Không đáng lo ngại (?!)
Thời gian gần đây, cư dân mạng xôn xao chuyền tay nhau đoạn clip ghi lại hình ảnh chiếc xe buýt số hiệu 01, tuyến Long Biên - Yên Nghĩa, nghiêng hẳn sang một bên như người say rượu, đang lưu thông với tốc độ cao trên đường phố Hà Nội.
Mặc dù chiếc xe được cho là đã bật đèn tín hiệu khẩn cấp và không có hành khách bên trong, nhưng nhiều người đã kịp nhớ lại một trường hợp tương tự cách đó không lâu, cũng là một chiếc xe buýt số hiệu 01.
Tuy nhiên, chiếc xe này vẫn hoạt động bình thường, lèn kín người và tiến hành đón trả khách như không có chuyện gì xảy ra.
Những chiếc xe có tình trạng như vậy từng xuất hiện và đón trả khách bình thường
Vậy hiện tượng xe buýt nghiêng trên vì đâu mà xuất hiện? Và chúng có an toàn cho công việc vận tải hành khách hay không?
Để tìm lời giải cho những câu hỏi này, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc xí nghiệp xe buýt Hà Nội.
Ông Hùng thừa nhận, hình ảnh xe buýt nghiêng đúng là có phản cảm, gây hình ảnh xấu cho các xí nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng chấn an rằng hiện tượng trên không thực sự đáng ngại.
Theo lời vị lãnh đạo xí nghiệp, xe buýt tuyến 01 sử dụng giảm xóc bằng bóng hơi (hình trụ). Đây là hệ thống giảm xóc hiện đại, nhưng đòi hỏi chế độ chăm sóc bảo dưỡng khắt khe.
"Về nguyên tắc, khi có người lên xe thì quả bóng hơi xẹp xuống. Lúc đó thanh cân bằng sẽ nghiêng và tác động vào các van bóng hơi để bóng nào xẹp sẽ được tự động bổ sung thêm hơi, bóng căng được xả bớt hơi. Do đó, xe luôn cân bằng", ông Hùng giải thích.
Vào giờ cao điểm, hành khách lên xe rất đông làm nghiêng những nơi tập trung nhiều người, lúc đó, bóng hơi phải được bơm thêm hơi để nâng lên, tạo cân bằng cho xe.
Nhưng một số lý do kỹ thuật, hơi được bơm vào bóng chậm nên cần nhiều thời gian hơn để hơi cung cấp đủ vào bóng.
Quang cảnh trong một xưởng sửa chữa xe buýt ở Hà Nội
“Phải mất vài phút để xe đạt trạng thái cân bằng, do vậy, có thời điểm xe sẽ bị nghiêng tạm thời lúc khách lên xe. Nhưng đó chỉ là nhìn từ bên ngoài, nếu là hành khách ngồi ở bên trong thì sẽ không cảm nhận được độ nghiêng của thành xe.
Hơn nữa, trong trường hợp xấu nhất, ngay cả khi quả bóng hơi không còn tác dụng đi chăng nữa thì theo thiết kế và cam kết của nhà sản xuất, xe cũng chỉ nghiêng đến độ nhất định chứ không thể lật đổ”, vị phó giám đốc khẳng định.
Việc xe có sự nghiêng, chòng chành nhất định ngay cả khi trên xe không quá đông hành khách và chỉ thường xảy ra trên tuyến 01, 02, ông Hùng cho rằng, đó có thể là số ít những xe sắp đến thời gian bảo dưỡng.
Không thể nói “nghiêng” là an toàn
Theo lái xe H., lái xe tuyến 27 Yên Nghĩa – Nam Thăng Long thì các xe về bến Yên Nghĩa không phải duy nhất chiếc xe này có tình trạng “oặt ẹo” mà có các xe chạy tuyến khác cũng bị như vậy.
Lái xe này nhận định, để xảy ra hiện tượng trên chủ yếu là do hành khách vượt số lượng tiêu chuẩn quá nhiều, người trong xe lại thường có xu hướng đứng gần phía cửa nên khiến xe chạy trong tình trạng nghiêng ngả.
"Rất có thể đây là do bóng hơi quá yếu, người trên xe lại quá nhiều, nếu cứ cố chạy tiếp thì dễ xảy ra nổ bóng hơi. Tuy vẫn có giá đỡ nhưng số lượng khách quá nhiều như vậy thì cũng không đảm bảo được xe có bị lật nếu nố bóng hơi hay không" anh nói thêm.
Một chiếc xe buýt chạy bình thường trên đường
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hưng, cố vấn kỹ thuật công ty Ford Thanh Xuân đưa ra nhận định của mình với tư cách một người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí ô tô.
Ông Hưng cho rằng, tình trạng nghiêng của một chiếc xe thường xảy ra khi tải trọng của hành khách và hàng hóa xếp trên xe không cân, mặt đường bị nghiêng, lốp non hơi, hệ thống treo của xe bị kém hay hệ thống bóng hơi có vấn đề.
Tuy nhiên, những chiếc xe trong các clip hoàn toàn không có hiện tượng non lốp, mặt đường khá phẳng nên độ nghiêng lớn của chiếc xe rõ ràng đến từ các nguyên nhân không bình thường.
"Có thể tạm kết luận rằng chiếc xe buýt này nghiêng vì những lý do kỹ thuật, nhưng lý do đó là gì thì cần phải do kỹ sư của chính xí nghiệp xe buýt này kiểm tra mới có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn", ông Hưng nói.