"Xe chính chủ": Dân chơi xế cổ "sốt sình sịch"

quoclong |

Nghị định 71 không chỉ khiến người dân nghèo bất an mà dân chơi xe cổ cũng như đang ngồi trên đống lửa.

"Nhờ tới cò chạy giấy ủy quyền"
Thông tin này khiến những người chơi xe cổ thực sự “hốt hoảng” vì nhiều người gần như không thể đăng ký sang tên được do xe đã qua đến gần chục đời chủ.
Anh Huỳnh Thiên, thành viên trong câu lạc bộ Vespa cổ TP.HCM cho biết, sau khi áp dụng luật này rất nhiều người bạn của anh đã bị cảnh sát giao thông hỏi thăm giấy tờ, thậm chí có nhiều người bị giữ xe.
Anh rất lo lắng điều đó sẽ tiếp tục xảy ra với mình bởi hai chiếc xe Vespa cổ anh đang sở hữu được mua từ năm 1970 cho đến nay vẫn chưa sang tên đổi chủ. Bởi anh cho biết chúng được mua qua rất nhiều đời, người chủ đầu tiên cũng không còn.
"Xe chính chủ": Dân chơi xế cổ "sốt sình sịch" 1
Hàng trăm Vespa cổ có nguy cơ bị đắp chiếu?
"Lần lại người bán xe cho mình rồi lần đi tới người đã bán cho người đó, lần tới lần lui đến người thứ 3, thứ 4 bắt đầu mất manh mối. Rất vô vọng trong chuyện này.
Anh em trong hội cũng đã họp với nhau và đi đến cơ quan có thẩm quyền xin ý kiến của họ về cách giải quyết, nhưng họ nói rằng phải làm một số giấy tờ pháp lý và bắt buộc phải có nguồn gốc rõ ràng ai đã bán. Nhưng khi đi lên phòng thuế thì họ lại không được chấp thuận cái đó nên anh em trong hội rất hoang mang" - Anh Thiên bức xúc.
Cũng rơi vào hoàn cảnh phương tiện không thể sang tên như anh Thiên, anh Lê Việt một thành viên khác của câu lạc bộ Vespa cổ tại TP.HCM ngậm ngùi cho biết, nếu chạy trên đường bị phạt thì vẫn phải chấp nhận nhưng anh cố gắng tránh CSGT.
"Hiện tôi đang sở hữu khoảng 7 chiếc Vespa cổ chưa sang tên đổi chủ. Nếu giờ sang tên lệ phí của thủ tục này rất cao không đủ khả năng chi trả nên bây giờ để có giấy tờ hợp lệ chúng tôi đã phải nhờ đến cò.
Chỉ cần 1,5 - 2 triệu đồng chúng tôi đã có một chiếc giấy tờ hợp lệ. Cò sẽ "chạy" cho mình một cái giấy ủy quyền, nhượng xe. Họ làm hết cho mình, làm sao xe mình trở thành xe chính chủ.
Thủ tục này không những rườm rà, bất tiện mà còn tạo điều kiện "đục nước béo cò" nhưng mình cũng đành chấp nhận vì họ đã quy định rồi mình cũng không biết phải làm sao". Anh Việt nói.
"Xe chính chủ": Dân chơi xế cổ "sốt sình sịch" 2
Các thành viên trong câu lạc bộ xe Jeep cổ đang rất khó khăn trong việc sang tên đổi chủ vì mỗi chiếc xe họ mua lại đều qua rất nhiều đời chủ.
“Nếu bị phạt tôi cho giữ giấy tờ rồi tôi chạy”
Những thành viên trong câu lạc bộ xe Jeep cổ Hà Nội cũng méo mặt khi niềm đam mê của họ nằm trong diện này.
Theo như bác Đỗ Tuấn Đạt (Cựu chiến binh, tổ 38 phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, để có một chiếc xe ưng ý bác phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc.
"Tôi mua chiếc xe Jeep này được 9 năm nhưng chưa sang tên đổi chủ với giá 127 triệu, chỉ có xe không về phải trang bị thêm khoảng hơn 60 triệu nữa. Gần 200 triệu đâu ít giờ lại thêm khoản phí này nữa rồi sắp tới phí vào nội đô nữa, đủ các kiểu.
Thủ tục sang tên đổi chủ rườm rà lắm. Đơn giản nhất xe của tôi mua như vậy, khi đi đăng kiểm thì họ bảo dài hơn mấy phân, bắt tôi lên kiểm định lại trên Bắc Giang nơi tôi mua xe, đo lại cho chính xác. Tôi đăng kiểm ở Hà Nội 6 – 7 năm nay không sao nhưng đợt vừa rồi đi đăng kiểm lại đẻ ra chuyện đó. Buộc lòng phải lên trên đấy, rồi các ông ấy hoạnh họe đủ các kiểu.
Mình cũng chấp hành theo các ý kiến của người ta thôi còn bây giờ nói thực lòng nếu mà phạt thì tôi không nộp, tôi cho giữ giấy tờ và tôi cứ chạy. Tôi đi tìm liệt sĩ đi vào rừng sâu núi thẳm mà bảo tôi chở bằng xe con thì không chở được rồi.
Đưa Nghị định này ra chỉ để làm điều kiện đẻ thêm nhiều tham nhũng. Bây giờ muốn giải quyết cho mình đi được thì mình phải đút lót cho người ta. Đút lót cho người ta thì mang thêm tội hối lộ, tự nhiên nó đẻ thêm tiêu cực nhiều.
Có những người vừa mua xe xong, người ta kinh doanh bất động sản, vay lãi ngân hàng người ta phải bán xe đi, đã phải bỏ xe đi để bán thì ai là người phải sang tên đổi chủ cho nhau, hoặc điều kiện khó khăn, người ta chỉ mua chiếc xe 2 – 3 triệu ở chợ trời thôi, mà nếu bị phạt từ 1 – 10 triệu đồng thì người ta bỏ xe luôn. Và biết đâu rằng các ông ấy lại lấy xe đó đấu giá bán cho đồng nát? Đằng nào cũng chết." Bác Đạt gay gắt.
Cùng với đó bác Đạt cũng kiến nghị phải giảm mức phí và cho thêm thời gian để các thành viên trong câu lạc bộ xe cổ sang tên đổi chủ, chuyển nhượng.
Đồng quan điểm này, bác Nguyễn Anh Tuấn (Định Công, Hà Nội), một thành viên khác câu lạc bộ xe Jeep Hà Nội kiến nghị quy chế chỉ nên áp dụng cho những dòng xe mới và những phương tiện dùng để làm ăn, buôn bán, kinh doanh. Còn những dòng xe cũ như của bác chỉ mang tính chất xe kỷ niệm chiến trường, chỉ giữ làm kỷ niệm cho thế hệ sau thì không nên áp dụng.
"Chủ chiếc xe này đã sang tên chính chủ rồi tôi mua lại chính chủ đấy nhưng cũng chưa làm thủ tục sang tên tôi được vì hoàn cảnh kinh tế lúc đó không có. Thứ hai nữa là đây nó chỉ mang tính chất đồ cổ, đồ kỷ niệm chiến trường, có kinh doanh buôn bán gì đâu, chỉ chơi tí thôi.
Đời sống người dân đã không có cứ nay phạt cái này, mai phạt cái kia. Với người lao động cái xe của người ta chỉ đáng 10 triệu bạc, hơn 10 triệu bạc xe máy Trung Quốc dùng để kiếm sống.
Như tôi phấn đấu cả một đời cho đến cuối cuộc đời mới để dành được đủ tiền mua một chiếc xe mang tính chất kỷ niệm chiến trường.
Với mức phạt từ 6 – 10 triệu đồng ví dụ như lương tôi thì phải mất khoảng hơn 3 tháng lương thì mới có thể nộp phạt được. Cho nên tôi thấy Nghị định này chưa hợp lý". Bác Tuấn Anh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại