Trong bối cảnh hệ thống giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn kém phát triển, việc triển khai tuyến đường Hồ Chí Minh qua khu vực này sẽ tạo sự liên thông trên tuyến hành lang phía Tây và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam rộng lớn.
Dự án mang nhiều ý nghĩa
Theo lộ trình, giai đoạn 2 của dự án đường Hồ Chí Minh sẽ nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe từ điểm đầu Pắc Bó - Cao Bằng đến điểm cuối Đất Mũi - Cà Mau vào năm 2020. Vì vậy, việc thi công đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận của Dự án đường Hồ Chí Minh, thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu là một trong số những đoạn cuối cùng được thực hiện để nối thông toàn tuyến, hoàn thành giai đoạn 2 của Dự án.
Theo ông Lâm Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, mục tiêu của Dự án đường Hồ Chí Minh là tạo sự liên thông, khai thác và phát triển vùng đất rộng lớn giàu tiềm năng kinh tế ở phía Tây Tổ quốc và hình thành trục xuyên Việt thứ hai sau QL1 để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông thông suốt Bắc - Trung - Nam, góp phần bảo đảm phòng thủ biên giới, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, Dự án còn bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử của đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, nhằm giáo dục và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước cho con cháu các thế hệ mai sau.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh được khởi công ngày 5/4/2000 tại địa phận Xuân Sơn, tỉnh Quảng Bình. Đến nay, Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và một số đoạn tuyến của giai đoạn 2, với tổng cộng khoảng 2.000 km đường và gần 300 cây cầu các loại.
“Việc đưa vào sử dụng, khai thác đường Hồ Chí Minh bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với cuộc sống của hàng triệu người dân nơi có đường đi qua, đặc biệt là các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây. Tuyến đường này đã rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, miền núi với đồng bằng; Hỗ trợ đắc lực cho QL1 khi giao thông bị ách tắc trong mùa bão lũ; Đảm bảo an ninh quốc phòng; Góp phần thắng lợi vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Tổng Giám đốc Lâm Văn Hoàng nói.
Riêng đối với Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận, thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu, khu vực này hệ thống giao thông, nhất là giao thông đường bộ còn kém phát triển. Điều kiện thời tiết khí hậu, nền đất yếu, không thuận lợi cho công tác thi công.
Tuy nhiên, vì mục tiêu chung đối với sự phát triển của khu vực miền Tây Nam bộ nên Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các cơ quan tham mưu vào cuộc quyết liệt để công trình được chính thức khởi công xây dựng.
Một trong những đoạn tuyến quan trọng cuối cùng
Đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận là một trong những dự án thành phần quan trọng của giai đoạn 2 thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh. Dự án dài khoảng 65,3 km, quy mô bốn làn xe cấp II, bề rộng nền 22,5 m, tổng mức đầu tư khoảng 4.264,959 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành tuyến đường này sẽ nối thông từ QL61 hiện hữu với tuyến QL63 và tuyến hành lang ven biển phía Nam thành hệ thống giao thông liên hoàn của khu vực hai tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, cũng như các tỉnh miền Tây có tuyến đường Hồ Chí Minh; Đồng thời, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.
Trước mắt, căn cứ vào nguồn vốn được bố trí cho Dự án, Bộ GTVT đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 1, dự án thành phần đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Theo đó, Gói thầu số 1 có chiều dài khoảng 10,25 km; giá trị trúng thầu là 121,026 tỷ đồng, bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Điểm đầu của gói thầu: Km 16+750 thuộc địa phận xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Điểm cuối của gói thầu: Km 27+00 thuộc địa phận xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Quy mô đoạn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Thời gian hoàn thành công trình là 17 tháng. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Giao thông Hà Nội và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Đô.
Để dự án hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra, Bộ GTVT đã đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang gấp rút chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai công tác GPMB, sớm giao mặt bằng “sạch” để nhà thầu có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong công tác chỉ đạo, giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc nhằm mục tiêu thi công công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Ngoài ra, trong thời gian tới Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất Bộ GTVT và Chính phủ xem xét cho triển khai trước một số đoạn tuyến cấp bách bằng nguồn vốn dôi dư, tiết kiệm sau khi triển khai các dự án thành phần, trong đó có đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận này để hiện thực hóa việc nối thông con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh sớm hơn so với yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội.