Vụ tai nạn thảm khốc ở Lào Cai: Không dễ tìm nguyên nhân?

“Liệu chiếc xe gặp nạn có bị mất phanh không, đôi khi còn phụ thuộc vào tâm lý lái xe lúc đó. Có khi xe không bị mất phanh nhưng lái xe lại nghĩ mất, hoặc phanh chỉ bị bó lại...".

TS Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia trao đổi với phóng viên về vụ việc chiếc xe khách chở 57 người lao xuống vực tại Lào Cai hôm 1/9 vừa qua:

Hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở Lào Cai. Xin ông cho biết đến thời điểm này đã tìm ra nguyên nhân chính xác về vụ tai nạn thảm khốc này chưa?

Cho đến giờ phút này, cơ quan điều tra vẫn đang làm việc. Chiếc xe gặp nạn rơi xuống vực đã bị nát. Lái xe chính đã tử nạn, chỉ còn lại lái phụ nên nguyên nhân tai nạn cần phải chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng.

Về lý do liệu chiếc xe gặp nạn này có bị mất phanh hay không, đôi khi nó còn phụ thuộc vào tâm lý của tài xế vào thời điểm đó. Có khi lúc đó xe thực sự không bị mất phanh nhưng lái xe lại nghĩ mất, hoặc lúc đó phanh bị bó lại nhưng lại cứ nghĩ mất phanh…

Tại hiện trường xảy ra tai nạn nói lên điều gì, thưa ông?

Tại hiện trường cho thấy chiếc xe gặp nạn đâm vào hộ lan (lan can cứu hộ), rồi vẫn chạy một đoạn, sau đó mới lật xuống vực chứ không phải xe mất phanh lao thẳng vào hộ lan và đâm xuống vực.

Để tìm ra nguyên nhân, cơ quan điều tra sẽ phải khám nghiệm về kỹ thuật, về tất cả các thứ xem có đúng mất phanh, hay tại nguyên nhân nào khác.

Theo ông, trường hợp tai nạn do nguyên nhân mất phanh sẽ nói lên điều gì?

Lúc đó cơ quan điều tra sẽ phải tìm xem tại sao nó bị mất phanh? Mất phanh vì kỹ thuật đạp phanh không tác dụng hay do công tác bảo dưỡng sửa chữa, bảo trì phương tiện?

Tùy trường hợp cụ thể, thậm chí trường hợp mất phanh do kỹ năng lái cũng có thể xảy ra. Đôi khi cũng có thể hỏng hóc về kỹ thuật, gẫy bộ phận truyền lực có thể cũng gây mất phanh... Tất cả những nguyên nhân đó người ta đều phải xem xét hết, lúc đó mới đưa ra kết luận chính thức.

Theo ghi nhận ban đầu thì vấn đề hạ tầng giao thông cũng như hệ thống biển báo liên quan tại đoạn đường xảy ra tai nạn có đảm bảo và đầy đủ không?

Trên đoạn đường đó cũng có hộ lan, có biển cảnh báo đường dốc quanh co. Lúc đó lái xe lại không đi nhanh, chỉ với tốc độ 38 km/giờ và đang đổ dốc nên vấn đề này không phải là điều gì đó quá nghiêm trọng.

Sau những sự cố tai nạn xảy ra ở những đoạn đường rừng núi, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia có triển khai kế hoạch, nhiệm vụ cũng như những đề xuất kiến nghị gì để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn xảy ra?

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ rà soát lại tất cả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong kết cấu hạ tầng ở tất cả các tuyến đường có địa hình khó trên toàn quốc. Đối với những tuyến đường thuộc địa phương sẽ do Sở GTVT các tỉnh phụ trách.

Còn ở góc độ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, thưa ông?

Ngày hôm nay chúng tôi sẽ làm báo cáo chính thức gửi lên Thủ tướng Chính phủ về 5 ngày trước sau nghỉ lễ cũng như thống kê về các vụ tai nạn, từ đó sẽ đưa ra những ý kiến kiến nghị cụ thể chính thức từ phía Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại