"Vua chuột" người Rục ngửi là phân biệt được chuột cái, chuột đực

Trong cộng đồng người Rục, thì anh Chuyên là thợ săn chuột có duyên, là "sát thủ" bắt chuột.

Xứng danh “vua chuột”

Bản của đồng bào Rục (bản Ón xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình) bây giờ văn minh hơn nhiều so với trước kia, đường vào bản đang được xây dựng. Những con dốc cao chót vót được “gọt” bớt và láng nhựa, nhưng vì đang trong quá trình thi công nên đi lại rất khó khăn. Từ trung tâm xã Thượng Hoá vào các bản của người Rục đường đi không một bóng người, thi thoảng gặp các lán trại của các công nhân làm đường.

Nhưng có lẽ văn minh nhất là ở đây là đã… có sóng điện thoại mạng Viettel. Thấy chúng tôi lên muộn so với hẹn, “vua chuột” Cao Xuân Chuyên oang oang qua điện thoại: “Lâu rứa, quá bữa cơm chiều rồi… Thôi, anh ở đó. Tui nói thằng cu ra đón”.

Mới 40 tuổi, nhưng “thằng cu” con trai đầu của anh đã đi bộ đội, đứa con gái sau đã học cấp 2 trường dân tộc nội trú huyện. Đón chúng tôi ở cửa, đã thấy anh một tay chống gậy, một tay cầm chiếc đèn pin, 2 thằng cu khác thì đang khệ nệ ôm đống bẫy chuột đứng đợi sẵn. “Mình đi luôn nghe, đi rồi nói chuyện …”, anh nói. Vùng rừng chúng tôi vào ở gần bản Ón, thuộc 20.000ha rừng mở rộng cho vùng quy hoạch của Di sản thiên nhiên thế giới - Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.

 	"Vua chuột" cùng hai người cháu vào rừng bẫy chuột

"Vua chuột" cùng hai người cháu vào rừng bẫy chuột

Đi cùng chúng tôi, ông Trần Xuân Tư, trưởng bản Ón cứ băn khoăn: “Tui thấy lạ, bữa trước có mấy cán bộ lên nói mấy con chuột như ri chết mô lâu lắm rồi, nhưng bọn tui lâu ni vẫn bắt ăn hàng ngày mà”. Chuyên thì cười lớn rồi giải thích: “Chuột ni sống đầy trong các hốc đá, bọn tui thường gọi theo tên là chuột đá, kà-nệ-kụng hoặc ninh-cùng. Bọn tui ngày mô mà chả đi bắt về ăn”.

Cách đây chừng 10 năm, một phần chân trái mất đi trong một vụ tai nạn đá đè đã biến anh thành người tàn phế. Anh nhớ lại, khi đó anh suýt bỏ mạng giữa rừng xanh vì đi săn chuột một mình, lại ở vùng rừng sát đất Lào, may mắn sau đó có người phát hiện thấy nên đem đi cấp cứu, hậu quả là phải cưa mất một phần chân trái. Khi đó anh đã nổi tiếng với tục danh “vua chuột”.

“Trong cộng đồng người Rục, anh Chuyên là thợ săn chuột có duyên, là “sát thủ” bắt chuột. Thời đó không ngóc ngách nào ở vùng núi đá nơi đây và vùng cận Lào mà anh không đến để bắt chuột. Đêm nào cũng vậy, đầu tối là đi, sáng sớm anh về là đủ chuột ăn thoải mái, còn cho cả bà con xung quanh. Từ sau khi bị nạn, anh ấy chỉ đi săn chuột quanh quẩn bản chứ không đi xa được nữa…”, ông Tư giải thích.

 	Những chiếc bẫy được khéo léo đặt vào hang đá

Những chiếc bẫy được khéo léo đặt vào hang đá

Đi với chúng tôi, anh còn dẫn thêm hai đứa cháu chừng 10 tuổi. Anh kể, hai đứa ở với vợ chồng anh cho vui cửa vui nhà chứ hai đứa con anh đều đi xa nhà cả, với lại cũng cốt là để anh truyền nghề săn chuột cho nó. “Ở đây, săn chuột cũng là nghề mà anh” - Chuyên tự hào nói.

Chuyên giải thích: “Đi rừng ở đây chủ yếu là ở kinh nghiệm”. Hồi còn nhỏ, anh sống trong hang đá, từ khi mới chập chững biết đi là đã hàng đêm theo cha len lỏi ở các hốc đá săn chuột. Vì thế, với hơn 30 năm đi săn chuột, anh đã thuộc từng lùm cây, bụi cỏ, hốc đá nơi đây. Nhìn đứa cháu 10 tuổi đi cùng, anh nói vui: "Bằng tuổi nó là tui đúc rút được cơ số kinh nghiệm săn chuột rồi".

Đi bắt chuột thì người Rục xưa nay nhà mô mà chả có người đi, nhưng bắt được nhiều, hiệu quả thì phải có bí quyết riêng, đó là biết ngửi mùi, biết quan sát, tìm dấu vết và hiểu được tập quán sinh sống của chuột. Thằng cháu anh Chuyên nói với tôi: "Chỉ cần hít mấy cái là bác ấy biết hang có chuột hay không, thậm chí biết chuột đực, chuột cái, chuột có... mang thai hay không nữa đó chú". Tôi tưởng thằng cu chọc chơi, ai ngờ ông Tư bảo: "Không, đó là sự thật mà".

Bẫy chuột được làm từ cây rừng

Theo ông Tư thì ở vùng núi này có 4 loại chuột gồm: con ly, con công, kà-nệ-nhẹc, kà-nệ-kụng (còn gọi chuột đá). Vì nhiều lại dễ bắt nên với người Rục từ khi còn ở trong hang đá chuột đã trở thành thực phẩm ăn hàng ngày.

Chuột đá thường sống trong các hang đá, màu đen bóng mượt, đuôi dài hơn một gang tay, tai dài hơn đốt ngón tay, móng nhọn, hoạt động vào bên đêm và xuất hiện nhiều vào mùa hè. Chuột đá sống rất khôn, nếu đánh hơi thấy mùi người là chúng sẽ bỏ đi làm tổ nơi khác, không sống ở đó nữa.

Cứ đi qua một hốc núi, ba bác cháu anh Chuyên lại đặt một bẫy vào hang, trong quá trình đặt, anh lại tận tình truyền đạt kinh nghiệm cho hai đứa cháu trai: "Ngửi thấy mùi chi không? Đặt phải nhẹ nhàng nghe, thở nhẹ hoặc nín thở nghe...". Hai đứa trẻ khuôn mặt nghiêm túc, mồm thì há hốc gật gù. Trong vòng hơn 2 tiếng, hơn 20 cái bẫy đã được đặt vào các hang đá với các khoảng cách khác nhau. Hết số bẫy trong tay, anh nhìn chúng tôi cười "vậy là xong, sáng mai chỉ việc đi gom chuột nữa thôi, nhớ vị trí từng hang mà đi thu gom nghe hai đứa...".

 	Chuột "tuyệt chủng" bẫy được tại bản Ón

Chuột "tuyệt chủng" bẫy được tại bản Ón

Cần bảo tồn chuột đá

Ông Cao Yên, một trong số những cao niên trong bản Ón kể: “Hồi xưa mỗi ngày những “cao thủ bắt chuột” như Chuyên đặt phải gần 100 bẫy, thu về cũng gần tưng ấy chuột, có nhiều loại như chuột lồ ô, kà-nệ-nhẹc hay kà-nệ-kụng (chuột đá), chừ thì chuột đá ít hơn vì bị bắt nhiều quá”.

Ông Yên cho biết, chuột đá thường được người Rục nấu với ruốc, riềng, sả (còn gọi là nấu giả cầy) rồi uống với rượu đoác đặc sản của người Rục. Theo “vua chuột” Cao Xuân Chuyên, anh đã bẫy được rất nhiều chuột đá ở vùng núi đá thuộc bản Ón, còn ở các khu vực khác cũng có nhưng số lượng ít hơn.

Khi được hỏi là dân bản có biết hay không việc các nhà khoa học cho rằng đây là loài chuột đã bị tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm, ông Tư trả lời thật thà rằng, bao đời nay người dân bản vẫn thấy chúng và bẫy chuột đem về ăn, trong đó có chuột đá. “Tuyệt chủng hay quý hiếm răng bọn tui đâu biết vì có nghe cán bộ tuyên truyền chi mô, chứ nếu cán bộ nói bảo vệ, đừng bẫy nữa vì lợi ích khoa học thì người dân bản sẽ cố gắng làm theo ngay ấy mà...".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại