Vụ sạt lở núi ở Yên Bái: Thảm họa đã được báo trước

daquynh |

Trước đó, UBND huyện Mù Cang Chải đã yêu cầu người dân ký cam kết không mót quặng tại các bãi thải trong vùng.

Ngày 9-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện số 1357/CĐ –TTg về việc khắc phục sự cố sạt lở núi thuộc khu mỏ chì kẽm ở huyện Mù Cang Chải - Yên Bái làm 17 người chết, 1 mất tích và 2 bị thương.

vu-sat-lo-nui-o-yen-bai-tham-hoa-da-duoc-bao-truoc

Tiếp tục tìm kiếm thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở núi ở huyện Mù Cang Chải - Yên Bái. Ảnh: TTXVN

Vẫn chưa thấy nạn nhân cuối cùng

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục triển khai các biện pháp tìm kiếm người bị nạn; cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích... Các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn nêu trên, báo cáo Thủ tướng.

Chiều cùng ngày, bác sĩ Hà Hồng Thúy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ - Yên Bái,cho biết 2 nạn nhân Hảng A Nắng (SN 1990), Hảng A Thắng (SN 1996) đã qua cơn nguy kịch và đang được điều trị phục hồi. Trong khi đó, mặc dù lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực làm việc nhưng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân cuối cùng là anh Lý A Lềnh. Ngoài ra, người thân vẫn chưa nhận dạng được anh Hàng A Sủng trong số 17 thi thể đã tìm thấy vì bị biến dạng.

Đến thời điểm này, tổng số tiền hỗ trợ cho các nạn nhân và gia đình là 500 triệu đồng. Hiện tại, huyện Mù Cang Chải vẫn có mưa lớn kéo dài và sương dày đặc, chính quyền địa phương đã cấm người dân đi mót quặng để tránh xảy ra thêm thảm họa.

Đã từng xảy ra thảm họa

Cách đây 2 năm, chiều 22-8-2010, tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, một mảng đất đá rộng hơn 2 ha từ trên sườn núi cao đã đổ ập xuống, vùi lấp 7 người dân đang hái ngô. Sau khi sự cố xảy ra, chính quyền huyện Mù Cang Chải đã cưỡng chế dỡ bỏ lều lán của các gia đình trên nương ngô nhằm đề phòng xảy ra sạt lở đất

Ông Nguyễn Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, cho biết trước khi xảy ra vụ sạt lở núi ở xã La Pán Tẩn, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền xã tổ chức họp để từng gia đình ký cam kết không mót quặng tại các bãi thải trong vùng.

Trước đó, Công ty TNHH Thịnh Đạt đã cho công nhân nghỉ 3 ngày để bảo đảm an toàn do trời mưa to, đất dễ sạt lở. “Tuy nhiên, sau cơn mưa, người dân thấy đất trôi để lộ ra những quặng chì - kẽm nên kéo nhau đi mót. Khi thấy người dân mót quặng gần khu vực thi công, Công ty TNHH Thịnh Đạt cử 2 bảo vệ ra ngăn cản và một trong 2 người đã tử vong khi thảm họa xảy ra” - ông Khang kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại