúng tôi quy định xử lý vi phạm giao thông ngoài đường nếu người dân khai là xe mượn, thuê thì không xử phạt. Còn khi đã đưa về trụ sở Công an, phát hiện ra sẽ xử lý nghiêm khắc”.
Để kiểm soát phương tiện chưa sang tên đổi chủ, theo Thiếu tướng Nghị có thể thông qua việc tuần tra kiểm soát, giải quyết các vụ TNGT, án hình sự, việc đăng ký xe…
Còn việc người dân không tự ý đến đăng ký, sang tên đổi chủ, Bộ Công an đã có một dự án về chương trình đăng ký cấp biển số phương tiện được phê duyệt đầu năm nay. Sau khi có cơ sở dữ liệu về đăng ký biển số xe, việc theo dõi sang tên đổi chủ của các phương tiện sẽ dễ dàng hơn.