Vùng đất cưới nhau từ thuở 13, đàn bà nhậu, đàn ông phải phục vụ

Trong số 54 dân tộc của nước ta hiếm có dân tộc nào lại thích đẻ con gái như người A Rem. Ai sinh được con gái là cả bản mở tiệc ăn mừng.

Thích sinh con gái hơn con trai

Lần đầu đến bản A Rem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có một điều khiến tôi ngạc nhiên là trai gái ở đây hát bằng tiếng Kinh rất hay. Bọn trẻ hát rất tự nhiên giống như các “sao” biểu diễn trên sân khấu vậy. Anh Từ Minh Phương cán bộ Trạm kiểm soát 39 (Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng) nói tiếng A Rem rất thạo. Thấy mấy cậu bé mặt còn “búng ra sữa” đang hát rất hăng say bên bờ rào, anh Phương bảo: “Chúng có người yêu cả rồi đấy”. Nói xong anh quay sang hỏi mấy cậu bé: “Tối nay criu cà ria săn (đi cưa gái) chứ?”. Một cậu bé có nước da đen như cột nhà cháy tên Na nhoẻn miệng cười: “Tối nay nhé”.

Chiều miền sơn cước êm ả như ru. Mặt trời đã dần khuất sau đỉnh núi xa mờ. Ánh trăng thượng tuần đã mọc lên đầu non. Giữ đúng lời hứa, Đinh Na ra tận trạm đón chúng tôi. Năm nay Na mới 13 tuổi. “Những hôm không đi ngủ bọn, cháu ngủ ở nhà với mẹ”, Na bảo. “Sao đi “cưa gái” sớm vậy?”, câu hỏi của tôi khiến Na hơi ngỡ ngàng: “Na có bạn gái rồi. Bố mẹ chuẩn bị bán trâu đi để “bỏ của” đấy”. Na còn kể, nhiều bạn bè của Na đã lấy vợ rồi. Anh Phương đứng cạnh Na gật đầu xác nhận.

Trăng đã lên cao bằng con sào trước đầu bản. Bản A Rem chưa có điện nên những đêm trăng sáng giống như món quà mà ông trời ban tặng cho những thanh niên đi ngủ bọn. Nhiều gia đình đã dụi bếp để đi ngủ. Riêng nhà bà Y Chu luôn mở rộng cửa chào đón mọi người. Từ lâu căn nhà của bà Chu là “công viên” dành cho các đôi trai gái đến tìm hiểu. Khi chúng tôi đến, bà Y Chu đang ngồi nướng sắn: “Nhà miềng vui lắm. Tối nào trai, gái bản cũng kéo đến trật nhà”. Qua lời kể của bà Chu, dân tộc A Rem có phong tục, trai gái đến tuổi cập kê là tự đi tìm hiểu nhau. Chúng kéo đến đây chuyện trò. Đôi nào ưng nhau thì ngủ lại đây luôn.

Vào nhà được một lúc thì bạn gái Na đến. Hai đứa dẫn nhau về phía cuối nhà tâm sự. Khoảng 9 giờ đêm dường như trai, gái ở bản mà chưa chồng chưa vợ đã tụ tập ở nhà bà Chu. Họ hát giao duyên bằng tiếng A Rem. Tối khuya, các đôi trai gái ngủ lại luôn ở nhà bà Chu.

Cứ như thế đêm này qua đêm khác họ tự tìm hiểu nhau. Nếu cô gái nào ưng chàng trai nào đó thì đồng ý để cho chàng trai đến nhà “bỏ của”. Người A Rem không lấy người ngoài dân tộc nên con gái trong bản càng có giá. Theo lý giải của người A rem, con gái được nhận lễ “bỏ của”, được coi là vợ ngọn nên người A Rem thích sinh con gái hơn con trai. Và bao giờ người phụ nữ A Rem cũng có quyền hành hơn đàn ông. Bà Y Chu kể: “Mỗi khi ta cùng các chị em trong bản uống rượu, đàn ông phải ra khỏi nhà. Bọn đàn ông không được uống chung rượu với bọn ta mà phải đi đâu đó. Nếu bọn đàn ông không ra khỏi nhà thì phải phục vụ ta và những chị em khác”.

Lấy vợ từ tuổi 13

Chúng tôi đến thăm nhà anh Đinh Lầu - chủ tịch xã. Sau khi giới thiệu hỏi thăm quê quán, Đinh Lầu cười lớn: “Tao với mày cùng cầm tinh con khỉ”. Vừa cười anh Lầu vừa cầm chai rượu rót đầy 3 chén: “Hôm nay chúng ta phải uống say mới về”. Chưa kịp nhâng chén rượu, tôi thấy một cô bé lúi húi đi từ dưới bếp lên. Trông cô bé còn rất trẻ, tôi buột miệng hỏi: “Con gái chủ tịch à?”. Thay câu trả lời, anh Lầu bắt tôi uống hết chén rượu trên tay. Rồi anh bắt uống thêm một chén nữa: “Chén này phạt mày nói sai, vì tội hỏi nhầm”.

Hoá ra cô bé đó tên Y Trinh là con dâu của anh Lầu. Y Trinh là vợ của Đinh Đa. Hai vợ chồng bằng tuổi nhau. Đôi trẻ vừa “cưới” nhau năm ngoái. Hiện vợ chồng Đa cùng học lớp 9, Trường THCS Tân Trạch. Thực ra vợ chồng Đa đi học cho vui chứ 2 đứa bỏ học suốt. Đa bảo: “Ở nhà với Trinh thích hơn. Học chán lắm!”. Nghe con nói vậy ông cũng chỉ cười trừ: “Nó ưng cái bụng nhau rồi. Miềng không cấm được nó đâu. Giờ mà thằng này để con Trinh dỗi bỏ về nhà mẹ đẻ lại mất khối thứ đấy”. Hoá ra, quyền của phụ nữ nơi đây được coi là thượng tôn. Nếu ông chồng nào không chiều vợ cho chu đáo, cô vợ bỏ về nhà ngoại thì gặp không ít rắc rối. Nhà chồng phải chuẩn bị 3 hũ rượu, 3 con gà trống, 2 triệu đồng qua nhà gái gặp cậu làm lễ xin lại vợ. Cậu đồng ý mới được mang vợ về, nếu để vợ bỏ về lần nữa thì lễ xin vợ tăng lên gấp đôi.

Sang thăm nhà anh Đinh Lèn hàng xóm của ông Lầu, 1 phen nữa, tôi bị bất ngờ. Vừa vào nhà tôi gặp cô bé mặt trẻ măng địu đứa nhỏ. “Đây là em cháu à”? Nghe tôi hỏi vậy, cô bé tên Y Rai nhìn tôi rất đỗi ngạc nhiên: “Con của mẹ cháu đấy”. Y Rai lấy chồng cách đây 2 năm. Mẹ chồng Rai vừa sinh đứa con gái được mấy tháng. Vợ chồng Rai học cùng lớp với với Đinh Đa. Năm nay nương rẫy chưa có người làm nên chồng Y Rai bỏ học rồi. Giờ chỉ còn mình Rai đi học.

Gặp già làng Đinh Đe, mang chuyện này trao đổi với ông, ông chỉ cười: “Cái chuyện này khó nói lắm cán bộ à. Tôi cũng đi ngủ bọn và lấy vợ từ năm 14 tuổi đấy chứ. Thanh niên trong bản cứ theo cái nếp của các cụ thôi.  Phụ nữ người A Rem được toàn quyền quyết định về chuyện hôn nhân. Con gái đến tuổi lấy chồng, con trai phải làm lễ bỏ của theo yêu cầu của nhà gái”. Lễ bỏ của phải có 5 hũ rượu, 10 nén bạc, 2 con gà trống và tiền mặt. Trước đây tiền mặt như vật tượng trưng, nay tiền mặt ít nhất phải 6 triệu đồng.

Già Đinh Đe nói thêm rằng: “Tục bỏ của bên nhà gái do cậu ruột quyết định. Lễ bỏ của do cậu hưởng trọn vẹn, bố mẹ của cô gái không được gì. Cưới xong cô gái đi làm dâu, nếu bên chồng làm việc gì để cô gái bỏ về thì chồng phải chuẩn bị 3 hũ rượu, ba con gà trống, hai triệu đồng qua nhà gái gặp cậu làm lễ xin lại vợ. Cậu đồng ý mới được mang vợ về, nếu để vợ bỏ về lần nữa thì lễ xin vợ tăng lên gấp đôi”.

Cái “lý” cho việc tảo hôn

Có lẽ đến giờ các cán bộ ở phòng tư pháp huyện Bố Trạch vẫn thầm trách những đôi vợ chồng trẻ ở Tân Trạch vì họ mà phòng mất thi đua nhiều năm liền. Thực trạng tảo hôn ở Tân Trạch thì năm nào cũng xảy ra. Tuy nhiên, từ trước đến nay tình trạng đó vẫn diễn ra bình thường. Để ngăn chặn tình trạng này cán bộ, xã, huyện đều vào cuộc. Cụ thể xã cũng đã đi vận động rồi xử phạt hành chính đối với những trường hợp tảo hôn. Còn phòng tư pháp dịch các văn bản liên quan đến vấn đề hôn nhân gia đình để phổ biến đến từng hộ. Vậy mà tình trạng này vẫn không giảm. Anh Từ Minh Phương kể một câu chuyện vui mà ai nghe cũng ngán ngẩm cái “lý” của người A Rem: Thời ông bà chúng cũng lấy nhau rất trẻ. Rồi họ sinh con, đẻ cái, đời nọ nối tiếp đời kia sống theo cái tục lấy vợ sớm có sao đâu. Còn việc đăng ký thích thì đi mà không thích cũng chẳng sao.

 


	Cô bé Y Rai mới 16 tuổi đã có con bồng, con bế.

Cô bé Y Rai mới 16 tuổi đã có con bồng, con bế.

Những thanh niên trong bản lấy vợ sớm đã đành, ngay cả con cán bộ xã cũng không thực hiện. Như con của ông Đinh Lầu cũng lấy vợ khi chưa đủ tuổi. Xã họp phê bình thì ông này đưa ra cái “lý” riêng của mình: Người ta có cháu bế, trong khi đó tôi chưa có thì phải để cho chúng lấy nhau thì tôi mới có cháu bế chứ. Phạt chứ gì thì tôi nhận phạt. Thế là ban lãnh đạo xã “bó tay”.

Chẳng thế mà đến nay tộc người A Rem vẫn tồn tại tục nối dây. Nghĩa là anh mất thì để vợ lại cho em. Nhiều khi ông còn để lại vợ cho cháu. Vợ này người A Rem gọi là vợ cộc. Họ cho rằng, nhà trai mất tiền “bỏ của” mới có vợ, nếu người vợ đó muốn lấy chồng khác thì phải trả của cao gấp đôi. Với cái giá đó ít phụ nữ dám bỏ cái tục nối dây này. Tục này phổ biến đến tận cán bộ xã do lẽ xã Tân Trạch chỉ có tộc người A rem sinh sống, lãnh đạo xã đa phần người A rem. Lúc mới nghe, tôi không tin, nhưng khi chính người trong cuộc là chị Y Ru - cán bộ phụ nữ xã thổ lộ với tôi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại