Xạ thủ kiệt xuất Cơtu với biệt tài bắt hổ, hạ Tây

Hà Kiều |

(Soha.vn) - Chập chững lên 12 tuổi, cậu bé Bh’riu Đồ đã theo cha chinh chiến với hành trang chỉ là chiếc nỏ gỗ do tổ tiên bao đời truyền lại.

Với 5 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng được nhà nước vinh danh, ông là Bh’riu Đồ (56 tuổi, thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã trở thành “xạ thủ kiệt xuất” của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Ngồi nhâm nhi chén rượu thuốc ngâm con rắn độc, ông Bh’riu Đồ vừa kể: “Nỏ gỗ theo người Cơtu lên non vượt rừng băng suối săn thú bắn chim. Rồi ra chiến trường hạ gục biết bao “thằng Tây”, làm nên những kỳ tích. Người Cơ Tu gọi là “Nỏ thần kì” (tiếng Cơtu là chiếc Pa’nanh)."

Những tấm huy chương, bằng khen, chứng nhận luôn được ông Bh'riu Đồ trân trọng.

Ngày trước, người Cơtu ai cũng sợ sệt mỗi khi hổ dữ về quậy phá làng. Hoa màu, gà vịt, đồ đạc đều bị chúng ăn sạch.

Hôm ấy, ông Đồ cùng một số thanh niên trai tráng trong làng đang làm rẫy trên núi cao thì chợt nghe tin con hổ xuống núi quấy phá. Ông vứt bỏ nông cụ, cuống cuồng chạy về nhà lấy nỏ ra trước làng để nghênh chiến với hổ nặng cả tạ, dài gần gấp đôi người thường.

Khi đó, con hổ nhe nanh, rồi xù bộ lông lên dữ tợn. Ông cùng với một số thanh niên cường tráng nhất làng can đảm tiến hành phối hợp bao vây, rồi dùng mũi tên đã tẩm độc Chp’ơơr (loại độc dược chỉ có ở người Cơtu) bắn trúng vai của con hổ.

Con hổ vẫn hung hăng lao thẳng về phía ông. Nhanh như sóc, ông nhảy vọt lên cành cây tìm nơi trú ẩn. Con hỗ vẫn hung bạo đuổi theo. Chờ cho đến khi nó bất cẩn, ông liền tiếp tục bắn phát thứ 2 trúng vào huyệt con hổ khiến nó lăn đùng ra đất rồi chết ngất đi.

Thôn văn hóa Bhơ Hôồng 1 đã sản sinh ra những “xạ thủ kiệt xuất” Cơ Tu.

Chập chững lên 12 tuổi, cậu bé Bh’riu Đồ đã theo cha chinh chiến với hành trang chỉ là chiếc nỏ gỗ do tổ tiên bao đời truyền lại. Thời ấy, súng đạn đối với đồng bào Cơtu còn lạ lẫm. Người Cơtu chỉ biết dùng mũi tên được tẩm độc Chp’ơơr nhưng lại làm kẻ thù sợ khiếp vía.

“Hàng trăm “thằng Tây” đã nằm dưới chân mình và cũng không nhớ là mình đã nã đi bao nhiêu thằng bằng cái nỏ gỗ” - ông Bh’riu Đồ tự hào.

Ông cho biết mũi tên được dân làng Cơtu làm từ thân cây lồ ô, bôi trên mũi tên một loại nhựa cây dại chỉ có ở vùng núi cao phía Tây Quảng Nam. Khi nào cần đến, ông lại băng rừng, trèo đèo lội suối hàng chục cây số lên đó chặt về, rồi vót nhọn để chế tạo nên loại “vũ khí” giết giặc “độc nhất vô nhị” này.

Ông còn nhớ rất rõ những ngày tháng gian khổ mùa xuân năm 1977 tại chiến trường Camphuchia. Trong đoàn quân tình nguyện năm ấy, nhiều chiến sĩ tay vác súng dài, súng ngắn, duy chỉ có ông là mang trên mình chiếc nỏ gỗ sang nước bạn chiến đấu.

Nhắc đến đây ông bật cười: “Khi ra chiến trường, nhiều chiến binh Camphuchia thấy tôi chỉ dùng nỏ gỗ chiến đấu giết giặc rất ngỡ ngàng, không ít người từ hiếu kỳ rồi đến khâm phục cái “vũ khí” bí kíp này của người Cơtu”.

Những tấm bằng khen, huy chương và giấy chứng nhận được treo kín gian nhà của Gươl (nhà gia đình-PV). Hàng trăm bộ xương của những con thú ông săn được xâu thành từng chuỗi giăng kín cả trần nhà từ những voi, heo rừng đến những loài nhanh nhẹn như chim, sơn dương... đều là sự trân trọng của ông với “nghiệp” của cha ông để lại.

Chiến lợi phẩm sau những cuộc đi săn là bộ sưu tập xương thú, chim bồ câu được ông treo kín trên trần nhà.

Ông tự hào vì chiếc nỏ 2 lần được ông mang đi dự thi đã giúp đem về 5 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. “Nếu mai này không có người nối “nghiệp” này thì ông sẽ nhắc nhở con cháu phải biết trân trọng chiếc Pa’nanh của tổ tiên, quý trọng “nó” như là báu vật của gia đình, của làng” – ông Bh’riu Đồ tâm niệm.

Bên cạnh ông Bh’riu Đồ, những tên tuổi như các bậc tiền bối Bh’riu Thiện, Bh’riu Prăm, Bh’riu Cơ’tir,… và hậu bối như Bh’riu Bê, Bh’riu Bút, Bh’riu Thị Đợi (24 tuổi, con gái ông Bh’riu Đồ),… cũng được đồng bào Cơtu xưng tôn là những “xạ thủ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại