Câu chuyện về sang tên đổi chủ đối với phương tiện xe máy, ô tô được siết chặt theo tinh thần của Nghị định 71 ít nhiều không chỉ khiến hàng nghìn người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Vì thế, hàng triệu xe vĩnh viễn không thể sang tên đổi chủ ,trong đó, không ít người mang quốc tịch nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam không biết làm sao có thể sở hữu một chiếc xe chính chủ?
Bởi trước kia, những người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, khi muốn mua xe máy phải cần nhiều giấy tờ liên quan mà họ không đủ điều kiện hoặc vướng mắc một số thủ tục cần thiết để đăng ký xe chính chủ. Vì vậy, họ phải nhờ những người thân, bạn bè là người Việt Nam đứng tên giúp chiếc xe có biển số Việt Nam. Hay họ nhờ chính nhân viên của đại lý, công ty bán xe máy đứng tên hộ để đăng ký xe ở công an.
Nhưng khi Nghị định 71 đi vào cuộc sống, nhiều khách nước ngoài cũng không khỏi lo lắng vì chiếc xe mình điều khiển trên đường khi gặp CSGT “bắt lỗi” chưa sang tên đổi chủ.
Chị Hoàng Thị Thủy, nhân viên bán hàng của Công ty TNHH VAC (đơn vị ủy quyền của Honda) cho biết, trước đây, công ty cũng đứng tên cho nhiều vị khách nước ngoài đa số là người Hàn Quốc đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhưng họ thiếu một số giấy tờ cần thiết để đăng ký xe nên nhân viên công ty đứng tên thay cho họ.
“Mấy ngày hôm nay cũng có khách hàng là người nước ngoài đến hỏi một số thủ tục về quy định sang tên đổi chủ với chiếc xe họ nhờ nhân viên công ty đứng tên giúp. Chúng tôi đã giải thích cho họ họ hiểu về quy định này và hướng dẫn họ đến cơ quan công an để làm thủ tục. Tuy nhiên, đa phần họ không đủ điều kiện chính chủ xe” – chị Thủy cho hay.
Theo tìm hiểu của PV, nhiều đại lý bán xe máy mới giảm sút sức mua vì đa số người không có hộ khẩu Hà Nội. Những người đến mua xe đa số là sinh viên, còn những người ngoại tỉnh không dám mua xe. Một phần chi phí rút hồ sơ cao, phần nữa những người ngoại tỉnh phải mất thêm thời gian và các chi phí “rải đường” đi lại từ nơi khác đến Hà Nội làm thủ tục chuyển đổi. Một số người nước ngoài cũng tạm dừng việc mua xe tại Việt Nam như theo tinh thần Nghị định 71.
“Một số người nước ngoài đặt mua hàng của chúng tôi rồi họ cũng hủy hợp đồng, rút hồ sơ vì nghe thấy thông tin xe phải đăng ký chính chủ. Những người đã mua xe ở đây rồi, chúng tôi hướng dẫn họ mang các giấy tờ liên quan như: hộ chiếu, hợp đồng lao động dài hạn tại Việt Nam, đăng ký tạm trú tạm vắng, hoặc giấy phép kinh doanh của công ty họ… đến Phòng CSGT sở tại làm thủ tục sang tên đổi chủ. Tuy nhiên, việc giải quyết với những người nước ngoài là khó vì họ thường không đủ các loại giấy tờ này” – anh Lê Đức Hải, quản lý của Công ty TNHH TM&DV tổng hợp Việt Nhật cho biết.
Trao đổi với PV về việc này, Trung tá Đinh Văn Hòa, Đội phó Đội Đăng ký xe, cho biết: “Theo quy định hướng dẫn tại Thông tư 36 thì việc đưa về chính chủ là trách nhiệm của mọi người vì đã mua xe phải sang tên đổi chủ không quá 30 ngày. Đây là quy định không mới mà chỉ là việc làm có tính chặt chẽ hơn phục vụ cho việc quản lý hành chính, xử lý các vi phạm, thậm chí, việc phát hiện ra tội phạm, đảm bảo ANTT của Nhà nước. Còn việc nhờ đăng ký xe trong nghị định, thông tư không nêu và cũng không phải chức năng của CSGT”.
Cũng theo Trung tá Hòa, Thông tư 36 hướng dẫn, đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã mua xe và lưu hành tại Việt Nam thì cần phải có các thủ tục như: Thẻ tạm trú tạm vắng dài hạn (từ 1 năm trở lên), sổ hộ chiếu (còn hạn sử dụng) hoặc các giấy tờ khác thay hộ chiếu và giấy phép lao động theo quy định nộp giới thiệu của tổ chức, cơ quan Việt Nam có thẩm quyền.