Vui hội Lồng Tồng cùng đồng bào dân tộc Thái

Miền Tây |

(Soha.vn) - Hội Lồng Tồng (hay còn gọi hội xuống đồng) từ bao đời nay đã trở thành một nét đẹp văn hoá, một sự kiện quan trọng đối với đồng bào dân tộc Thái ở Mường Tôn, huyện Quế Phong (Nghệ An).

Đã thành tập tục, lễ hội Lồng Tồng được tổ chức vào sáng ngày mồng 10 tháng giêng (âm lịch) hàng năm.

Khi một mùa vụ mới bắt đầu, bà con ở các xã trên địa bàn Quế Phong lại kéo nhau ra giữa cánh đồng hay một khu đất rộng bên cạnh cánh đồng tổ chức lễ hội Lồng Tồng để tạ ơn trời đất phù hộ cho mùa màng tươi tốt, cầu mong năm mới mưa thuận, gió hoà vạn vật sinh sôi nảy nở, trâu bò, lợn gà đầy chuồng, lúa ngô đầy nhà, mọi người đều khoẻ mạnh gặp nhiều may mắn, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, con cháu thành đạt.

Các nghi thức thiêng liêng và quan trọng nhất là lễ cúng thổ địa, thần đất, thần trời, thần núi, thần khe suối, tổ tiên đã có công lập nên bản Mường.

Lễ cúng cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi… tại bờ ruộng.

Lễ cúng gồm một mâm ngũ quả gọi là “Pán Lễ” có bánh kẹo, hoa quả, một chai rượu trắng, một con gà trống luộc, một đĩa xôi, một bát hương, hai chén rượu, một lọ hoa, một đôi đũa, một cuộn vải trắng do phụ nữ người Thái dệt, một đĩa trầu cau, một đôi vòng tay bằng bạc, lễ vật còn có một chum rượu cần làm bằng men gạo nếp do bà con sản xuất ra.

Lễ vật được bày đặt trên một lán chòi nhỏ. Một ông mo có uy tín nhất trong vùng thay mặt bà con nông dân chắp tay vái ba lạy để xin phép trời, thần linh, tổ tiên cho dân bản được tổ chức lễ Lồng Tồng, rồi bắt đầu cúng cầu mong các vị thần linh và tổ tiên phù hộ cho dân bản trên, Mường dưới một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở, lúa ngô đầy nhà, trâu bò lợn gà đầy chuồng, nhà nhà khoẻ mạnh yên vui, mọi điều như ý muốn.

Lời cúng của thầy mo chính là ước nguyện của bà con dân bản, là triết lý rất giản dị, thể hiện sự giao hoà giữa con người với thiên nhiên.

Khi bài cúng của thầy mo kết thúc, lãnh đạo địa phương tiến hành khai mạc bằng bài diễn văn rất ngắn gọn nêu bật thành tích sản xuất nông nghiệp trong năm qua, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong năm tới, đồng thời phát động thi đua sản xuất vụ đông xuân thắng lợi. Mọi người vui vẻ xuống đồng cấy những cây mạ đầu năm trong tiếng trống, tiếng cồng chiêng, khắc luống âm vang rộn rã.

Các chủ hộ đạt danh hiệu sản xuất nông nghiệp giỏi năm 2012 thay mặt bà con xuống cấy cây mạ đầu năm mới.

 

Ông Lang Văn Minh – Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: vụ đông xuân năm nay huyện Quế Phong có kế hoạch gieo cấy hơn 2.300ha diện tích lúa với cơ cấu giống trong đó có 40% diện tích lúa lai 986; 40% lúa lai LC25; 15% lúa JaJonmica1 (Gi41); còn lại giống khác. Đến nay toàn huyện đã gieo cấy được khoảng 80% diện tích. Sau lễ hội Lồng Tồng này bà con quyết tâm hoàn thành gieo cấy 100% diện tích lúa đông xuân vào ngày 15 tháng giêng (âm lịch) 2013.

Sau phần lễ là phần hội. Đây là phần thu hút đông đảo người tham gia nhất với các trò chơi dân gian truyền thống như: Thi kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp, ném còn, hát giao duyên Xuối, Lăm, Nhuôn đối đáp nam nữ, múa lăm vông tập thể, vui giao hữu bóng chuyền…

Thi đánh cồng chiêng tại lễ hội Lồng Tồng.

Lễ hội Lồng Tồng là sinh hoạt văn hoá tiêu biểu đặc sắc nhất, chứa đựng nhiều giá trị văn hoá nghệ thuật độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Tôn, huyện Quế Phong (Nghệ An).

Đây là một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng lành mạnh, mang tính nhân văn cao cả, góp phần tích cực vào việc vun đắp tình đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi trong lao động sản xuất cho bà con.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại