Vụ giàn khoan Trung Quốc: Việt Nam không cô độc!

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Ngọc Trường (Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế) khi nói về vụ giàn khoan TQ xâm phạm lãnh hải VN.

Ông Trường phân tích trên tờ Người Lao Động: "Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta đưa cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Chúng ta đã làm hết lẽ với Trung Quốc qua các cơ chế song phương (mới đây nhất là bằng 2 thỏa thuận cấp cao vào năm 2013 tại Bắc Kinh và Hà Nội) và đa phương (ASEAN - DOC), trong khi Trung Quốc thỏa thuận một đằng, làm một nẻo.

Khi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, chúng ta bảo vệ được chủ quyền biển đảo mà Trung Quốc đã xâm phạm lâu nay, làm rõ được đúng - sai trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được. Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất".

Vị này nhấn mạnh, Việt Nam không cô độc. Chúng ta đã có nền tảng đối nội, đối ngoại vững vàng, có thể chịu được cuộc thử thách này. Kiện ra tòa án quốc tế, lý trí và ngoại giao sẽ thắng tư tưởng cường quyền. 

Tàu Hải cảnh 31101 của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Kiểm ngư của Việt Nam. Ảnh: Infonet

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Ngọc Trường, TS. Dương Danh Huy (người có nhiều năm nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông và hiện là thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông) nói trên tờ Tuổi Trẻ: “Việt Nam phải công khai thách Trung Quốc ra tòa về chủ quyền đối với Hoàng Sa. Mặc dù khả năng là Trung Quốc sẽ khước từ, nhưng đó là lỗi của họ chứ không phải của Việt Nam thách họ, và thế giới cũng như người Trung Quốc sẽ thấy nước nào là nước trốn tránh công lý”.

Ông Huy cho rằng, theo quan điểm của Việt Nam thì vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hai lập luận Việt Nam có thể dùng cho quan điểm này là vị trí này cách đất liền Việt Nam và đảo Lý Sơn dưới 200 hải lý, và vị trí này cách các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam dưới 200 hải lý.

Trong một diễn biến khác, Chuẩn đô đốc Ngô Sỹ Quyết, Tư lệnh Vùng 3 Hải quân (đóng tại Quân cảng Đà Nẵng) cho biết, hiện các tàu của lực lượng cảnh sát biển đã được tăng cường để tiếp tục đấu tranh buộc các tàu và giàn khoan HD-981 của Trung Quốc rút khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Thông tin trên tờ Pháp luật TP.HCM

Những diễn biến chính quanh vụ giàn khoan TQ xâm phạm lãnh hải VN

- Từ ngày 2 - 3/5, Trung Quốc đã huy động nhiều tàu ra khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trên vùng biển Việt Nam. Cao điểm nhất là 12 giờ ngày 7/5, Trung Quốc đã huy động đến 80 tàu các loại. 

- Tàu Trung Quốc chủ động đâm thẳng và dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam khiến 6 kiểm ngư của Việt Nam đã bị thương. Tàu KN 762 đã bị đâm 9 lần.

-  Ngày 7/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức Họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

- Chiều 8/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức cuộc họp báo nhằm biện minh cho việc đưa giàn khoan HD981 hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc không giải thích được tại sao nước này phải điều đến hơn 80 tàu các loại để hộ tống một giàn khoan, trong khi bình thường chỉ cần 3 đến 4 tàu phục vụ là đủ. Trước câu hỏi việc lực lượng chức năng của nước này dùng vòi rồng và cho tàu công vụ tấn công tàu Việt Nam có phải là hành vi ức hiếp thô bạo hay không và Trung Quốc đã điều bao nhiêu tàu đến khu vực giàn khoan HD981, trong đó có bao nhiêu tàu hải quân, Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra lúng túng, cố tình né tránh câu trả lời.

- Chiều 9/5, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức ra tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam. 

Hội Luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982. Đồng thời kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế.

 

 >> Xem clip: Toàn bộ Tuyên bố của Hội Luật gia VN về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. 

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại