Vụ sập hầm thủy điện: Thiếu một lời xin lỗi trách nhiệm

Hoàng Đan |

ĐBQH Nguyễn Thị Khá cho rằng, sau sự cố sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng, các đơn vị có liên quan vẫn đang thiếu một lời xin lỗi trách nhiệm đối với các nạn nhân và người dân cả nước.

Liên quan đến vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng, trao đổi với chúng tôi, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đánh giá rất cao nỗ lực của các lực lượng chức năng trong việc cứu 12 công nhân bị mắc kẹt.

"Người dân cả nước đã rất vui mừng, sung sướng khi được chứng kiến những công nhân bị mắc kẹt được cứu thoát. Đó là một kỳ tích, sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm cao của các lực lượng chức năng, cứu hộ", bà Khá chia sẻ.

Đại biểu QH Nguyễn Thị Khá.
Đại biểu QH Nguyễn Thị Khá.

Đồng quan điểm đó, Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) cũng nhấn mạnh, đây là sự cố gắng rất cao của các lực lượng cứu hộ, nhất là lực lượng quân đội.

"Điều vui mừng lớn hơn cả là tất cả 12 công nhân đã ra ngoài an toàn và ổn định, từng bước hồi phục được sức khỏe...", ông Hà bày tỏ.

Ông Hà nói thêm: "Cá nhân hay tổ chức nào có vi phạm, trách nhiệm đến đâu sẽ phải xem xét, kể cả việc bồi thường, công sức, tiền bạc phải chi ra để cứu các công nhân cũng sẽ phải xem xét cụ thể...

Cùng với đó, các đơn vị có liên quan cũng cần đưa ra những lời xin lỗi cụ thể về vụ việc này đến với các công nhân và người dân cả nước...".

ĐBQH Chu Sơn Hà.
ĐBQH Chu Sơn Hà.

Có cùng quan điểm về trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, bà Khá cho rằng: "Khi xảy ra tai nạn lao động thì người chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm như thế nào thì trong luật lao động đã quy định rõ.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật về trách nhiệm của các đơn vị này.

Còn rõ ràng, sau sự việc này, chúng ta đang thiếu đi một lời xin lỗi. Nhưng đó không phải là lời xin lỗi theo cách thấy người ta xin lỗi rồi mình cũng đứng trước đám đông để nói lời xin lỗi hay xin lỗi rồi mọi việc vẫn như cũ.

Mà theo tôi, ở đây, xin lỗi đó phải là một sự hối tiếc, ăn năn, xin lỗi xong phải có biện pháp cụ thể để không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc, tương tự như vậy. Nói cách khác, ở đây, chúng ta còn thiếu. Đó là lời xin lỗi trách nhiệm".

Các công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng đươc đưa ra ngoài.
Các công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng đươc đưa ra ngoài.

Cũng theo bà Khá, lời xin lỗi trách nhiệm còn thiếu trong vụ việc này không phải chỉ dành cho 12 công nhân mắc kẹt là xong.

"Mà đó phải là sự cảnh báo tới các chủ sử dụng lao động trên cả nước không nên, không thể lặp lại lời xin lỗi đó cho những vụ việc tương tự thế này", bà Khá nói thêm.

Chia sẻ thêm về quan điểm về lời xin lỗi ở đây, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng cho rằng, lời xin lỗi phải từ chính những hành động nhanh chóng, cụ thể còn lời xin lỗi theo hình thức thì không nên.

"Ở đây, rõ ràng việc tích cực, tập trung mọi nguồn lực để cứu nhanh chóng các công nhân bị mắc kẹt ra ngoài cũng đã là một lời xin lỗi rồi.

Còn nói lời xin lỗi theo kiểu hình thức thì không nên và không có tác dụng gì cả. Sau này, trách nhiệm đến đâu, thuộc về ai chắc chắn sẽ phải được các cơ quan chức năng, điều tra, làm rõ.

Cùng với những chính sách tốt, rút kinh nghiệm nghiêm túc, cụ thể, tránh xảy ra vụ việc tương tự sẽ là một lời xin lỗi trang trọng nhất...", ông Quốc chia sẻ.

Trước đó, sau nhiều nỗ lực của các lực lượng cứu hộ, sau gần 4 ngày, (từ hơn 7g sáng 16-12 đến khoảng 16g20 ngày 19-12) 12 công nhân Công ty CP Sông Đà 505 bị nạn trong hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã được cứu thoát.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại