"Xe chính chủ": Giấy cho mượn xe viết tay không có giá trị pháp lý

daquynh |

Có lẽ cần có một khoảng thời gian để người dân hoàn thiện toàn bộ thủ tục sau đó mới xử phạt.

Xung quanh vấn đề sang tên đổi chủ theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Bách – chủ tịch Hội đồng thành viên công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự.
PV: Thưa luật sư, theo ông Cục trưởng Cục CSGT để tránh phạt, người dân khi cho mượn xe phải viết giấy cho mượn (viết tay). Trên góc độ luật pháp, nếu tôi cho mượn mà không viết giấy cho mượn thì có vi phạm luật không thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Đương nhiên khi pháp luật đã quy định phải có giấy cho mượn mà không có thì sẽ là vi phạm.
Tuy nhiên, khi áp dụng luật cũng cần phải giải thích cho người dân hiểu về các quy định và còn phải hướng dẫn cho người dân để người dân hiểu chứ không nên cứng nhắc xử phạt.
"Xe chính chủ": Giấy cho mượn xe viết tay không có giá trị pháp lý 1
Luật sư Nguyễn Hồng Bách
PV: Mặt khác, để tránh bị CA xử lý, thay vì chuyển quyền sở hữu, chủ xe viết một giấy cho mượn và toàn quyền sử dụng thì có hợp lệ không? Việc viết giấy cho mượn và toàn quyền sử dụng xe có nên bắt buộc công chứng của địa phương để xác minh tính chính xác hơn không. Bởi lẽ nếu viết giấy cho mượn mà không có công chứng thì người sở hữu dễ dàng “lách luật”?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Trong trường hợp này cần phải có công chứng hoặc chứng thực của UBND đối với giấy cho mượn hoặc giấy ủy quyền thì mới có giá trị pháp lý bởi vì nếu chỉ là giấy viết tay không thì người xử phạt hoặc kiểm tra sẽ không có gì làm căn cứ xác thực đáng tin cậy để chứng minh được người mượn và người cho mượn xe.
Nếu có chứng thực hoặc công chứng thì bản thân người xử lý sẽ có căn cứ để tin tưởng rằng đây là một giao dịch đã được xác nhận bởi một cơ quan có thẩm quyền.
PV: Theo luật sư thì việc người ngoại tỉnh không có hộ khẩu HN muốn đăng ký xe chính chủ thì làm thế nào?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Việc đăng ký xe phải theo quy định của pháp luật và được pháp luật hướng dẫn rất cụ thể.
Có lẽ mỗi chúng ta cũng cần phải làm quen với chính phần trách nhiệm của mình đó là cần phải tìm hiểu, biết được các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, một trong những quy định đó là khi điều khiển phương tiện giao thông thì cần có những giấy tờ gì?
Một trong những giấy tờ đó chính là đăng ký xe và đăng ký xe thì do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người, pháp nhân nơi người đó có hộ khẩu thường trú hoặc pháp nhân đặt địa chỉ trụ sở tại đó.
PV: Việc Công an Hà Nội chọn thời điểm hiện nay để thực thi việc xử phạt đối với những xe không chủ có hợp lý không? Bởi từ trước tới nay việc mua xe không sang tên đổi chủ vẫn xảy ra.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Việc sang tên đổi chủ không phải bây giờ luật mới quy định mà chúng ta đã quy định, tuy nhiên người dân có nhiều người chưa thực hiện và chúng ta thường đơn giản hóa vấn đề nên không sang tên đổi chủ.
Tôi thiết nghĩ việc quy định bắt buộc như thế là hợp lý bởi về lâu dài sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho chính người dân và cho nhà nước cũng như cho các đơn vị quản lý.
Tuy nhiên, ban đầu người dân chưa biết và để khắc phục những vấn đề đang tồn tại là người dân đã mua bán, chuyển nhượng nhiều thì chúng ta cần hướng dẫn, giải thích và tuyên truyền pháp luật chứ chưa nên xử phạt ngay.
Cần phải có một khoảng thời gian cho người dân thực hiện thì sẽ phù hợp hơn và như thế mới không gặp phản ứng của người dân và được người dân ủng hộ
PV: Hiện nay, việc sang tên đổi chủ đang là một vấn đề nóng, nhiều người cho rằng việc siết chặt luật là có lợi ích. Tuy nhiên, dùng luật mới để xử luật cũ thì không hợp lý. Luật sư nghĩ thế nào về ý kiến này?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Quy định là đúng, áp dụng là đúng bởi vì nó có nhiều lợi ích, lợi ích đầu tiên chính là lợi ích của chủ sở hữu. Tại sao chúng ta bỏ tiền ra mua tài sản mà lại không sang tên tài sản đứng tên chính chúng ta để khẳng định quyền sở hữu mà lại vẫn để tên của người khác? Chưa kể nếu có vấn đề gì xảy ra thì rất lôi thôi, rắc rồi. Do đó, chúng ta quy định là vì lợi ích đầu tiên của chủ sở hữu.
Sau đó là lợi ích của nhà nước vì nhà nước sẽ có nguồn thu thuế, tiếp đến là những đơn vị quản lý hành chính nhà nước sẽ dễ bề quản lý hơn và khi có sự kiện pháp lý xảy ra chúng ta có thể thực hiện thủ tục xác minh nhanh hơn và tránh trường hợp mất thời gian xác minh của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý mà nhà nước cần làm đó là đưa ra khung phí sang tên sao cho hợp lý để người dân có thể chấp nhận được. Nếu chúng ta đánh thuế cao quá sẽ gây khó khăn cho người dân và vì tâm lý hoặc một thực tế tốn kém sẽ làm cho người dân không có điều kiện để đi làm thủ tục sang tên nên có thể họ sẽ không đi sang tên mà tìm cách lách luật bằng mọi thứ khác. Như thế thì mục tiêu của biện pháp không đạt được.
PV: Có một số ý kiến cho rằng, chỉ nên áp dụng cho những xe đăng ký sau ngày 10/11/2012. Ngoài ra, phải có một chiến dịch rộng rãi cho việc đăng ký xe chính chủ với những thủ tục đơn giản và mức phí hợp lý. Luật sư có đồng tình với ý kiến này không?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Tôi cho rằng cần phải áp dụng tất cả đối với tất cả mọi người nhưng tôi cũng đồng ý rằng cần phải có sự tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi và đặc biệt là cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân để họ hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật.
Chúng ta không nên đè người dân để phạt, những trường hợp họ không thể tìm được chủ cũ để xin xác nhận hoặc thực hiện thủ tục sang tên thì cần phải linh động cho hợp thức hóa thì vấn đề mới được thực hiện triệt để.
Đặc biệt là cần phải quy định một mức xử phạt hợp lý với các xe đã tồn tại đang lưu thông mà không tìm được chủ cũ để sang tên, hoặc chúng ta cũng có thể xác minh nguồn gốc bằng việc đăng tin công khai về xe chuẩn bị sang tên để cho mọi người đều biết, sau một thời gian hợp lý nếu không có khiếu kiện, khiếu nại gì thì cho phép sang tên.
PV: Luật sư nghĩ như thế nào về việc Công an Hà Nội thực hiện việc phạt tiền đối với những xe không chính chủ?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Thời điểm hiện tại nếu phạt có thể gây phản ứng, phản cảm và không được sự đồng tình ủng hộ. Do đó có lẽ cần có một khoảng thời gian để người dân hoàn thiện toàn bộ thủ tục sau đó mới xử phạt.
Bởi vì khi luật có hiệu lực áp dụng rồi chúng ta mới tuyên truyền là muộn. Lẽ ra phải có cả một khoảng thời gian trước đó tuyên truyền cho người dân để người dân hoàn thiện thủ tục và khi có hiệu lực thi hành thì họ không vi phạm.
PV: Luật sư có giải pháp gì để khuyến khích người dân thực hiện việc chuyển quyền sở hữu?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Có lẽ biện pháp tốt nhất là chúng ta nên thực hiện đúng quy định của pháp luật, tránh trường hợp lách luật để đỡ phiền phức. Đồng thời cũng còn tùy thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh của từng người và từng loại phương tiện sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, một biện pháp an toàn và khả thi nhất đó là cần giải quyết mọi việc triệt để một lần để tránh phiền phức sau này. Do đó, chúng ta cần phải bỏ một khoản thời gian để hoàn thiện dù có hơi phiền phức.
Xin cảm ơn luật sư!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại