Xăng dầu tăng giá: Uẩn khúc do đâu?

camnhung |

Chuyện tăng giá xăng dầu bấy lâu này đã được ngầm định là hiển nhiên, không thể bàn cãi gì thêm nữa.

Mặc dù Bộ Tài chính đã dẫn ra nhiều lý do "phải tăng giá xăng dầu" nhưng với người tiêu dùng, vẫn còn nhiều uẩn khúc chưa sáng tỏ.

Chuyện tăng giá xăng dầu bấy lâu này đã được ngầm định là hiển nhiên, không thể bàn cãi gì thêm nữa.

Cách đây hơn 1 tháng, sau khi tăng kỷ lục từ 2.110 đồng-3.550 đồng/lít, Bộ Tài chính khẳng định, mức tăng đó mới chỉ bằng 44,6% đến 56,7% mức phải tăng.

Lần này cũng vậy. Bất ngờ tăng kỷ lục không kém, từ 2.000-2.800 đồng/lít. Lãnh đạo Bộ cũng phân trần, giá xăng dầu chỉ tăng bằng 34,7-50,7% mức phải tăng. Chưa kể, so sánh với các nước trong khu vực, giá xăng dầu Việt Nam tăng thế còn thấp.

Hôm 24/2, nếu tính đủ mức phải tăng thì giá xăng A92 sẽ là 22.893 đồng/lít, dầu diesel là 21.010 đồng/lít, dầu hỏa sẽ là 21.792 đồng/lít và dầu madut sẽ là 17.024 đồng/lít.

Trong khi đó, mức giá mới vừa thiết lập là xăng A92 là 21.300 đồng/lít, dầu diesel là 21.100 đồng/lít, dầu hỏa là 20.800 đồng/lít và dầu madut là 16.800 đồng/lít.

Dù không nói thẳng ra bằng lời, bằng văn bản thì các con số trên đã cho thấy một thông điệp rất rõ ràng: giá xăng dầu còn tiếp tục tăng - đây là điều hiển nhiên, là chuyện bình thường và người tiêu dùng phải chấp nhận.

Cũng không khác gì điện, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay không có quyền so sánh và lựa chọn sản phẩm xăng dầu. Cả nước chỉ có một tập đoàn Điện lực Việt Nam chiếm 70% nguồn cung ứng và là nhà bán lẻ điện duy nhất, một tổng công ty Petrolimex chiếm 60% thị phần cung ứng xăng, nhưng 11 doanh nghiệp đầu mối với 10.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng đều chỉ bán một mức giá. Khi tăng là tăng "hội đồng".

Giá xăng dầu tăng là điều hiển nhiên (ảnh Phạm Huyền)

Với đời sống tiêu dùng và hoạt động sản xuất hiện nay, không ai có thể nhịn dùng xăng, dùng điện. Khithị trườngcòn độc quyền như vậy, thì sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng còn dai dẳng tồn tại.

Trong một quan hệ mua - bán không sòng phẳng đó, các thông điệp mà Bộ Tài chính đưa vẫn chưa toàn diện, thiếu thuyết phục.

Những điểm không thuyết phục trong dẫn giải của Bộ Tài chính có thể thấy khá rõ.

Thay vì muốn công khai tất cả để phải rơi vào tình trạng đối chất, các dẫn chứng của Bộ Tài chính đều... có lợi cho nhà quản lý và doanh nghiệp. Lý do giá thế giới tăng cao là đúng, lý giải do giá thấp nên nảy sinh xuất lậu xăng dầu là đúng, giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn giá khu vực cũng là đúng, nhưng nếu thông điệp chỉ dừng lại bấy nhiêu thôi thì chưa đủ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, còn nhiều chuyện chưa rõ ràng, điển hình như ngành xăng dầu đã làm hết sức để giảm giá thành hay chưa? Vì sao các doanh nghiệp luôn kêu lỗ? Bộ Tài chính thay mặt Nhà nước, xã hội, người dân đã kiểm soát các doanh nghiệp chặt chẽ chưa để đảm bảo rằng, giá thành xăng dầu hiện nay là hợp lý và không còn cửa nào để cắt giảm chi phí, chỉ còn con đường tăng giá?

So sánh giá bán lẻ của Việt Nam với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia... thì của ta thấp hơn. Nhưng giá xăng dầu thế giới là giống nhau nên bản chất giá xăng dầu các quốc gia khác nhau, là do các khoản thu vào ngân sách của các Chính phủ là khác nhau.

Nhìn lại bảng giá cơ sở xăng dầu hiện nay, tổng mức các khoản thu cho Nhà nước với giá xăng dầu lên tới 22%? Lạm phát, giá nhiều mặt hàng đã tăng cao, sao vẫn áp dụng trích lập Quỹ bình ổn và không lùi thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt...?

Giá dầu thô thế giới tăng, và còn tiếp tục tăng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được khai thác tài nguyên thô để bán ra nước ngoài. Vậy thì, khoản lợi chênh lệch giá ấy có được tính vào phần Nhà nước sẽ bù giá ra cho người dân khi mua xăng dầu trong nước không, hay chỉ mang đếnlợi nhuậncho doanh nghiệp?

Bên cạnh đó, lý do "vì chống xuất lậu" mà phải tăng giá càng khiến người tiêu dùng thấy khó hiểu. Ít ra, Bộ Tài chính phải làm rõ, tỷ lệ xuất lậu xăng dầu là bao nhiêu phần trăm trên thị trường nội địa? Việc chống buôn lậu không thể coi là chuyện "tất yếu", mà là nhiệm vụ của công an, lực lượng quản lý thị trường. Không thể mang công tác chống buôn lậu ra để tạo thêm một gánh nặng cho giá, và cho người dân.

Xét cho cùng, chống xuất lậu xăng dầu là để tránh thất thoát Ngân sách, tiền của của người dân, nhưng rồi chính việc coi tăng giá là giải pháp chống buôn lậu lại khiến cho, người tiêu dùng rốt cục chịu thiệt thòi.

Lý lẽ tăng giá vì phải theo thị trường cũng không đầy đủ. Mặc dù, Nghị quyết 11 cho phép, giá điện, giá xăng theo thị trường nhưng nếu chỉ tính chuyện "thả giá" theo thị trường, thay vì thiết lập điều kiện tiên quyết hình thành cơ chế thị trường, trước khi thả giá, là phải tạo lập một môi trường có tính cạnh tranh.

Trong giải pháp thực hiện thị trường hóa xăng dầu, chỉ có duy nhất một giải pháp về giá. Và nếu theo đuổi theo hướng này thì giá cả xăng dầu sẽ còn nhảy nhót nhiều lần hơn. Còn nếu kiềm chế giá để kiềm chế lạm phát như năm 2010 trở về trước, thì điều đó chỉ mang đến sự ổn định "ảo" cho kinh tế vĩ mô.

Theo VEF

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại