Vợ chồng chị Hiền làm nông lại không có ông bà nội, ngoại ở gần trông nom nên ngay từ nhỏ Duy phải ở nhà chơi với chị và làm bạn với tivi. Chị Hiền cho biết: Duy rất nghịch, cứ mở cửa là cháu chạy ra đường. Bởi vậy, cửa lúc nào cũng phải khóa. Gần 3 tuổi, cháu chưa biết nói, gia đình rất lo nên đưa cháu về Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) khám. Các bác sĩ cho biết, Duy phát triển bình thường, chỉ là chậm nói và khuyên gia đình theo dõi.
Theo quan sát của chúng tôi, mỗi lần mở tivi, Duy thường chăm chú theo dõi rồi lẩm bẩm đọc theo các dòng chữ trên màn hình. Chị Hiền kể: Khi mới biết đọc, mỗi lần ra đường, thấy bất kỳ bảng quảng cáo, bảng hiệu nào cháu cũng chỉ trỏ, la lớn rồi đọc to, kể cả những chữ viết tắt cũng “dịch” ra được. Để chứng minh, chị Hiền đưa ra bìa lịch có nhiều chữ viết tắt như “ĐC: Tổ 2, ấp 8, xã Tân Hiệp, H. Hớn Quản, T. Bình Phước, ĐTDĐ...”, Duy đọc rất đúng.
Chưa tin vào mắt mình, chúng tôi đưa tờ Báo Bình Phước, bé lật từng trang rồi đọc tất cả các dòng chữ in đậm, in lớn trên các trang báo mà không cần đánh vần. Ngoài tiếng Việt, Duy còn đọc được một số từ tiếng Anh đơn giản. Sách Tiếng Anh lớp 6 của chị, Duy thường đem ra đọc các con số. Chị Hiền còn cho biết, Duy rất thích nghịch điện thoại, xem tivi và hát karaoke. Vào danh bạ điện thoại, Duy đọc được tất cả chữ viết tắt. Ngay cả máy tính của phóng viên, chỉ nhìn qua một lần Duy đã biết khởi động máy và đọc “Sam sung, Microsoft Office”. Khi chúng tôi đưa ra tờ 100 ngàn đồng, Duy cầm và đọc to dòng chữ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bất ngờ hơn, bé còn đếm vanh vách từ 1 đến 99.
Không chỉ đọc thành thạo, Duy còn viết những gì đọc được trên sách báo, tivi, phim ảnh. Trên tường nhà, Duy viết chi chít những dòng chữ “Truyền hình Công an nhân dân, Hồng sâm Hàn Quốc...”. Mỗi khi viết sai một chữ cái Duy vội vàng xóa đi viết lại. Khi chúng tôi sắp xếp lộn xộn các trang báo, Duy la hét rồi tỉ mẩn ngồi xếp lại ngay ngắn, đúng chiều. Tuy nhiên, Duy không nói chuyện hay giao tiếp với bất cứ ai. Mỗi lần muốn hoặc cần điều gì Duy thường í ới chỉ tay chứ không nói.
Chúng tôi hỏi tại sao anh chị chưa cho cháu đến lớp và anh chị đã dạy chữ cho cháu chưa? Chị Hiền nói: “Vợ chồng quanh năm tất bật với nghề cạo mủ cao su, lại thấy bé còn nhỏ nên chưa dạy chữ. Đầu năm học, tôi làm thủ tục cho bé ra lớp mầm non nhưng mới ở lớp được 2 giờ đồng hồ, cô giáo đã gọi ba mẹ đón về vì cháu quá nghịch và khó bảo”. Cô Vũ Thị Phượng, giáo viên chủ nhiệm của bé Duy cho biết: Duy rất hiếu động, chỉ cần lơ đãng một chút là bé chạy lung tung khắp sân trường, nói không nghe, hỏi không trả lời. Còn việc bé biết đọc, biết viết tôi chưa nắm được do thời gian bé ở trường không nhiều.
Cô Võ Thị Vân, Hiệu phó trường Mầm non Tân Hiệp cho biết: Ban giám hiệu đã nhắc nhở cô giáo chủ nhiệm vì vội vàng trả bé. Chúng tôi cũng khuyên gia đình sớm đưa bé đến trường để tiện theo dõi khả năng đặc biệt của bé, giúp bé có điều kiện học tập và phát triển.