WHO điều tra vắc-xin Quinvaxem tại Việt Nam

Ngày 6.5, thông tin từ Bộ Y tế cho biết vẫn chưa quyết định phương án thay thế vắc-xin Quinvaxem “5 trong 1” cho đến khi có kết luận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Sử dụng vắc-xin trong nước sản xuất?

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã đề nghị và WHO đã nhận lời chính thức đến Việt Nam tiến hành điều tra lại tất cả những trường hợp tai biến sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem.

Vì vậy, Bộ Y tế đã quyết định tạm dừng sử dụng vắc-xin này để chờ kết quả điều tra chính thức của WHO, từ đó có các quyết định tiếp theo, trong đó có cả việc sẽ cho tiêm lại vắc-xin Quinvaxem hay ngưng hẳn; sử dụng vắc xin nào thay thế...

WHO điều tra vắc-xin Quinvaxem tại Việt Nam
WHO sẽ đến Việt Nam điều tra lại những trường hợp tai biến sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem - Ảnh: Reuters

Bộ Y tế cho biết, trước mắt để đáp ứng nhu cầu tiêm vắc xin cho trẻ, các phương án được đưa ra là có thể sử dụng vắc-xin trong nước sản xuất “3 trong 1” hoặc nhập vắc xin “5 trong 1” vô bào.

Hiện tại, vắc-xin vô bào “5 trong 1” vẫn được tiêm dịch vụ với giá khoảng 500.000 đồng/liều.

Theo ước tính của Bộ Y tế, nếu Việt Nam nhập vắc-xin vô bào thì mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ phải chi ra 700-800 tỉ đồng cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định thời gian điều tra có thể diễn ra trong một vài tháng sẽ tạo thời gian giãn cách trong việc tiêm vắc-xin nhưng không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch cho trẻ khi trẻ phải tạm ngừng tiêm.

Ngưng vắc-xin không có nghĩa trẻ sẽ bị bệnh ngay

Trước những lo lắng của các phụ huynh có con nhỏ trong tuổi tiêm ngừa liên quan đến việc tạm ngưng tiêm vắc-xin Quinvaxem, tiến sĩ, bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trấn an: “Vắc-xin là thuốc chủng ngừa, có tác dụng lâu dài bảo vệ trẻ trước các mầm bệnh khi chúng xuất hiện. Vì vậy việc ngưng vắc-xin không có nghĩa là trẻ sẽ bị bệnh ngay".

Theo bác sĩ Siêu, tùy vào tình trạng tiêm của mỗi trẻ (đã tiêm bao nhiêu liều, thời gian trễ là bao lâu) mà bác sĩ tiêm phòng sẽ tư vấn và có biện pháp tiêm cho trẻ. Vì vậy, cách tốt nhất là khi tới thời hạn tiêm phòng, phụ huynh cầm sổ theo dõi tiêm phòng của trẻ đến cơ quan y tế mà trẻ được tiêm phòng để bác sĩ tư vấn, quyết định.

WHO điều tra vắc-xin Quinvaxem tại Việt Nam
Việc tiêm ngừa cho trẻ với vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng quốc gia đã được tạm ngưng - Ảnh: Thanh Tùng

"Nếu trẻ không tiêm nhắc lại đủ liều thì đương nhiên sẽ không được bảo vệ trước năm bệnh lý bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não do phế cầu (Hib), viêm gan siêu vi B. Nếu vắc xin trễ khoảng một tháng thì không sao, trẻ vẫn có thể tiêm tiếp. Trong trường hợp vắc xin này bị ngưng khoảng 2-3 tháng thì khi có thể tiêm trở lại, trẻ có thể phải tiêm bù", bác sĩ Siêu nói thêm.

Trước khi vắc-xin “5 trong 1” được áp dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia, trẻ em được tiêm ngừa từng loại vắc-xin gồm: vắc xin “3 trong 1” DPT (bạch hầu, uốn ván, ho gà), vắc-xin ngừa phế cầu viêm màng não (Hib), vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B.

Vì vậy, theo các chuyên gia về y tế dự phòng, chủng ngừa, nếu ngưng vắc-xin Quinvaxem thì có thể trở lại tiêm ngừa riêng từng loại vắc-xin đơn lẻ như trước.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại